Quyết tâm chính trị của Đảng bộ tỉnh Nam Định trong chặng đường phát triển mới là: Phát huy sức mạnh tổng hợp, chủ động nắm bắt và tạo dựng thời cơ, phấn đấu rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế so với tốc độ, trình độ chung của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Kế thừa, tích lũy và phát huy kinh nghiệm, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhiều nhiệm kỳ trước, trong nhiệm kỳ 2005 – 2010, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định đã quyết tâm, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 và giành được những kết quả quan trọng và toàn diện.
Nền kinh tế của tỉnh có bước phát triển mới về quy mô, hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng bình quân 10,2%/năm, cao hơn mức bình quân của thời kỳ 2001 – 2005 (7,3%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; năm 2010, trong tổng GDP, ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 36,5%; nông nghiệp chiếm 29,5%; dịch vụ chiếm 34%. Lao động nông nghiệp giảm từ 73,8% xuống còn 66,1%. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, GDP tăng hơn 1,63 lần so với thời kỳ 2001 – 2005, GDP bình quân đầu người tăng hơn 2,6 lần; giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 2,5 lần. Thu ngân sách từ kinh tế địa phương vượt mức 1.000 tỷ đồng (năm 2005: 569,4 tỷ đồng). Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, hiện có 3.300 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh. Nguồn vốn đầu tư phát triển tăng cao, trong 5 năm đạt khoảng 37.400 tỷ đồng, tỷ lệ huy động bằng 40,1% GDP và gấp 3 lần so với thời kỳ 2001 – 2005. Đã cải tạo, nâng cấp một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng có tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt đô thị và nông thôn.
Sản xuất công nghiệp liên tục phát triển với tốc độ khá cao, bình quân 20,5%/năm (trong đó công nghiệp địa phương tăng 24,2%/năm). Một số khu, cụm công nghiệp tập trung đã phát huy hiệu quả, có tác động rõ rệt tới sự phát triển chung của toàn ngành. Đã có một số sản phẩm có thương hiệu, uy tín trong nước. Sản xuất nông nghiệp đã đối phó, khắc phục có hiệu quả các ảnh hưởng xấu của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh; tốc độ tăng bình quân 3,8%/năm; sản lượng lương thực bình quân 950.000 tấn/năm; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực; tiếp tục chuyển sang sản xuất hàng hóa ở quy mô lớn hơn. Công tác xây dựng nông thôn mới được chú trọng.
Quan hệ sản xuất tiếp tục được củng cố, hoàn thiện phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN và thực tiễn kinh tế địa phương.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chăm lo và có nhiều chuyển biến tích cực. Thế mạnh giáo dục – đào tạo tiếp tục được phát huy. Ngành Giáo dục liên tục nhiều năm dẫn đầu toàn quốc. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh. Bình quân mỗi năm tạo được 33.000 việc làm mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%; không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6%. Các chế độ, chính sách xã hội được giải quyết kịp thời. Cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội ở cả đô thị và nông thôn được tiếp tục cải tạo, nâng cấp. Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện thực chất hơn. Về cơ bản bảo đảm sự ổn định và đồng thuận xã hội. Đời sống nhân dân được nâng cao hơn.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được coi trọng và có chuyển biến tích cực. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức Đảng và đảng viên, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên một bước. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn, thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo của Trung ương. Việc quán triệt, triển khai đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được đổi mới, chú trọng cụ thể hóa nhiều vấn đề phù hợp với thực tiễn của tỉnh.
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai thực hiện sâu rộng, nghiêm túc, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng tích cực từ học tập đến làm theo với nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo, đóng góp thiết thực vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị; nâng cao ý thức và hành động tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Hệ thống các tổ chức cơ sở đảng được mở rộng (toàn tỉnh hiện có 1.042 tổ chức cơ sở đảng với 96.302 đảng viên), phát triển thêm nhiều đảng viên (bình quân hằng năm kết nạp gần 2.500 đảng viên). Công tác đánh giá, phân loại tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đi vào thực chất, chính xác hơn (năm 2009: tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 92,2%; đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 89,17%; số tổ chức cơ sở đảng yếu kém 0,38%; số đảng viên vi phạm tư cách 0,47%). Cơ bản bố trí đúng, đủ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị, bảo đảm quy trình, yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và phù hợp với khả năng cán bộ. Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục được tăng cường, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật và nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; cơ bản xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm; nâng cao tính phòng ngừa, xây dựng của công tác kiểm tra, giám sát. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã thiết thực, hiệu quả hơn, góp phần củng cố, làm bền chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp nhân dân. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” có sức lan tỏa. Nhiều vấn đề mới nảy sinh trong nhân dân được giải quyết bằng phương pháp thuyết phục, dân chủ ngay từ cơ sở.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, năng lực chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng cao hơn. Hoạt động của HĐND các cấp có nhiều đổi mới, bảo đảm chất lượng, mở rộng và phát huy dân chủ. Công tác giám sát có nhiều tiến bộ.
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Đã ban hành bộ thủ tục hành chính của tỉnh; tiếp tục rà soát, phấn đấu giảm 30% các thủ tục hành chính đã công bố. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được quan tâm, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo thực hiện đúng quy định pháp luật.
Thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc. Tiềm lực quốc phòng và khu vực phòng thủ được tăng cường. Chất lượng tổng hợp và khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang địa phương được nâng cao. An ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển sâu rộng, có nhiều mô hình, điển hình tốt.
Công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng được triển khai thực hiện nghiêm túc.
Những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định đạt được trong 5 năm 2005-2010 có ý nghĩa hết sức quan trọng và tạo tiền đề để phát triển trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh những kết quả rất quan trọng đạt được, trong quá trình phát triển, Nam Định cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn và thách thức. Trong đó nổi lên là hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Một số chỉ số phát triển chủ yếu còn ở mức thấp và trung bình so với sự phát triển chung của vùng đồng bằng sông Hồng; chưa tạo được sự phát triển mạnh, có tính đột phá trên một số lĩnh vực; có mặt phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực của tỉnh về con người, đất đai, văn hóa, giáo dục… Đây cũng chính là trăn trở, băn khoăn được nhiều cán bộ, đảng viên quan tâm trong dịp góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình Đại hội Đảng bộ lần thứ 18. Đây cũng là một nội dung mà các đại biểu của đại hội Đảng bộ các cấp dành nhiều thời gian bàn thảo.
Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng phát triển, yêu cầu của thời kỳ mới và nguyện vọng của nhân dân, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định phương hướng, mục tiêu tổng quát của 5 năm 2010 – 2015, trong đó có một mục tiêu cốt lõi đó là: “Phát huy sức mạnh tổng hợp, chủ động nắm bắt và tạo dựng thời cơ, phấn đấu rút ngắn khoảng cách về phát triển kinh tế so với tốc độ, trình độ chung của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”. Đây cũng chính là quyết tâm chính trị lớn của Đảng bộ và nhân dân Nam Định, và được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu phấn đấu chủ yếu rất tích cực của nhiệm kỳ mới. Tốc độ tăng trưởng bình quân 13 – 14%/năm, GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 39 – 40 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp 22-23%/năm, cơ cấu kinh tế đến năm 2015, nông – lâm – ngư nghiệp 26%, công nghiệp – xây dựng 39,5%, dịch vụ 34,5%. Để “rút ngắn khoảng cách” về kinh tế so với khu vực, Đảng bộ tỉnh Nam Định đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung đầu tư đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động, cơ cấu thu ngân sách, thúc đẩy, gắn kết với phát triển toàn diện ngành nông nghiệp và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp động lực, công nghiệp hỗ trợ, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Phát triển toàn diện ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; tập trung đầu tư xây dựng vùng công nghiệp – dịch vụ thành phố Nam Định, vùng kinh tế biển thành vùng kinh tế động lực.
Một số giải pháp thực hiện chủ yếu, đồng bộ được xác định, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng; tập trung cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh cải cách hành chính; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xúc tiến hợp tác đầu tư phát triển kinh tế với các địa phương vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ và trong cả nước. Có cơ chế chính sách đặc thù, đầu tư toàn diện, chuẩn bị các điều kiện để thành phố Nam Định trở thành đô thị loại I, trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, để thành phố thực sự là “đầu tàu” thúc đẩy sự phát triển của toàn tỉnh. Thực hiện tốt một số giải pháp công tác xây dựng Đảng; đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, phong cách, lề lối làm việc; nâng cao trách nhiệm tập thể và cá nhân, đề cao tính chiến đấu, nền nếp công tác tự phê bình, phê bình; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực nghiên cứu và năng lực giải quyết thực tiễn. Gắn Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, địa phương, cơ sở; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc và thực chất trong việc “làm theo”, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp…
Rút ngắn khoảng cách về phát triển kinh tế so với tốc độ, trình độ trung của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là một quyết tâm chính trị lớn, là một thách thức lớn mà Nam Định chỉ có thể vượt qua khi huy động được và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, nhất là nội lực về văn hóa, giáo dục, con người.
Phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng và văn hiến, trên nền tảng thành tựu, kết quả đạt được, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân tỉnh Nam Định quyết tâm tạo được bước phát triển mới cao hơn trên con đường đi tới.
Ý kiến ()