Năm Chủ tịch ASEAN với nhiều dấu ấn quan trọng của Việt Nam
Với sự chuẩn bị chu đáo và chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng,” Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nước Chủ tịch ASEAN và để lại nhiều dấu ấn quan trọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 dự Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan.
2020 là một năm đặc biệt đối với ASEAN nói chung và đầy thách thức đối với Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN nói riêng.
Đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm đã làm thay đổi cuộc sống, hoạt động của khu vực Đông Nam Á và toàn thế giới.
Với sự chuẩn bị chu đáo và chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng,” Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nước Chủ tịch ASEAN và để lại nhiều dấu ấn quan trọng.
Trao đổi với hãng tin Nga Sputnik, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Vũ Quang Minh nhấn mạnh lần đầu tiên trong lịch sử 53 năm của ASEAN, phần lớn các hội nghị các cấp của ASEAN phải họp trực tuyến, kể cả Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra hồi tháng 6 và Hội nghị Ngoại trưởng AMM 53 và các hội nghị liên quan trong tháng 8 vừa qua.
Đây là hình thức hoàn toàn mới, nhất là đối với các hội nghị cấp cao, nên không tránh khỏi nhiều lúng túng và bỡ ngỡ đối với Việt Nam cũng như các thành viên ASEAN và các đối tác phát triển khác.
Tuy nhiên, các nước thành viên và nhiều nhà quan sát chính trị quốc tế cùng dư luận truyền thông đều đánh giá rằng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình từ công tác chuẩn bị, đến chương trình nghị sự và lựa chọn chủ đề.
Đại sứ Vũ Quang Minh nêu rõ với việc lựa chọn chủ đề cho ASEAN năm 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng,” Việt Nam mong muốn khẳng định đoàn kết có ý nghĩa quyết định đối với sự vững bền của ASEAN.
Ông nhấn mạnh chỉ khi có một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển, các nước thành viên mới có thể chủ động thích ứng hiệu quả trước sự tác động của những thay đổi nhanh và mạnh mẽ từ thế giới bên ngoài và ngược lại; chủ động thích ứng sẽ giúp ASEAN gắn kết chặt chẽ, nhờ đó tăng cường sức mạnh tổng thể, sự kiên cường bền bỉ của cả hiệp hội và mỗi thành viên.
Đại sứ Vũ Quang Minh dự đoán tác động của đại dịch COVID-19 sẽ vượt xa mức độ của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 hay khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009. Tuy nhiên, ASEAN đã không gục ngã và với tư cách Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã cùng các thành viên rất nỗ lực để vượt qua khó khăn. Chính vì vậy, phản ứng nhanh và hiệu quả trong phòng chống COVID-19 là một trong những thành tích nổi bật của ASEAN.
Trong khi đó, cũng phát biểu với Sputnik, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nêu rõ Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò là trung tâm kết nối của ASEAN, do vậy được lãnh đạo các nước đánh giá cao. Việt Nam cũng đi đầu trong việc kết nối kinh tế trong bối cảnh bình thường mới. Điều đó không những giúp cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương trong năm 2019, mà còn là điểm khởi đầu cho việc thiết lập lại các chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19.
Thích ứng và ứng phó kịp thời với đại dịch COVID-19 cũng là một điểm nhấn quan trọng trong hoạt động của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm nay.
Ngay từ khi dịch bệnh mới phát sinh ở Vũ Hán, Trung Quốc, Việt Nam đã triệu tập hội nghị bàn về các hành động khẩn cấp ngăn chặn đại dịch, chuyển hầu hết các hội nghị, các cuộc họp của ASEAN từ hình thức trực tiếp sang hình thức trực tuyến một cách ngoạn mục dựa trên sự phát triển cao về công nghệ kỹ thuật số của chính mình.
Vì vậy, số lượng hội nghị, cuộc họp bị hoãn, hủy vì nguyên nhân dịch bệnh đã được giảm thiểu đến mức thấp nhất, qua đó, vẫn bảo đảm được các mối liên hệ gắn kết giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong một loạt các hành động phối hợp cũng như thực hiện các chương trình mục tiêu, bất chấp sự lây lan mạnh mẽ của dịch bệnh và tiết kiệm nhiều kinh phí.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì cuộc gặp giữa Lãnh đạo ASEAN 3 và Đại diện Hội đồng Doanh nghiệp Đông Á tại điểm cầu Hà Nội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Tiến Mạnh khẳng định ASEAN đã trở nên gắn bó hơn với vai trò là một mắt xích mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu và trong cuộc chống đại dịch.
Cũng trao đổi với hãng tin Sputnik, nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm đã dẫn đánh giá của Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi biểu dương sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của Việt Nam và kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53.
Kết quả đáng kể nhất của sự “thích ứng với đại dịch” là việc thành lập Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN và thành lập Kho vật tư y tế dự phòng khẩn cấp khu vực. Sáng kiến này của Việt Nam được cộng đồng ASEAN nói riêng và quốc tế nói chung đánh giá rất cao.
Bình luận với Sputnik, nhà phân tích những vấn đề quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng nhận định dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, trong năm 2020, vai trò quốc tế của ASEAN đã gia tăng đáng kể. ASEAN vẫn đạt được sự đồng thuận rất cao về những vấn đề tối quan trọng có liên quan đến hòa bình, ổn định trong khu vực. Xu thế đối thoại và hợp tác được tăng cường.
Theo ông, từ năm 2020 về sau, có thể nhận thấy rằng ASEAN đang dần trở thành một hình mẫu về một cộng đồng các quốc gia đoàn kết để tạo nên một sức mạnh đáng kể vì mục đích xây dựng hòa bình, ổn định, bình đẳng, phát triển và thịnh vượng./.
Ý kiến ()