Nằm bên sườn địch vẽ sơ đồ hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra
Trong căn nhà nhỏ sát con phố Lê Lợi gần trung tâm TP Đông Hà (Quảng Trị), Đại tá lão thành Nguyễn Thanh Hà, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, trực tiếp tham gia Ban Chỉ huy Đại đội Công an giới tuyến (thành lập ngày 1-8-1954) kể cho chúng tôi nghe những chiến công ông và đồng đội lập nên cách đây hơn 60 năm. Ngoài tuổi 80, với gần 65 năm tuổi Đảng, ông Hà vẫn minh mẫn, nhớ như in các sự kiện lịch sử của một thời khói lửa đạn bom.
Công an giới tuyến một thời
Lần giở những trang nhật ký viết tay cẩn thận đã vàng ố, ông Hà nhớ lại: Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, lấy vĩ tuyến 17 sông Bến Hải (cầu Hiền Lương) làm giới tuyến quân sự tạm thời, quy định đến 20-7-1955 hai miền sẽ hiệp thương bàn tổng tuyển cử thống nhất nước nhà; đến 20-7-1956 hai miền sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước Việt Nam.
Ngày 1-8-1954, Ban Liên hợp quân sự Trung ương do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng làm Trưởng đoàn đã ký quyết định thành lập Ban Liên hợp đình chiến Bình Trị Thiên. Đến cuối tháng tám cùng năm, khi tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Hiền Lương, Ban Liên hợp đình chiến Bình Trị Thiên đổi tên thành Ban Liên hợp Khu phi quân sự đóng tại thị trấn Hồ Xá. Việc bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự do lực lượng công an và cảnh sát hai bên đảm nhiệm. Mỗi bên có một đại đội tham gia kiểm soát người qua lại giới tuyến.
“Lực lượng công an của ta và cảnh sát của đối phương, mỗi bên gồm 100 người, được trang bị 100 súng, gồm 25 súng tiểu liên, 25 súng cạc-bin và 50 súng ngắn”. Ông Hà còn nhớ rất rõ, ngày 14-8-1954, tại cây đa làng Tiên An, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, Đại đội Công an giới tuyến đã tổ chức đủ biên chế, bao gồm việc chọn lựa 100 đồng chí ở Đại đội bộ đội địa phương thuộc các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong, Vĩnh Linh và Cán bộ Công an tỉnh, đứng chân trên 10 đồn dọc vùng giới tuyến.
Bấy giờ, ông Nguyễn Thanh Hà được cử làm phân đội trưởng. Ngày 11-11-1954, Tổ Liên hợp họp tại cầu Hiền Lương ký biên bản thỏa thuận chung giữa Tổ sĩ quan liên hợp Pháp và Tổ sĩ quan QĐND Việt Nam về tổ chức Đồn Liên hợp Cửa Tùng, mỗi bên gồm tám cán bộ, sĩ quan. Ông Hà nhớ lại: Lực lượng liên hợp làm nhiệm vụ kiểm soát thuyền bè ra vào cửa sông Bến Hải. Mỗi tuần hai đồn tiến hành làm việc luân phiên, tuần ở bờ bắc, tuần sau ở bờ nam và ngược lại. Còn một đơn vị khác được giao nhiệm vụ kiểm soát người qua lại cầu Hiền Lương, đưa công văn giấy tờ của phái đoàn ta, hay chuyển bưu thiếp từ bắc vào nam cho cảnh sát ngụy đồn Xuân Hòa, rồi nhận bưu thiếp từ đây chuyển ra bưu điện của ta ở miền bắc. “Việc chuẩn bị nguồn cán bộ đáp ứng nhiệm vụ rất công phu. Anh em đều chưa được học hành, có người học lớp 3, lớp 4, nhưng lần lượt ra bắc tập huấn, đào tạo bài bản. Từ cách bắt tay, cúi chào, mở sâm banh, giao tiếp với người nước ngoài thế nào cho phù hợp!”, ông Hà nhớ lại và kể, ông từng thực hiện kế hoạch giả làm nhà buôn, mang hàng cân thuốc phiện đi vào nam, cứ thế mang thư mật trong người, vào tận sào huyệt địch.
Vang dội trong thầm lặng
Chiến tranh đã đi qua. Mảnh đất gió Lào cát trắng Quảng Trị, hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra – “con mắt thần” bất khả xâm phạm, dường như chỉ còn trong ký ức. Nhưng với ông Lê Viết Trinh, nguyên Tổ trưởng Tổ tình báo B8 thuộc Công an vũ trang huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, người đầu tiên vẽ mô phỏng hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra, thì câu chuyện như mới ngày hôm qua.
Thăm lại mảnh đất chiến trường xưa sau dịp lễ trọng 27-7, ghé thăm cầu Hiền Lương, cuộc gặp gỡ chiều hè của ông Nguyễn Thanh Hà và người đồng đội năm xưa trong căn nhà chỉ cách chiếc cầu lịch sử tầm năm cây số, ở thôn Bách Lộc, xã Trung Hải, huyện Gio Linh ngắn ngủi mà gợi lại bao kỷ niệm sâu sắc, khó phai. Chúng tôi vinh dự được gặp những nhân chứng, tác giả của biết bao chiến công âm thầm, vẻ vang của rất nhiều đồng đội của ông Hà, trong đó có ông Lê Viết Trinh- nhân vật với bí số K2. Câu chuyện chung quanh chuyện vợ ông Trinh, một người phụ nữ hai lần cưới một người chồng, đã chung vai sát cánh cùng chiến hào, không tiếc máu xương, một lòng kiên trung với Đảng, với dân, làm nên bài ca chiến thắng trên quê hương cách mạng.
Người cán bộ an ninh lão thành bồi hồi nhớ lại, tháng 7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, sông Bến Hải thành giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền nam – bắc. Theo yêu cầu của cấp trên và lực lượng Công an vũ trang giới tuyến, ông Trinh nhận lệnh ở lại bờ nam giới tuyến tổ chức mạng lưới cơ sở, nắm tình hình di biến động của địch… Theo chỉ đạo của cấp trên, “thủ trưởng Hà”, ông Trinh dần gây dựng mạng lưới nội tuyến gồm năm thành viên, trong đó ông Trinh mang bí số K2 phụ trách mạng lưới. Ngoài ra còn có anh ruột ông là H1, một người khác là Trưởng ban cơ yếu của Trung đoàn ngụy án ngữ dọc bờ nam sông Bến Hải. Người nữa từng được cận kề Quận trưởng quận Gio Linh. Một thành viên khác đã anh dũng hy sinh khi đang tiếp cận nắm tình hình địch. Suốt 13 năm, từ năm 1954 đến năm 1967, các nhóm điệp báo của Công an vũ trang làm công tác trinh sát ngoại biên, điệp báo nội biên đã thu thập hàng nghìn tin tức có giá trị, báo cáo kịp thời để cấp trên có những đối sách chiến lược, chiến thuật hợp lý.
Mật thư treo… sáo đơm cá!
Tại Phòng Lưu trữ, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Trị vẫn lưu giữ gần 300 bản báo cáo viết tay, nhiều bản gồm hơn 10 trang giấy pơ-luya của ông Trinh và đồng đội. Lúc đó, ông Trinh biết được kế hoạch xây dựng hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra trước sáu tháng. Sau đó, đội điệp báo đã vẽ chi tiết sơ đồ bố trí bố phòng, bãi mìn, đồn bốt… từ đó giúp lực lượng đặc công chủ động triển khai lực lượng tác chiến, lập nên những chiến công vang dội.
Qua lời kể của Đại tá Nguyễn Thanh Hà và đồng chí Phan Chung, nguyên Bí thư Huyện ủy Gio Linh thời kỳ 1954 – 1973, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, trong các thành viên của tổ K1, có một người làm Trưởng đài truyền tin cơ yếu quận Trung Lương của địch. Vì thế ông Trinh đã nắm bắt được khóa mật mã của những bản tin địch thường truyền từ giới tuyến nam sông Bến Hải vào Sài Gòn. Từ đó, thường xuyên báo cho bờ bắc biết qua “hộp thư” theo ngày ấn định từ trước. Thậm chí, ông đích thân vượt sông Bến Hải trong đêm để báo tin. “Từ năm 1962 đến năm 1967, trong suốt sáu năm, tôi đã vượt sông Bến Hải khoảng 600 lần. Khi không phải vượt sông thì gói tờ giấy viết tin trong ni-lông, rồi giấu hộp thư tại một vị trí đã định trên bờ sông, hoặc buộc thư sâu dưới nước vào một que sáo đơm cá. Người của ta cứ thế mà đến lấy”.
Để mô phỏng tuyến hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra như hình chữ T, lấy đường số làm trục trung tâm, Khe Sanh, Cửa Việt là hai điểm nhánh, ông Trinh và đồng đội chấp nhận nếm mật nằm gai, nằm cận kề họng súng của địch hơn hai tháng trời, liên lạc với cơ sở hàng trăm lần bằng hòm thư chết, nửa đêm giá lạnh vượt sông Bến Hải chuyển tin. “Gian nan lắm, mỗi lần vẽ phải có người canh gác để tránh bọn địch phát hiện. Cán bộ đầu mối phải ngồi nghĩ nát óc mới giải mã được những chi tiết anh em gửi, vì thông tin mọi người nắm được gửi về từ nhiều nơi…”, ông Trinh kể.
Một trong nhiều chiến công diễn ra những năm 1967-1968, khi địch tăng cường chiến dịch dồn dân vào các khu tập trung vừa để quản lý, vừa cô lập nhân dân với lực lượng của ta. Các thôn ở xã Gio Hải, Trung Giang, Gio Việt đều bị dồn vào hai khu tập trung là Cửa Việt (Gio Linh) và Tân Tường (Cam Lộ). Thực hiện chủ trương của Huyện ủy Gio Linh cài cắm lực lượng cách mạng xây dựng cơ sở, gia đình đồng chí Trinh lại theo dân lên khu tập trung Tân Tường. Với vỏ bọc là dân vệ, đồng chí Trinh đã cung cấp nhiều thông tin kịp thời về những kế hoạch càn quét của địch dọc tuyến đường 9, Cam Lộ, Khe Sanh, lấy được bản sao bản đồ bố trí phòng thủ của Chi khu quân sự Cam Lộ. “Đây là tài liệu cực kỳ quan trọng giúp lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương của ta trong các trận đánh giải phóng Cam Lộ và tuyến đường 9, Khe Sanh năm 1972 từng góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường”, Đại tá Nguyễn Thanh Hà, người chỉ huy các tổ điệp báo, nhớ lại.
Kỷ niệm thú vị và đáng nhớ là khi bộ đội chủ lực của ta vào giải phóng Cam Lộ, ông Trinh và nhiều đồng đội làm “dân vệ” lúc đó bị ta bắt. Ông yêu cầu được gặp đồng chí Trần (bí danh của đồng chí Phan Chung) và được minh oan ngay!
Từ năm 1966, khu vực giới tuyến có nhiều thay đổi khi một số làng bên bờ nam sông Bến Hải được giải phóng. Mỹ – ngụy có ý định chuyển trục giới tuyến phân định ranh giới vào Khe Sanh, Cửa Việt thông qua kế hoạch biến khu vực ngoài Dốc Miếu và Cồn Tiên tới sông Bến Hải thành “vành đai trắng” rồi ra sức dồn dân. Đặc biệt, Mỹ – ngụy còn xây dựng hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra với số vốn đầu tư lên đến 800 triệu USD, được mệnh danh là “con mắt thần bất khả xâm phạm”, là “kiệt phẩm lớn” của đội ngũ hùng hậu các nhà khoa học danh tiếng của Mỹ do Bộ trưởng Quốc phòng Mắc Na-ma-ra đứng đầu”… |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()