Nam Định: Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường
Trong những năm qua, chăn nuôi ở Nam Định đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân. Điểm đáng chú ý, trong phát triển chăn nuôi, địa phương luôn quan tâm đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Nam Định là tỉnh thuộc duyên hải Bắc Bộ, đa số nông dân thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Những năm gần đây, chăn nuôi của Nam Định có tốc độ phát triển khá nhanh. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm địa phương sản xuất khoảng 140 nghìn tấn thịt các loại. Với tổng đàn lợn khoảng 783.491 con; gia cầm khoảng 7,3 triệu con; trâu, bò khoảng 39.634 con, chất thải của gia súc, gia cầm khoảng trên 1,5 triệu tấn/năm. Phần lớn chất thải được sử dụng làm phân bón hữu cơ, một phần làm thức ăn cho cá, một phần được xử lý bằng bể biogas.
Đối với lượng chất thải chăn nuôi được sử dụng làm phân bón, việc xử lý chất thải có sự khác nhau theo quy mô chăn nuôi. Với quy mô chăn nuôi trang trại thì việc xử lý chất thải chăn nuôi được coi trọng hơn, còn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gắn liền với sản xuất nông nghiệp thì chất thải chăn nuôi chủ yếu được vận chuyển trực tiếp từ chuồng nuôi ra ngoài đồng bón cho cây trồng, làm thức ăn cho cá. Ngoài ra, chất thải chăn nuôi được xử lý bằng các biện pháp chủ yếu như công nghệ khí sinh học (biogas), ủ phân compost, làm thức ăn cho thủy sản, làm phân bón trực tiếp cho cây trồng,…
Để phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: xây dựng quy hoạch chăn nuôi; áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt VietGAP; sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc xử lý chất thải khử mùi hôi chuồng trại và xây dựng bể biogas, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa cung cấp chất đốt phục vụ sinh hoạt. Qua triển khai thực hiện, đến nay đã có nhiều hộ chăn nuôi trang trại, gia trại có biện pháp xử lý chất thải như xây bể biogas (khoảng 10.000 bể), hố ủ phân, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học… nên đã giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường, nhất là khu vực nông thôn.
Điểm đáng chú ý, trong quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc gia cầm, toàn tỉnh đã quy hoạch được 139 vùng chăn nuôi tập trung tại các xã thuần nông, như huyện Hải Hậu 28 xã, huyện Giao Thủy 19 xã, huyện Ý Yên 20 xã,… Một số vùng có trang trại hạt nhân làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp, sản xuất, cung ứng con giống, bao tiêu sản phẩm cho các trang trại và gia trại trong xã và đang từng bước gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện, hầu hết các xã đã có quy hoạch nông nghiệp, trong đó có quy hoạch phát triển chăn nuôi trang trại tập trung ngoài khu dân cư. Việc đưa chăn nuôi tập trung ra khu riêng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý môi trường; hạn chế phát sinh dịch bệnh, bảo đảm hiệu quả chăn nuôi và bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng dân cư.
Với bối cảnh Nam Định là 1 trong 10 tỉnh tham gia Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp giai đoạn 2013 – 2018, địa phương đã hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng được khoảng 2.000 công trình khí sinh học quy mô nhỏ. Trong đó, đã lồng ghép việc quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi và bảo vệ môi trường với nội dung hướng dẫn vận hành công trình khí sinh học cho hơn 2.000 chủ trang trại, gia trại chăn nuôi, góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường.
Để đạt được kết quả trên, địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân và áp dụng những mô hình mới thân thiện với môi trường. Sản xuất theo quy trình an toàn trong chăn nuôi là hướng đang được ngành nông nghiệp khuyến khích áp dụng rộng rãi (mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm theo hướng an toàn sinh học, VietGAP,…). Đây là những mô hình chăn nuôi bền vững, bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất.
Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất hoặc thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Hướng dẫn người dân thu gom, xử lý hợp vệ sinh đối với các loại chất thải chăn nuôi nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Đã xây dựng quy hoạch các điểm giết mổ gia súc gia cầm tập trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời những vi phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi ở một số địa phương trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng phát triển chăn nuôi thiếu quy hoạch dẫn tới ô nhiễm môi trường xảy ra ở một số nơi. Quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung ở một số xã, thị trấn còn bất cập, thiếu hệ thống thu gom và xử lý chất thải. Chưa làm tốt việc thu gom, xử lý rác thải ở nông thôn. Những tồn tại nêu trên đã gây ra ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng xấu tới phát triển kinh tế – xã hội và sức khỏe cộng đồng.
Chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm khoảng 70% (trên 70.000 hộ) số hộ chăn nuôi toàn tỉnh, do vậy các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ chủ yếu vẫn nằm trong khu dân cư và hệ thống xử lý chất thải còn khá thô sơ, điều này dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi và con người. Các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn hầu hết có hệ thống xử lý chất thải với các loại công nghệ khác nhau, nhưng hiệu quả xử lý chưa triệt để. Việc ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn bảo vệ môi trường trong chăn nuôi còn hạn chế, đồng thời công tác triển khai, giám sát, thanh kiểm tra và đánh giá môi trường chưa được quan tâm đúng mức…
Nhìn chung, trong những năm qua, các ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi, góp phần tích cực bảo vệ sản xuất, chấn chỉnh những sai sót, vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường. Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường trong thời gian tới, địa phương đã xác định tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch nông nghiệp, nông thôn gắn với việc bảo vệ môi trường. Phát triển sản xuất nông nghiệp và ngành nghề theo các quy hoạch đã được phê duyệt.
Tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi để hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao và giảm phát thải các khí độc gây ô nhiễm môi trường. Có các giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn. Từng bước xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn. Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư cùng với tăng cường các biện pháp quản lý và chế tài xử phạt nhằm hạn chế hoạt động gây ô nhiễm môi trường nông thôn.
Xây dựng quy chế hương ước làng xã đối với công tác bảo vệ môi trường. Áp dụng các biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi; tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường. Quy hoạch và di chuyển trang trại chăn nuôi, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân làm tốt công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp gắn với triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới…/.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()