Nam giới Việt Nam mắc lao cao gấp 2,5 lần so với nữ giới
Vì sao nam giới Việt Nam lại mắc lao cao gấp 2,5 lần so với nữ giới? Chương trình chống lao Quốc gia sẽ đi tìm lời giải đáp, để tiến tới khống chế số ca mắc và tử vong, giảm nguồn lây lao trong cộng đồng. |
Nhiều câu hỏi đặt ra với Việt Nam trong phòng chống lao Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong công tác phòng chống lao trong thời gian qua, trở thành một điểm sáng trên thế giới về phòng chống lao. Hiện nay, chúng ta đã phát hiện 83% số ca mắc, điều trị cho 90% đối tượng. Đặc biệt, trong điều trị lao kháng thuốc, khi thế giới mới chỉ chữa khỏi cho 52% số ca lao kháng thuốc thì Việt Nam đã đạt tới 75% bằng phác đồ điều trị, quản lý mới. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Giám đốc Chương trình chống lao Quốc gia, chúng ta còn 17% số bệnh nhân chưa được phát hiện để điều trị, 10% số ca phát hiện cũng chưa điều trị thường xuyên bền vững. Việc phát hiện những người lao tiềm ẩn, người mắc lao mới đưa vào điều trị theo phác đồ cũng là một thách thức. Vừa qua, trong chuyến thăm Việt Nam, TS Tereza Kasaeva, Giám đốc Chương trình chống Lao toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cùng Việt Nam nhìn nhận lại công tác phòng chống lao ở Việt Nam để tiến tới giảm người chết, giảm người mắc, để có một Việt Nam không còn bệnh lao. Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng chống lao. “Việt Nam còn cần phải nghiên cứu sâu hơn như vi khuẩn lao ở Việt Nam khác gì thế giới về tính chất kháng thuốc, đột biến gen. Người Việt Nam có đặc trưng gì mà nam giới lại mắc lao gấp 2,5 lần so với nữ giới. Những thuốc mới vào Việt Nam khác gì nước khác. Tới đây chính sách nhập thuốc khó khăn, thuốc thế giới khan hiếm thì chúng ta thay đổi như thế nào phù hợp với tình hình thuốc mới”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung đưa ra một số câu hỏi mà Việt Nam cần phải giải đáp. Bên cạnh đó, việc phát hiện chủ động bệnh lao ít tốn kém nhất là một bài toán đang đặt ra với Việt Nam. “Chúng ta đã có nghiên cứu phát hiện chủ động ba năm liền, với con số giảm 46% tỷ lệ mắc. Đây là một nghiên cứu đắt tiền. Chúng ta sẽ nghiên cứu phương pháp chụp X-quang và X-pert – hai kỹ thuật song hành với nhau như thế nào để tăng phát hiện lao”, ông Nhung nói thêm. Cần hỗ trợ về tài chính cho người mắc lao TS Tereza Kasaeva, Giám đốc Chương trình chống Lao toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá Việt Nam có hệ thống phòng chống lao rất tốt từ Trung ương tới tuyến cơ sở, kể cả về khám, điều trị và chăm sóc người mắc lao. Tuy nhiên, thách thức với Việt Nam là phải duy trì kết quả này bền vững cho tới khi thành công mục tiêu chấm dứt bệnh lao. Hiện nay, Việt Nam còn đang thiếu sự vào cuộc của cả cộng đồng. “Người dân biết dịch vụ xét nghiệm lao miễn phí thân thiện nhưng không sử dụng vì họ có mặc cảm khi xã hội còn kỳ thị lớn với người bị lao. Trong khi lao chữa được, tại sao lại để chết vì lao, mặc cảm vì lao”, PTS.TS Nguyễn Viết Nhung nói. Một điểm mấu chốt nữa mà hiện nay điều trị lao còn khó khăn là số bệnh nhân mắc lao đa số nghèo, không có tiền để mua thẻ BHYT, đồng nghĩa với việc họ không tiếp cận được điều trị hoặc theo không hết phác đồ điều trị. Do đó, Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao mà Bệnh viện Phổi Trung ương ra mắt thời gian qua có mong muốn gây quỹ để hỗ trợ về mặt kinh tế người bệnh. Đến nay, quỹ thu nhận 8 tỷ đồng và quỹ dự tính tới đây, một năm quỹ sẽ mua thẻ BHYT cho 20 nghìn bệnh nhân mắc lao. Năm 2019, thuốc loại 1 sẽ được đưa vào danh mục thuốc do BHYT chi trả. Theo ông Nguyễn Viết Nhung, đây sẽ là cách để san sẻ bớt gánh nặng ngân sách nhà nước và tiến tới bao phủ BHYT với người mắc lao. Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, TS Tereza Kasaeva đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế với các mục tiêu, giảm tỷ lệ tử vong; giảm ca mắc; xây dựng hệ thống mạng lưới đào tạo y tế cơ sở, thôn bản; tài chính nguồn lực cũng như đánh giá kỹ thuật mới trong điều trị lao tại Việt Nam. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()