Nam Giang (Quảng Nam) xóa bỏ tập tục tảo hôn
Được thành lập tháng 3/2012, Câu lạc bộ Phụ nữ xóa bỏ tập tục tảo hôn thôn Vinh, xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang (Quảng Nam) trở thành mô hình điểm trong việc hóa giải nạn tảo hôn, thay đổi nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Được thành lập tháng 3/2012, Câu lạc bộ Phụ nữ xóa bỏ tập tục tảo hôn thôn Vinh, xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang (Quảng Nam) trở thành mô hình điểm trong việc hóa giải nạn tảo hôn, thay đổi nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Các thành viên Câu lạc bộ thường xuyên tuyên truyền |
Là xã miền núi, nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Cơ Tu, từ bao đời nay, xã Tà Pơơ nói riêng và huyện Nam Giang nói chung vẫn còn tồn tại một tập tục lạc hậu là “tảo hôn”. Tập tục này khiến những chàng trai, cô gái đang ở lứa tuổi cắp sách đến trường đã sớm phải từ bỏ việc học tập để bước vào cuộc sống gia đình. Theo thống kê, mỗi năm, trên địa bàn huyện xảy ra hàng chục vụ tảo hôn, nạn nhân đa phần là trẻ em 14 – 15 tuổi, thậm chí có những em gái 12 – 13 tuổi. Chỉ riêng tại xã Tà Pơơ, từ năm 2010 – 2011, đã có 6 cặp vợ chồng nhí cưới nhau. Hậu quả của tảo hôn không chỉ vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình mà còn dẫn đến bi kịch gia đình bị đổ vỡ, con cái còi cọc, suy dinh dưỡng do các cặp vợ chồng chưa có đủ kiến thức về làm vợ, làm mẹ, nuôi dạy con, xây dựng tổ ấm gia đình….
Trước thực trạng đó, ngày 29/3/2012 Hội Phụ nữ xã Tà Pơơ quyết định chọn thôn Vinh làm điểm để thành lập và ra mắt Câu lạc bộ Phụ nữ xóa bỏ tập tục tảo hôn, với 30 thành viên là các gia đình hạnh phúc có con cái trong độ tuổi vị thành niên. Ngoài việc thành lập Ban chủ nhiệm gồm 3 người, xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên thì việc duy trì hoạt động của Câu lạc bộ cũng được chú trọng thường xuyên, đều đặn định kỳ mỗi tháng 2 lần.
Mỗi dịp sinh hoạt, ngoài việc tham khảo tài liệu, trao đổi, đánh giá những mặt làm được, chưa làm được để rút kinh nghiệm thì các nội dung văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống ma túy, mại dâm; buôn bán phụ nữ và trẻ em; hay các vấn đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi con khỏe, dạy con ngoan… được phổ biến đến các thành viên Câu lạc bộ với nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú đa dạng, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ cũng phối hợp với Hội Phụ nữ xã Tà Pơơ lồng ghép nội dung vào trong các buổi sinh hoạt hội họp của thôn, của tổ với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực.
Ngoài ra, Ban chủ nhiệm cũng thường xuyên vận động các thành viên và phụ nữ thôn đăng ký thực hiện phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; tổ chức các buổi tọa đàm, hái hoa dân chủ; tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình; đăng ký thực hiện mô hình gia đình hạnh phúc gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”…, nhằm tập hợp lực lượng hội viên phụ nữ, cũng như toàn thể nhân dân quan tâm hơn nữa đến phụ nữ và trẻ em, lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xóa bỏ tập tục lạc hậu có hại đến sức khỏe phụ nữ và trẻ em.
Theo chị Alăng Thị Đào – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ xóa bỏ tập tục tảo hôn cho biết, từ khi thành lập đến nay, Câu lạc bộ đã thuyết phục hai gia đình không tiến hành tảo hôn đối với con cái họ. Đó là cậu bé Alăng Chuồn – 16 tuổi, học lớp 9, con của ông Alăng Chươch với cô bé Zơ râm Lưu – 15 tuổi, con của ông Zơram Líp; cậu bé Alăng Do – 17 tuổi với một cô bé ở xã Chaval bên cạnh. Riêng vụ cậu bé Alăng Chuồn, việc thuyết phục gia đình gặp rất nhiều khó khăn do gia đình không hợp tác, nhưng qua nhiều lần kiên nhẫn thuyết phục về tác hại của việc tảo hôn, hai bên gia đình đã hiểu ra và hủy hôn, các cháu tiếp tục được đi học.
Chị Alăng Thị Đào cho rằng, do phong tục tập quán của đồng bào Cơtu đã tồn tại hàng bao đời nay cùng nhận thức còn hạn chế, nên ban đầu, việc vận động thường rất khó khăn đòi hỏi các thành viên phải kiên trì. Một thành viên vận động không được thì cả Câu lạc bộ đến tận nhà vận động, giải thích, dẫn chứng những hậu quả và hệ lụy của việc tảo hôn … Vận động đến bao giờ hai gia đình nhận ra sai trái, hủy bỏ hôn ước mới thôi. Đặc biệt, có những gia đình sau khi được thành viên Câu lạc bộ vận động, thấy sai trái hủy hôn, sau đó cũng tự nguyện tham gia vào Câu lạc bộ để tuyên truyền đến các gia đình khác.
Theo bà Zơ râm Thị Nhung – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Giang, qua hơn 1 năm thành lập, sức lan tỏa của Câu lạc bộ phụ nữ xóa bỏ tập tục tảo hôn đã không còn bó hẹp trên địa bàn thôn Vinh, xã Tà Pơơ, mà đã lan tỏa ra đến nhiều xã trong huyện. “Một năm trở lại đây, trên địa bàn xã Tà Pơơ hầu như không còn vụ tảo hôn nào. Đây là tín hiệu đáng mừng để chúng tôi tiếp tục mở rộng mô hình này đến các xã còn lại, nhằm thay đổi nhận thức của đồng bào về hậu quả của tảo hôn” – bà Zơ râm ThịNhung phấn khởi cho biết.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()