Năm học 2019-2020: Thời điểm bản lề đổi mới giáo dục phổ thông
Năm học 2019-2020, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục là chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai từ năm học 2020-2021.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được triển khai đại trà trên cả nước từ năm học 2020-2021, bắt đầu với lớp 1. Vì thế, năm học 2019-2020 được coi là năm bản lề, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để việc thực hiện chương trình mới hiệu quả.
Chuẩn bị đón chương trình mới cũng là nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra cho năm học này. Trong đó, các vấn đề được đặc biệt chú trọng là chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhất là với lớp 1, khối lớp đầu tiên áp dụng chương trình mới.
Còn nhiều thách thức
Chương trình giáo dục phổ thông mới với định hướng chuyển từ giáo dục truyền thụ kiến thức truyền thống sang hình thành năng lực, phẩm chất người học, từ giáo dục để trả lời câu hỏi “học xong, học sinh biết những gì?” sang trả lời câu hỏi “học xong, học sinh biết làm gì?”, từ giáo dục “đồng phục” với một chương trình và một thang đánh giá cho mọi học sinh sang giáo dục cá nhân hóa, tôn trọng sự khác biệt.
Với định hướng đó, chương trình có nhiều thay đổi như tăng số môn học tự chọn, giảm số môn bắt buộc; lần đầu tiên đưa vào chương trình hoạt động trải nghiệm sáng tạo ở các cấp học; thêm môn Tin học, Ngoại ngữ ở bậc tiểu học, thêm môn Âm nhạc và Mỹ thuật ở bậc trung học phổ thông…
Thời lượng giáo dục cũng tăng lên từ một buổi sang hai buổi một tuần với bậc tiểu học. Điều đó đi liền với sự đầu tư hơn về cơ sở vật chất. Bậc tiểu học bắt buộc phải đủ 1 phòng học cho mỗi lớp, phải bố trí cho học sinh ăn bán trú tại trường. Số lượng giáo viên tiểu học cũng phải tăng lên.
Thế nhưng, ở nhiều địa phương, để thực hiện điều này vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo ông Đào Thái Lai, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên, tỉnh đủ mỗi lớp một phòng học, trong đó có 12% là số phòng học dựng bằng khung sắt và lợp mái tôn. Tuy nhiên, dù đã cố gắng vượt bậc, việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh tiểu học đạt tỷ lệ không cao (chỉ 38%). Đáng chú ý, vùng khó khăn lại có có tỷ lệ học sinh ăn bán trú cao hơn, chiếm 75%; tỷ lệ học sinh ăn bán trú của vùng thuận lợi chỉ có 10%, còn bộ phận khá lớn học sinh tiểu học sáng đến trường, trưa bố mẹ đón về, chiều lại đến trường.
Việc dạy học hai buổi trên ngày ở bậc tiểu học cũng dẫn đến việc thời lượng dạy học của giáo viên tăng lên. Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, ở nhiều nơi đã có chính sách thu thêm kinh phí buổi hai, nhưng Lào Cai là tỉnh nghèo nên hiện nay chưa có cơ chế này. Giáo viên dạy buổi hai vẫn trên tinh thần cống hiến.
Với các vùng thuận lợi lại có áp lực về sỹ số, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi theo quy định, sỹ số bậc tiểu học chỉ 35 học sinh/lớp, bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông là 45 học sinh/lớp thì ở nhiều nơi, con số này là 60 học sinh/lớp. Theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, với sỹ số lớp như vậy thì chính ông cũng không thể triển khai tốt được chương trình giáo dục phổ thông mới.
Các địa phương cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu giáo viên , trong khi lương giáo viên hợp đồng quá thấp nên không thể giữ chân người dạy. Thực trạng này đặt trong bối cảnh tinh giản biên chế càng làm thách thức nhân lực nhà giáo tăng lên.
Với số lượng quá tải, học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai, Hà Nội, chỉ đi học 4 ngày/tuần, học luân phiên cả thứ Bảy.
Điều kiện tới đâu, áp dụng tới đó
Trước những vấn đề trên, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, chương trình mới có vòng đời ít nhất trên dưới 20 năm. “Do thiết kế cho một giai đoạn phát triển dài nên bước đầu hơi vượt một chút với các vùng khó khăn là chuyện dễ hiểu. Chương trình vẫn dựa trên thực trạng đa số hiện nay, kế thừa toàn bộ thực trạng để làm sao có tính khả thi cao nhất,” ông Tài nói.
Đưa ra phân tích cụ thể, ông Tài cho hay, bước vào năm học này, sỹ số trung bình của cả nước là gần 30 học sinh/lớp. Với bức tranh chung toàn cảnh, quy mô đó là hợp lý. Với giáo viên, tỷ lệ hiện nay khoảng gần 1,4 giáo viên/lớp.
Thừa nhận một số nơi có sỹ số cao nhưng theo ông Tài, thực trạng này chỉ tập trung ở một vài vùng cá biệt và nước nào cũng có, không chỉ ở Việt Nam. Để giải quyết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với Chính phủ có nhiều chính sách để phát triển giáo dục các vùng này như yêu cầu xây dựng trường ở khu công nghiệp, xã hội hóa. Bộ cũng yêu cầu các sở giáo dục làm tốt công tác phân luồng tuyến tuyển sinh, tận dụng cơ sở vật chất làm lớp học.
“Nếu chúng ta chỉ nhìn vào những nơi khó khăn mang tính cá biệt để nói khó khăn cho triển khai chương trình mới thì ngay cả chương trình hiện hành cũng khó,” ông Tài chia sẻ.
Về vấn đề đội ngũ giáo viên, ông Tài cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thống kê, đánh giá số lượng giáo viên đáp ứng chương trình mới và báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện đúng chức năng của mình về quản lý biên chế. Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh rà soát thực trạng số giáo viên và báo Chính phủ trình Bộ Chính trị để giải quyết vấn đề này.
Cũng theo ông Tài, chương trình giáo dục phổ thông mới là chương trình mở, có mức tối thiểu bắt buộc và tối ưu, 6 buổi hay 10 buổi vẫn là kế hoạch 2 buổi/ngày. Vì vậy, những nơi khó khăn mà địa phương chưa chuẩn bị sẵn sàng thì phải thực hiện ở mức tối thiểu nhất của chương trình bắt buộc. Bộ sẽ có hướng dẫn, điều kiện đến đâu áp dụng đến đó. Qua thời gian chúng ta sẽ thực hiện được mức tối ưu. Theo đó, không có chuyện thành công hay không thành công của chương trình mà mức độ chương trình đạt đến đâu.
“Đó cũng là trách nhiệm của địa phương để con em mình được hưởng giáo dục ở mức tối ưu. Nếu chỉ thực hiện ở điều kiện tối thiểu thì địa phương đang có lỗi với con em và phải cố gắng để có thể thực hiện tối ưu trên địa bàn mình,” ông Tài nói./.
Ý kiến ()