Nắm bắt xu hướng để tăng trưởng
Sản xuất khẩu trang y tế đang có lợi thế.
Lội ngược dòng
Tại thời điểm này, một số DN niêm yết bắt đầu công bố kết quả sản xuất, kinh doanh quý I – 2020. Doanh thu và lợi nhuận của nhiều DN suy giảm mạnh, thậm chí lỗ vì phải thu hẹp quy mô cũng như khó khăn về dòng tiền khi chịu tác động mạnh từ cả phía cung và cầu. Thế nhưng trong mức suy giảm chung, vẫn có những DN lội ngược dòng thành công. Công ty cổ phần (CTCP) Thế giới số (Digiworld) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I ước tăng trưởng 63% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế tăng gần 80% với doanh thu chủ đạo đến từ ngành hàng điện thoại, máy tính xách tay, máy tính bảng. Trong ngành xây dựng, CTCP Vicostone chuyên sản xuất, kinh doanh đá ốp lát nhân tạo gốc thạch anh cũng thực hiện được 20% chỉ tiêu doanh thu và 17,7% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế trong quý đầu tiên, mặc dù ngành xây dựng năm nay được dự báo là khó khăn kép trước dịch Covid-19. Ước doanh thu của DN này tăng khoảng 20,68%, lợi nhuận tăng khoảng 14,39% so cùng kỳ. Một tên tuổi lớn khác trong mảng công nghệ là FPT cũng khẳng định kết quả kinh doanh quý đầu năm nay rất khả quan, nhờ mảng gia công phần mềm tiếp tục giữ vững nhịp tăng trưởng từ sự chuyển biến nhanh của xu hướng công nghệ trên thế giới. Đây cũng là DN hiếm hoi đến nay vẫn duy trì được ổn định 100% việc làm và thu nhập của khoảng 36 nghìn người lao động. CTCP Cao-su Phước Hòa quý I ghi nhận tổng doanh thu công ty mẹ tăng 18% so với quý I – 2019 và thực hiện được 14% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế cao gấp hơn 2,5 lần so cùng kỳ…
Báo cáo của Tổng cục Thống kê (TCTK) ghi nhận trong bức tranh kinh tế quý I – 2020 đầy khó khăn, vẫn có một số ngành mũi nhọn là điểm sáng, giữ được tốc độ tăng trưởng tốt. Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (TCTK) cho biết, đó là ngành sản xuất thuốc và dược liệu tăng 28,3%; ngành chế biến xăng dầu tăng 22,4%, đóng góp tích cực vào ngân sách T.Ư và địa phương. Đáng lưu ý, ngành điện tử, máy tính và sản phẩm quang học dự báo giảm tăng trưởng do đứt nguồn cung nhưng kết quả thực hiện vẫn tăng hơn 4%, chủ yếu nhờ nhà máy của Samsung cho ra đời dòng điện thoại di động thế hệ mới và LG chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại di động từ Hàn Quốc về Hải Phòng, Việt Nam. Đặc biệt có xu hướng dịch chuyển nhập khẩu linh kiện điện thoại từ Việt Nam thay các nước khác trên thế giới như trước đây. Các DN sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế cũng giữ được nhịp độ tăng trưởng do sản phẩm của hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đã có mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Cần có hỗ trợ từ ngân hàng
Theo đánh giá của Bộ Công thương, cả những ngành vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá như điện tử trong thời gian tới vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, có khả năng làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu. Hai thị trường này đang lần lượt chiếm khoảng 17% và 24% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện; khoảng 17% và 14% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam. Nhìn chung, dịch bệnh có khả năng tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN ở nhiều lĩnh vực từ sáu đến 12 tháng tới. Sau thời điểm khó khăn, các DN cần phải có thời gian phục hồi, khôi phục hoạt động sản xuất. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), các tổ chức tín dụng đều chủ động đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất cho vay từ 0,5 đến 1% so với thỏa thuận trước. Tuy nhiên, thực tế điều kiện để tham gia các gói tín dụng này đều rất phức tạp và việc giảm lãi suất như nêu trên còn ít, chưa thật sự là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển, cần có công cụ trực tiếp đến từ Chính phủ, NHNN để hỗ trợ các DN. Bộ Công thương kiến nghị, NHNN nên có gói tín dụng cụ thể để hỗ trợ các DN trong giai đoạn khó khăn như cho vay với lãi suất thấp hoặc giãn thời gian trả nợ lãi cho khách hàng,…
Trong “Báo cáo Đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách công bố mới đây”, nhóm nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định: Dịch Covid-19 ảnh hưởng xấu tới nhiều DN nhưng cũng tạo cơ hội cho một số DN đặc thù có cơ hội phát triển hơn. Các ngành đang có các lợi thế kinh doanh tương đối trong đại dịch Covid-19 gồm lĩnh vực kinh doanh online, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, khẩu trang, nước rửa tay, máy đo thân nhiệt. Đây là các thị phần mới nổi, các gói sản phẩm hiện nay của hầu hết các ngân hàng đều chưa tính đến các thị phần này. Do đó, ngân hàng nên tận dụng và tiếp cận ngay để phát triển thị trường, đa dạng hóa khách hàng, giảm rủi ro từ dịch Covid-19 ở các thị trường hiện tại và hỗ trợ cho DN phát triển. Các gói sản phẩm ngân hàng chuyên biệt cho nhóm khách hàng tiềm năng này bao gồm tín dụng hạn mức, L/C, thanh toán cho nhân viên, mở các kênh thanh toán cho khách hàng, bảo hiểm cho DN, bảo hiểm cho cán bộ, công nhân viên của DN đó, quản lý hộ tiền… Đồng thời phát triển các sản phẩm tín dụng ngắn hạn chuyên biệt hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) chịu tác động của Covid-19 như tài trợ hàng tồn kho, cho vay hỗ trợ xuất khẩu nhanh. Cung cấp cho DNNVV đạt được doanh số tiêu thụ thông qua hoạt động hỗ trợ xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ điều tiết thị trường thông qua kênh phân phối trong nước. Các DN có thể đăng ký hạn mức tín dụng hoặc kỳ hạn trước khi hoàn tất việc bán hàng xuất khẩu hoặc trong khi theo đuổi các cơ hội ở nước ngoài, chẳng hạn như xác định một khách hàng mới ở nước ngoài nếu việc bán hàng xuất khẩu bị mất do Covid-19…
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm nhận định, dịch Covid-19 chỉ tác động thật sự đến DN trong hơn một tháng qua nhưng có một số nhóm ngành đã đón đầu được cơ hội phát triển, như nhóm ngành tài chính ngân hàng, bảo hiểm, truyền thông. Đặc biệt, ngành truyền thông có mức tăng trưởng gần 10%, cao nhất trong cả một thập kỷ qua. Nhưng đây mới chỉ là tăng trưởng bước đầu, chưa có sản phẩm dịch vụ chuyên biệt và sâu đến từng phân khúc thị trường. Kinh tế “hậu Covid-19” sẽ kéo theo hàng loạt thay đổi toàn diện về kinh tế, từ quan điểm phát triển, cơ cấu kinh tế, cách tiếp cận phát triển của tất cả các lĩnh vực và đặt ra yêu cầu phải ứng dụng mạnh mẽ hơn khoa học – công nghệ vào cuộc sống cũng như sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN. Các DN cần chủ động nắm bắt xu hướng này để chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng đón cơ hội phát triển trong tương lai.
Ý kiến ()