Nam Ðịnh phát triển cây vụ đông
Để tăng nhanh giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác, ngoài việc chuyển đổi các giống lúa chất lượng cao, có năng suất ổn định nhằm bảo đảm an ninh lương thực, trong nhiều năm, tỉnh Nam Định chú trọng phát triển cây vụ đông trên đất trồng hai vụ lúa. Đây là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tạo ra tập quán thâm canh ba vụ trong năm.Những mô hình vụ đông hiệu quảCách đây khoảng mười năm, việc đưa cây vụ đông xuống chân đất trồng hai vụ lúa tại HTX nông nghiệp Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Hưng không dễ chút nào, bởi phải quy hoạch lại hệ thống thủy lợi, đồng thời tạo cho nông dân tập quán sản xuất mới. Khó khăn là thế, nhưng Đảng ủy xã Nghĩa Hồng vẫn quyết tâm làm, một năm sau Đảng ủy xã có Nghị quyết chuyên đề về tổ chức sản xuất vụ đông trên đất trồng hai vụ lúa. Các năm tiếp theo, HTX trực tiếp cử xã viên đi tham quan, học tập mô hình làm vụ đông ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, rồi về tiến...
Những mô hình vụ đông hiệu quả
Cách đây khoảng mười năm, việc đưa cây vụ đông xuống chân đất trồng hai vụ lúa tại HTX nông nghiệp Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Hưng không dễ chút nào, bởi phải quy hoạch lại hệ thống thủy lợi, đồng thời tạo cho nông dân tập quán sản xuất mới. Khó khăn là thế, nhưng Đảng ủy xã Nghĩa Hồng vẫn quyết tâm làm, một năm sau Đảng ủy xã có Nghị quyết chuyên đề về tổ chức sản xuất vụ đông trên đất trồng hai vụ lúa. Các năm tiếp theo, HTX trực tiếp cử xã viên đi tham quan, học tập mô hình làm vụ đông ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, rồi về tiến hành khảo nghiệm trên đồng đất địa phương. Thời gian này, xã quy hoạch liền vùng hơn 150 ha đất trồng hai vụ lúa cùng hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu trồng cây vụ đông đại trà và xuất khẩu. Bác Trần Mạnh Dũng ở đội 2, xóm Thái Học, là một trong những hộ dân đầu tiên của xã bắt tay vào làm vụ đông trên đất trồng hai vụ lúa. Theo tính toán của bác Dũng, làm rau đông như su hào, cải bắp thu về một triệu đồng/sào là trong tầm tay, với điều kiện canh tác như hiện nay nếu trồng cà chua, bí xanh đều cho hiệu quả cao. Thế mà, có thời gian dài những nông dân như bác Dũng không có tập quán làm vụ đông, nhưng bây giờ khi đã thành công rồi thì ai cũng hồ hởi, cũng gắng làm và mọi chuyện trở nên dễ dàng. Những năm gần đây, Nghĩa Hồng luôn giữ vững là đơn vị có diện tích trồng cây vụ đông trên đất trồng hai vụ lúa ổn định chung quanh 150 ha, chiếm khoảng 26% tổng diện tích đất canh tác toàn xã.
Còn ở xã Hải Tây, huyện Hải Hậu, sản xuất vụ đông trên đất trồng hai vụ lúa đã đi vào tiềm thức của nông dân mà không phải vận động như những nơi khác. Điều cuốn hút mọi người chính là nguồn thu lớn, gấp nhiều lần trồng lúa. Ban quản lý HTX nông nghiệp Hải Tây thông tin cho chúng tôi, thời điểm đầu vụ, cà chua bán tại ruộng được giá, khoảng 8.000 đồng/kg. Như vậy, một sào thu hoạch được một tấn rưỡi quả thì người nông dân đã có 12 triệu đồng, trong khi đó với một sào lúa thu hoạch có giá bán khoảng 4.000 đồng/kg thì người sản xuất chỉ thu được 700 nghìn đồng. Nhờ tập trung mở rộng nhanh diện tích cà chua trên đất trồng hai vụ lúa, những năm vừa qua giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân chung của Hải Tây luôn đạt hơn 60 triệu đồng/năm.
Nâng chất lượng và giá trị
Để tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác, tỉnh Nam Định và ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo phát triển vụ đông theo hướng chất lượng và giá trị, với cơ cấu chủ yếu là các cây trồng hàng hóa có giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Diện tích các cây vụ đông hàng hóa, giá trị cao của Nam Định trong những năm gần đây đạt khoảng 6.500 ha, chiếm 35% tổng diện tích đất canh tác, được phân thành hai nhóm chính: Nhóm cây nguyên liệu chế biến, xuất khẩu (gieo trồng chủ yếu trên đất trồng hai vụ lúa) diện tích đạt từ 1.500 đến 1.600 ha, gồm cây cà chua, dưa chuột, ngô ngọt, ngô bao tử, cải dầu. Đây là nhóm cây trồng cho lợi nhuận cao, thường đạt hơn 10 triệu đồng/ha, đặc biệt hai loại cây cà chua và dưa chuột bao tử cho thu nhập ổn định từ 30 đến 50 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, Nam Định phát triển mạnh nhóm cây rau, quả truyền thống dùng để tiêu thụ trong nước với diện tích khoảng 5.000 ha gồm các cây chủ lực như khoai tây (diện tích từ 3.500 đến 4.000 ha), bí xanh (diện tích khoảng 1.200 đến 1.300 ha). Lợi nhuận từ sản xuất hai loại cây trồng chính này rất cao, bí xanh đạt từ 30 đến 40 triệu đồng/ha, khoai tây đạt từ 20 đến 30 triệu đồng/ha. Đến nay, để phát triển những loại cây trồng hàng hóa này, Nam Định áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp như xây dựng mô hình trình diễn, quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm. Theo đánh giá của Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh, trên cơ sở hai vụ lúa ăn chắc thì tập trung phát triển cây vụ đông sẽ đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Vì vậy, tỉnh đã tập trung trồng cà chua đông thành vùng nguyên liệu hàng hóa với diện tích hằng năm 1.000 ha cung cấp cho nhiều nhà máy, công ty lớn và hệ thống siêu thị bán lẻ trong cả nước. Theo tính toán, năng suất trung bình của cà chua đông trên đồng đất Nam Định đạt 40 tấn/ha, tổng giá trị thu nhập là 80 triệu đồng, trong khi chi phí cho một ha khoảng 22 triệu đồng. Ngoài cà chua đông, cây bí xanh đá trong những năm gần đây thật sự lên ngôi, trở thành vấn đề 'thời sự' trong sản xuất vụ đông hàng hóa. Chi phí sản xuất thấp (tiền giống và vật tư từ 8 đến 10 triệu đồng/ha) trong khi tổng giá trị thu nhập luôn đạt ngưỡng 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng/ha.
Hiệu quả sản xuất đã thấy rõ, nhưng thực tế diện tích vụ đông trên đất trồng hai vụ lúa những năm qua ở Nam Định hầu như chỉ tập trung tại các xã, HTX nông nghiệp có truyền thống thâm canh, chưa phát triển đều khắp tại các địa phương trong tỉnh. Lý giải điều này, Trưởng phòng Giống và Cây trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Hải Điền cho rằng: Mặc dù cùng nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng, nhưng Nam Định không có lợi thế phát triển sản xuất cây vụ đông trên đất trồng hai vụ lúa như các tỉnh khác trong khu vực do có địa hình thấp, đất trồng lúa chủ yếu là đất thịt nặng, chậm khô sau mỗi đợt mưa, thời vụ lúa mùa thường kết thúc muộn, bình quân ruộng đất trên đầu người thấp (550 m2/người) nên lực lượng lao động chính ở nông thôn phải đi tìm kiếm việc làm nơi xa, nhất là vào những tháng cuối năm, làm khan hiếm nguồn nhân lực để làm vụ đông hàng hóa. Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy chương trình cây vụ đông như chuyển đổi cơ cấu giống và thời vụ, tạo quỹ đất và thời gian để mở rộng diện tích trên đất trồng hai vụ lúa. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định đang tập trung xây dựng và áp dụng đồng bộ quy trình khép kín để phát triển cây vụ đông hàng hóa cho thu nhập cao theo hướng: Xây dựng mô hình, quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ giống, đặc biệt là trợ giúp tìm đầu ra cho sản phẩm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()