Nam Định sẽ xử lý nghiêm vụ gây rối, cản trở công ty Đài Loan
Theo ông Vũ Đức Hạnh, liên tục từ ngày 11/6 đến nay (sáng từ 6-8 giờ, chiều từ 16 giờ 30-19 giờ 30) tại cổng của Công ty trách nhiệm hữu hạn Yamani đóng tại Cụm công nghiệp Nam Hồng thường có khoảng 80-100 người (ở xóm Đông Trung Thắng, xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) mang theo cờ, biểu ngữ tụ tập, ngăn cản công nhân vào làm việc.
Nhóm người địa phương này còn tổ chức tuần hành trên một số trục đường của xã; có hành động chặn đánh, nhắn tin qua điện thoại đe dọa công nhân, dùng điện thoại quay cảnh lộn xộn trước cổng doanh nghiệp để vu cáo, làm phức tạp thêm tình hình, cản trở quá trình giải quyết của chính quyền và làm ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty Yamani.
Để xây dựng Cụm công nghiệp Nam Hồng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định ban hành Quyết định số 3508/2003/QĐ-UB ngày 18/12/2003 về việc thu hồi và giao đất cho Ban quản lý dự án huyện Nam Trực. Theo đó, diện tích thu hồi phục vụ dự án là 142.735m2 đất 2 lúa tại xứ đồng Trì Hoàng (xóm Đông Trung Thắng), trong đó có hơn 4.600m2 đất do Ủy ban Nhân dân xã Nam Hồng quản lý và hơn 13.800m2 của 167 hộ dân của xóm Đông Trung Thắng.
Sau khi Ban giải phóng mặt bằng huyện Nam Trực, Ủy ban Nhân dân xã Nam Hồng và xóm có đất bị thu hồi tiến hành các thủ tục giải phóng mặt bằng theo quy định, các hộ đã ký nhận thống kê diện tích đất thu hồi và phương án đền bù, hỗ trợ đồng thời cam kết không khiếu nại.
Đến ngày 20/12/2003, có 151 hộ đã nhận hết tiền đền bù. Vào thời điểm tháng 12/2006 chỉ còn 4 hộ không nhận tiền. Hiện một trong 4 hộ này đã đồng ý phương án đổi đất, 3 hộ còn lại là các ông Ngô Trường Sơn, Ngô Sỹ Truật và Trần Văn Đạc thực tế đã sử dụng diện tích đất thu hồi nằm ngoài tường bao cụm công nghiệp với diện tích đất lớn hơn diện tích thu hồi và canh tác cho tới nay.
Vấn đề bắt đầu phát sinh phức tạp khi các hộ xóm Đông Trung Thắng ngày 19/1/2014 có đơn kiến nghị tiếp tục được đền bù, hỗ trợ đối với số diện tích bị thu hồi sau năm 2013 (vì họ hiểu rằng đất chỉ cho thuê đến hết năm 2013).
Chính quyền huyện Nam Trực cùng các ngành chức năng của tỉnh Nam Định đã tiến hành 3 cuộc đối thoại với các hộ để tuyên truyền, vận động.
Để hỗ trợ người dân xóm Đông Trung Thắng, Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trực đưa ra phương án hỗ trợ an sinh như hỗ trợ kinh phí học nghề cho người lao động có nhu cầu; với người ngoài độ tuổi lao động thì hỗ trợ bằng tiền; hỗ trợ xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng chính như thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới…
Tuy nhiên, các hộ vẫn không nhất trí và trong tối 10/6 các hộ xóm Đông Trung Thắng thống nhất tổ chức gây rối trật tự công cộng tại doanh nghiệp Yamani để đòi huyện phải giải quyết yêu cầu của họ.
Từ ngày 11/6 đến nay, khoảng 100 người dân xóm Đông Trung Thắng thường xuyên tụ tập, cản trở công nhân ra vào Công ty Yamani.
Ông Hạnh cho biết, việc người dân xóm Đông Trung Thắng gây rối là do có người lôi kéo, xúi giục. Đây là hành động vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây mất trật tự an ninh ở địa phương, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Công ty Yamani, doanh nghiệp có 100% vốn của nước ngoài, chuyên sản xuất đồ da (túi, ví, thắt lưng).
Cũng từ ngày 11/6, để đảm bảo an ninh trật tự, Công an huyện Nam Trực luôn bố trí lực lượng túc trực tại doanh nghiệp Yamani, có ngày khoảng 70-100 chiến sỹ được phân công tới làm nhiệm vụ. Sáng 23/6, lực lượng công an huyện đã bắt, tạm giữ hành chính 7 đối tượng có hành vi cản trở công nhân vào làm việc tại Công ty Yamani để xử lý.
Ông Vũ Đức Hạnh khẳng định quá trình thu hồi, đền bù, huyện đã làm đúng các bước theo quy định và không có chuyện bồi thường lần hai vì yêu cầu của các hộ là trái với quy định của pháp luật, hành động sai trái của các hộ là do bị lôi kéo; đồng thời cho biết sẽ kiên quyết xử lý những đối tượng xúi giục. lôi kéo người dân.
Cũng tại cuộc gặp mặt đại diện các cơ quan báo chí, ông Trần Văn Chung, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định cho biết quan điểm của tỉnh Nam Định là tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng lôi kéo để đảm bảo an ninh trật tự công cộng, bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp hoạt động, không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương./.
Ý kiến ()