Nam Ðịnh đưa khuyến công về làng
Trung tâm khuyến công 1 giúp doanh nghiệp giày da Hồng Việt (Xuân Trường, Nam Định) đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cùng với nghề trồng lúa nước truyền thống, vùng nông thôn Nam Định những năm gần đây chuyển mình nhanh hơn khi công tác khuyến công được đẩy mạnh. Giữ đất lúa để bảo đảm an ninh lương thực và đưa nghề mới giúp nông dân nâng cao thu nhập, đó là cách làm hiệu quả ở Nam Định.Phát triển công nghiệp nông thônGần hai năm nay, trên địa bàn thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường (Nam Định) hình thành một nghề mới, đó là làm giày da xuất khẩu thu hút khoảng 600 lao động. Phát triển nghề mới đã khó, nhưng duy trì bền vững nghề còn khó hơn bởi thay đổi tác phong, tính kỷ luật của người nông dân sang vị trí một người công nhân không phải chuyện dễ làm. Đồng hành cùng cơ sở giày da Hồng Việt, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp 1 (đóng trên địa bàn tỉnh Nam Định) cử cán bộ xuống địa bàn tổ chức đào tạo nghề cho...
Trung tâm khuyến công 1 giúp doanh nghiệp giày da Hồng Việt (Xuân Trường, Nam Định) đào tạo nghề cho lao động nông thôn. |
Phát triển công nghiệp nông thôn
Gần hai năm nay, trên địa bàn thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường (Nam Định) hình thành một nghề mới, đó là làm giày da xuất khẩu thu hút khoảng 600 lao động. Phát triển nghề mới đã khó, nhưng duy trì bền vững nghề còn khó hơn bởi thay đổi tác phong, tính kỷ luật của người nông dân sang vị trí một người công nhân không phải chuyện dễ làm. Đồng hành cùng cơ sở giày da Hồng Việt, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp 1 (đóng trên địa bàn tỉnh Nam Định) cử cán bộ xuống địa bàn tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ròng rã liền ba tháng theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, vừa học vừa làm, số lao động ở đây đã thuần thục những kỹ thuật khó như cắt, may, dán thân giày, mũi giày theo yêu cầu của đối tác Hàn Quốc. Có dịp tiếp xúc với nữ công nhân Phạm Thị Phương Loan, quê xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) đang làm tại xưởng, chúng tôi được biết: Học xong phổ thông, em lên Hà Nội làm lao động tự do, rồi lập gia đình và có con với Trần Viết Trường (một người cùng xã). Hai vợ chồng xoay xở đủ nghề cũng không dành dụm được bao nhiêu, bởi chi phí khá lớn cho thuê nhà, nuôi con, rồi chi phí điện, nước và sinh hoạt hằng ngày. Biết thông tin về xưởng giày da mới mở trên địa bàn huyện, Loan về học việc rồi làm việc cho cơ sở sản xuất này. Một vài tháng sau, cô thuyết phục được chồng về làm kho và đóng hàng cho xưởng giày da Hồng Việt. Bây giờ, hạnh phúc nhất của đôi vợ chồng trẻ là được đi về trong ngày, ăn cơm nhà với mức thu nhập khá ổn định.
Những tưởng cứ có kinh phí là có thể lập được dự án phát triển nghề tại các vùng quê, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Anh em cán bộ Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp 1 tâm sự: Tất cả các chương trình khuyến công triển khai trên địa bàn tỉnh đều phải gắn chặt với doanh nghiệp để tạo tính ổn định, hiệu quả từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Thực tế, ở một xã “trắng nghề” như Mỹ Tiến (huyện Mỹ Lộc), ngay đầu năm nay, Trung tâm phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH Thu Nguyên tổ chức đào tạo nghề may xuất khẩu cho 120 lao động nông thôn với tổng mức hỗ trợ 200 triệu đồng trong ba tháng học nghề. Giờ đây, những lao động này đang trực tiếp làm việc cho doanh nghiệp theo cơ chế khoán sản phẩm.
Ở Nam Định, công tác khuyến công được UBND tỉnh xác định là một trong những giải pháp cơ bản để phát triển công nghiệp nông thôn như hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, chuyển đổi nghề mới cho lao động nông thôn, hỗ trợ đào tạo nghề cho các doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu hoặc tiêu thụ sản phẩm trong nước, hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới nhằm khuyến khích các cơ sở công nghiệp ở nông thôn đầu tư, nhập khẩu thiết bị, máy móc, đổi mới công nghệ sản xuất. Nhờ có các dự án hỗ trợ, phát triển nghề thông qua Quỹ khuyến công T.Ư và địa phương (khoảng năm tỷ đồng/năm) đã giúp tỉnh Nam Định đến nay có 190/196 xã có nghề, số làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) là 94 làng nghề tập trung ở nhóm ngành chính là cơ khí, dệt may, thêu ren, mây tre đan, chế biến lương thực, thực phẩm. Số doanh nghiệp tăng thêm trong năm năm gần đây là 494 đơn vị, tổng vốn đăng ký hơn một nghìn tỷ đồng, góp phần đưa tổng số lao động CN-TTCN địa bàn nông thôn tỉnh Nam Định lên con số ấn tượng: gần 91 nghìn lao động. Qua đây, nhìn thấy rõ triển vọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi nhanh bộ mặt nông thôn, quan trọng hơn còn góp phần chuyển biến nhận thức cho cán bộ địa phương đối với phát triển CN-TTCN và làng nghề. Giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp 1 Nguyễn Toàn Thắng đưa ra dẫn chứng: Chỉ trong hai năm (2010-2011), trên địa bàn tỉnh Nam Định đã triển khai 19 đề án Khuyến công Quốc gia với tổng kinh phí hơn sáu tỷ đồng tập trung vào việc đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp. Thông qua các hình thức chuyển giao, phát triển nghề mới đã giúp hơn sáu nghìn lao động nông thôn nắm vững tay nghề, kỹ thuật, tự tin trong môi trường làm việc mới với tác phong công nghiệp.
Mở rộng làng nghề truyền thống
Để công tác khuyến công gắn chặt với địa bàn nông thôn, cùng với đào tạo nghề, tỉnh Nam Định đang chú trọng đầu tư nguồn kinh phí khuyến công cho lĩnh vực khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị; chuyển giao công nghệ; trình diễn kỹ thuật, sản phẩm mới. Từ tháng 4 năm nay, tỉnh tiếp tục nâng mức hỗ trợ đào tạo nghề lên 70 triệu đồng/lớp học (có từ 20 đến 35 học viên); mức hỗ trợ cho một dự án phát triển nghề cũng tăng lên cao nhất 250 triệu đồng. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nam Định Trần Quốc Hùng, đây là “cú hích” quan trọng trong bối cảnh tình hình kinh tế đang có nhiều khó khăn ảnh hưởng các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực tế cho thấy, thông qua hoạt động khuyến công, nhiều cơ sở sản xuất và làng nghề truyền thống ở địa phương như dệt Nam Hồng (Nam Trực), nước mắm Sa Châu (Giao Thủy), gỗ La Xuyên (Ý Yên) được khôi phục. Xã Yên Tiến (Ý Yên), Nam Giang (Nam Trực), Trực Định (Trực Ninh) đã trở thành xã nghề. Điều đáng nói, ở hầu hết các xã nghề, làng nghề nông thôn đều làm hàng xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Dự báo giá trị hàng xuất khẩu của Nam Định không giảm, mà phấn đấu đạt từ 320 triệu USD đến 350 triệu USD/năm.
Không phải ngẫu nhiên công tác khuyến công có được chỗ đứng vững chắc như hiện nay, đạt được điều đó cần phải đầu tư chiều sâu, phân vùng phát triển nghề phù hợp với tính truyền thống của mỗi địa phương, xây dựng mô hình điểm và tìm kiếm thị trường. Ngoài ra còn một loạt yếu tố cần và đủ khác như nguồn nhân lực, xây dựng các doanh nghiệp hạt nhân và đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương phải quan tâm phát triển CN-TTCN, làng nghề. Trong quá trình triển khai hoạt động khuyến công ở địa bàn nông thôn Nam Định, tỉnh cần quan tâm hơn nữa lĩnh vực quản trị doanh nghiệp. Đây là khâu hạn chế nhất của các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất nông thôn vì hầu hết người đứng đầu đơn vị còn thiếu kiến thức quản lý, thiếu thông tin thị trường, vẫn chủ yếu hoạt động mang tính chất gia đình cho nên hiệu quả không cao. Trong phát triển nghề truyền thống, cần hỗ trợ trực tiếp kinh phí khuyến công cho đơn vị, doanh nghiệp làm nghề truyền thống, có sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước, không nên dồn hết vào các trung tâm dạy nghề cấp huyện để đào tạo. Thực tế cho thấy, cách làm này mang tính hình thức, vì các trung tâm không có giáo trình, giáo án giảng dạy nghề truyền thống theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, mà lại đi thuê nghệ nhân từ chính đơn vị, doanh nghiệp có nghề truyền thống đến đào tạo! Giải quyết những tồn tại nêu trên, công tác khuyến công trên địa bàn nông thôn tỉnh Nam Định sẽ phát triển sâu rộng, có chỗ đứng vững chắc hơn trong thời gian tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()