Nam Ðịnh tạo bước đột phá trong xuất khẩu
Đẩy mạnh xuất khẩu là chủ trương lớn của Đảng bộ tỉnh Nam Định nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương, phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thúc đẩy ngành nghề phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động xuất khẩu luôn có sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền tỉnh Nam Định, cho nên đã có bước tăng trưởng đột phá.Năm 2010, tổng giá trị hàng xuất khẩu của tỉnh Nam Định đạt 230 triệu USD, vượt chỉ tiêu kế hoạch của Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa 17 là 220 triệu USD. Năm 2008 là dấu mốc quan trọng khi mới qua hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội, tổng giá trị hàng xuất khẩu toàn tỉnh đã đạt 222 triệu USD. Một con số ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái mạnh, tác động trực tiếp đến sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại của tỉnh, nhất là thị trường xuất khẩu hàng hóa. Tính chung trong năm năm (2006-2010), tốc độ...
Năm 2010, tổng giá trị hàng xuất khẩu của tỉnh Nam Định đạt 230 triệu USD, vượt chỉ tiêu kế hoạch của Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa 17 là 220 triệu USD. Năm 2008 là dấu mốc quan trọng khi mới qua hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội, tổng giá trị hàng xuất khẩu toàn tỉnh đã đạt 222 triệu USD. Một con số ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái mạnh, tác động trực tiếp đến sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại của tỉnh, nhất là thị trường xuất khẩu hàng hóa. Tính chung trong năm năm (2006-2010), tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn tỉnh đạt bình quân 18,5%, cao hơn mức tăng trưởng đề ra là 15% đến cuối nhiệm kỳ. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực có ưu thế cạnh tranh trên thị trường là hàng may mặc, mức tăng bình quân 22,6%, tiếp đến là hàng thủ công mỹ nghệ tăng 8,06% và thịt đông lạnh tăng 6,98%.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 49 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu trên nhiều lĩnh vực như dệt may, thủ công mỹ nghệ, sản xuất dược liệu, chế biến nông sản, thực phẩm và rau quả, máy cơ khí, gang đúc. Đến thời điểm này, trên mảnh đất giàu truyền thống về dệt may đang hội tụ hơn 30 doanh nghiệp lớn, trong đó có năm doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Để đẩy mạnh xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2006-2010, tỉnh Nam Định thành lập Ban chủ nhiệm chương trình phát triển thương mại – du lịch nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình. Phối hợp chặt chẽ với ngành hải quan thực hiện mức cao nhất chỉ tiêu xuất khẩu, thành lập Cảng thông quan nội địa tạo điều kiện thuận lợi và giảm đến mức thấp nhất chi phí cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác, tham gia vào chuỗi sản xuất, phân phối của các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước; liên kết, hình thành mạng lưới tiêu thụ, gắn sản xuất với chế biến, dự trữ với lưu thông hàng hóa để nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như khả năng cạnh tranh. Nhằm bảo đảm kế hoạch làm hàng xuất khẩu, Điện lực Nam Định thành lập đường dây nóng để kịp thời cung cấp điện cho sản xuất các mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Qua tìm hiểu, không chỉ doanh nghiệp lớn được hưởng chế độ ưu đãi này mà ngay cả các làng nghề dệt khăn và làm đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống xuất khẩu ở nông thôn cũng được ngành điện lên kế hoạch ưu tiên cấp điện ổn định.
Với gần 100 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó nhiều làng nghề nổi danh trong khu vực như đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên, cơ khí Vân Chàng, cơ khí Xuân Kiên, Xuân Tiến, tỉnh Nam Định chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu từ địa bàn nông thôn. Để tạo 'cú hích', trong năm năm qua Trung tâm Khuyến công tỉnh tổ chức hơn 50 lớp đào tạo cho chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn về kỹ năng lãnh đạo, quản lý tài chính, nhân sự, ma-két-tinh. Mỗi năm có hàng nghìn lao động nông thôn được Trung tâm khuyến công đào tạo nghề theo nhiều dạng như dạy nghề mới, đào tạo chuyển đổi nghề và nâng cao tay nghề, sau đó quay trở lại làm việc tại các làng nghề hoặc cụm dân cư làm hàng xuất khẩu. Hiện nay, sản phẩm gia dụng làm bằng tre, nứa ghép xuất khẩu của các xã nghề thuộc huyện Ý Yên, Vụ Bản đang có thị phần xuất khẩu lớn ở Mỹ, châu Âu. Ước tính, có tới vài chục doanh nghiệp chuyên tham gia sản xuất, thu hút từ bốn nghìn đến năm nghìn lao động nông thôn với thu nhập bình quân từ 1 triệu đến 1,4 triệu đồng/tháng. Một số doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp hàng tre, nứa ghép không qua đầu mối trung gian đem lại giá trị cao như Công ty cổ phần Najimex Nam Định doanh thu hằng năm đạt khoảng 10 triệu USD; công ty gỗ mỹ nghệ, cơ khí đúc, xây dựng Ý Yên doanh thu xuất khẩu đạt sáu đến bảy triệu USD mỗi năm. Những năm gần đây, một số mặt hàng mới phát triển mạnh ở các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu với sản phẩm xuất khẩu mới là đan bèo, bẹ chuối, kỹ thuật đan được chuyển giao từ một số tỉnh phía nam, còn người dân địa phương chủ động khai thác nguyên liệu tại chỗ để làm hàng xuất khẩu. Ở những vùng quê này, câu nói 'rẻ như bèo' không còn nữa bởi không ít gia đình vào một số thời điểm phải tìm kiếm bèo và bẹ chuối để bán cho các đơn vị làm hàng xuất khẩu, nguồn nguyên liệu tại chỗ đã trở thành hàng hóa. Theo tính toán của Trung tâm Khuyến công, ở địa bàn nông thôn Nam Định hiện có hàng trăm đơn vị sản xuất các mặt hàng xuất khẩu với quy mô nhỏ như thêu, móc hộp sợi, sản xuất máy nông cụ, thủ công mỹ nghệ. Nếu khai thác hết tiềm năng thì giá trị hàng xuất khẩu ở khu vực nông thôn có thể đạt 300 triệu USD/năm.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa 18 (nhiệm kỳ 2010-2015) xác định tạo bước đột phá trong hoạt động xuất khẩu để tăng thu ngân sách Nhà nước, có nguồn vốn đầu tư trở lại cho hoạt động thương mại, xuất khẩu. Ngay từ bây giờ, tỉnh Nam Định đề ra nhiều biện pháp mạnh để giữ vững mức tăng trưởng xuất khẩu ổn định, đồng thời nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng hàng xuất khẩu; giảm dần hàng gia công và sơ chế; nâng cao hoạt động xúc tiến thương mại đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường, mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó tạo mối quan hệ gắn bó giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp phục vụ chiến lược mở rộng, nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.
Theo Nhandan
Ý kiến ()