Những năm gần đây nghề trồng nấm ở Nam Định phát triển mạnh, điển hình là các huyện: Nghĩa Hưng, Ý Yên, Xuân Trường, Giao Thủy… Lý do nghề trồng nấm ngày càng mở rộng và phát triển là bởi chính quyền các cấp ủng hộ, người dân thấy được nguồn lợi từ việc tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có từ nông nghiệp như rơm, rạ. Hiện Nam Định sản xuất thành công nhiều giống nấm cấp một, hai và cấp hai, ba…
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định Lê Đức Ngân cho biết, từ năm 2007, Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tỉnh Nam Định triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng các mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm hàng hóa trên quy mô diện rộng tại Nam Định”. Sau ba năm triển khai, Nam Định xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất giống nấm cấp một, hai đối với các loại nấm linh chi, nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ tại TP Nam Định; bốn mô hình sản xuất giống nấm cấp hai, ba tại các huyện: Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Hải Hậu với công suất 50 tấn/năm. Trước đây, nhiều người không tin nghề trồng nấm sẽ thành công và cho thu nhập cao. Nhưng sau một vài mô hình đạt hiệu quả cao, nhiều nông dân, doanh nghiệp trong tỉnh đã tìm đến tham quan học tập. Hiện Nam Định xây dựng được hơn 20 mô hình nuôi trồng, chế biến nấm với quy mô lớn. Nhận thấy nghề trồng nấm cho thu nhập cao, tận dụng được thời gian nông nhàn, tạo nhiều việc làm cho người dân, năm 2009, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Chu Văn Đạt đến Trung tâm dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng tặng 100 triệu đồng giúp trung tâm đầu tư thêm công nghệ mở rộng sản xuất.
Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Nam Định Vũ Xuân Trung cho biết: Nhờ thị trường tiêu thụ nấm thuận lợi, cho nên hiện nay các trang trại nấm đầu tư mở rộng thêm từ 1,5 đến ba lần so với quy mô ban đầu; xây dựng một mô hình thu mua và chế biến nấm tập trung quy mô hàng trăm tấn sản phẩm/năm; chủ động được nguồn giống, đáp ứng nhu cầu về giống nấm trong tỉnh với số lượng và chất lượng bảo đảm. Các sản phẩm nấm Nam Định giờ có chỗ đứng trên thị trường, do vậy nhiều đơn vị biết đến sản phẩm nấm Nam Định tự tìm về thu mua phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, như Nhà máy Chế biến nấm xuất khẩu Nam Tiến (Hải Dương). Ngoài ra còn nhiều đơn vị thu mua tư nhân thường xuyên đến hộ gia đình mua nấm tươi với giá cao để bán cho các chợ đầu mối và nhà hàng, khách sạn.
Qua trao đổi về nghề trồng nấm với lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định, chúng tôi được giới thiệu đến Trung tâm dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng. Giám đốc Trung tâm dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng Đới Văn Ngọc cho biết: Nghề nuôi trồng, chế biến nấm ăn và nấm dược liệu là một nghề mới, trung tâm không những đào tạo nghề mà còn tư vấn sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật đến từng hộ gia đình. Năm 2009, trung tâm tiếp nhận dự án sản xuất giống nấm với quy mô hàng hóa. Khi trung tâm xây dựng được cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại, sơ chế nấm tươi giúp người dân cho nên giảm được 50% chi phí giá giống đối với người sản xuất. Bên cạnh đó, trung tâm còn tham mưu với UBND huyện Nghĩa Hưng hỗ trợ 20% giá giống, đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất cho nên chi phí người dân phải trả đối với giá giống còn 15%. Bộ môn Công nghệ sinh học của trung tâm đã nuôi cấy thành công nhiều loại giống nấm từ cấp một đến cấp ba cho kết quả tốt, được các nhà khoa học đầu ngành, các viện nghiên cứu đánh giá cao. Hiện nay trung tâm có thể đáp ứng 100% nhu cầu về giống nấm cho các hộ sản xuất trong huyện và trên địa bàn tỉnh. Năm 2009, trung tâm xây dựng một nhà lạnh trị giá gần 200 triệu đồng để bảo quản và nuôi trồng một số chủng loại nấm cao cấp nhập ngoại ngay tại trung tâm. Tính đến nay trung tâm là một trong bốn đơn vị tại miền bắc nuôi cấy thành công các loại nấm nói trên.
Ông Tạ Đức Khương, chủ trại nuôi trồng nấm ở huyện Nghĩa Hưng tâm sự: Thông qua dự án này, năm 2006, gia đình bắt đầu triển khai nghề trồng nấm. Sau khi được học tập kinh nghiệm từ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định), gia đình trồng hơn 1.000 m2 nấm. Để có nguyên liệu trồng nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, nấm linh chi gia đình đã tận dụng nguồn rơm, rạ sau khi thu lúa. Với giá 200 đồng/kg rơm, sau quá trình nấm thành phẩm, gia đình bán ra bình quân được hơn 10 nghìn đồng/kg nấm mỗi loại. Trừ mọi chi phí, hằng năm gia đình thu nhập từ nghề này bình quân hơn 100 triệu đồng/năm.
Thông qua dự án nấm, người dân và các ngành ở Nam Định đã nhận thấy tầm quan trọng của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Năm 2009, Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định triển khai Dự án “Xây dựng các mô hình nuôi trồng và sơ chế nấm tại bốn huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Vụ Bản, Mỹ Lộc” nhằm mục tiêu phát triển 100% nghề trồng nấm ở các huyện, thành phố trong tỉnh với khẩu hiệu “Người người trồng nấm, nhà nhà trồng nấm”. Các huyện trên đã thành lập ban chỉ đạo sản xuất nấm, người đứng đầu là lãnh đạo huyện. Do đó người dân đã tin tưởng và tìm đến các tổ chức khoa học và công nghệ, coi khoa học và công nghệ là nhân tố quyết định sự thành công đối với nghề trồng nấm.
Bên cạnh những thuận lợi khi phát triển nghề trồng nấm ở Nam Định, hiện nay người trồng nấm nơi đây cũng gặp phải một số khó khăn. Khó khăn cơ bản là do nghề trồng nấm luôn đòi hỏi cao về kỹ thuật, trong khi người trực tiếp sản xuất phần lớn là nông dân cho nên vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế, một số hộ dân không tuân thủ các quy trình kỹ thuật trồng dẫn đến thua lỗ hoặc hiệu quả kinh tế thấp. Từ những kết quả ban đầu có thể khẳng định, mục tiêu của dự án này đã đáp ứng yêu cầu về việc áp dụng hiệu quả khoa học và công nghệ vào sản xuất đối với địa bàn nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo ra một nghề mới cho thu nhập cao, ổn định tại Nam Định.
Ý kiến ()