Nắm bắt cơ hội tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu
Trước khuyến cáo Việt Nam cần hành động nhanh trong thời gian không nên quá 24 tháng cho mục tiêu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Chính phủ đang có những hành động quyết liệt và kịp thời để nắm bắt cơ hội hiếm có này.
Ngày 3/5 vừa qua, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Tổ hợp Samsung Việt Nam chính thức triển khai đào tạo Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ (Samsung Innovation Campus) năm học 2023-2024 tại NIC cơ sở Hòa Lạc. Đây là hoạt động hợp tác đầu tiên giữa Samsung Việt Nam và NIC nhằm hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030.
26 nghìn tỷ đồng đào tạo nguồn nhân lực
Theo Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai các dự án giáo dục và phát triển công nghệ cao cho thế hệ trẻ Việt Nam được ký giữa Samsung Việt Nam và NIC cuối năm 2023, hai bên sẽ phối hợp tổ chức 6 lớp đào tạo về công nghệ cao cho khoảng 200 sinh viên ưu tú được tuyển chọn từ các trường đại học trên cả nước. Samsung Việt Nam là một trong những đối tác lớn của NIC trong mục tiêu hợp tác triển khai các dự án giáo dục và phát triển công nghệ cao nhằm bồi dưỡng nhân tài công nghệ, đưa Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới.
Đó cũng là một trong những nội dung trọng tâm của Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ phê duyệt, thể hiện bước đi nhanh và bài bản của Việt Nam so với các nước trong “cuộc đua” chíp toàn cầu đang nóng lên. Tổng mức kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án khoảng 26 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 17 nghìn tỷ đồng và nguồn xã hội hóa khoảng 9.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn đầu, Việt Nam tập trung đào tạo nguồn nhân lực để tham gia công đoạn thiết kế, đóng gói, kiểm thử và một số công đoạn khác liên quan đến sản xuất thiết bị, vật liệu, hóa chất. Hình thức đào tạo chủ yếu là ngắn hạn, nâng cao, chuyển đổi từ các ngành gần, ngành phù hợp sang ngành công nghiệp bán dẫn, song song với đào tạo chính quy trên cơ sở hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp và liên kết quốc tế trong xây dựng, nhập khẩu chương trình, thu hút chuyên gia quốc tế về Việt Nam giảng dạy.
Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu có sự tăng trưởng ấn tượng 14%/năm trong 20 năm qua, đem lại doanh thu gần 600 tỷ USD tính đến năm 2023 và được kỳ vọng sẽ cán mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Trong quá trình phát triển đó, thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 1 triệu nhân sự cho tất cả khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chíp.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với nguồn cung lao động dồi dào và có chất lượng, nguồn nhân lực trở thành lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam so với các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới. Vì vậy, việc tập trung đầu tư, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động để có thể gia nhập vào thị trường trong thời gian sớm nhất là hướng đi chiến lược, yếu tố quyết định để tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư, tiếp cận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững, dựa trên khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Động lực của tương lai
Những chuyển động tích cực trong chính sách và hành động gần đây đã thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam tham gia mạnh mẽ hơn vào hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu. Nhờ môi trường đầu tư thuận lợi và những lợi thế về nguồn nhân lực, các tập đoàn lớn trên toàn cầu đã gia tăng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn. Hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn đang hình thành ở Việt Nam với hơn 50 doanh nghiệp hoạt động đầu tư, sản xuất, chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Intel, Amkor, Hana Micron trong công đoạn đóng gói, kiểm thử; Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys trong công đoạn thiết kế và Lam Research, Coherent… trong công đoạn sản xuất thiết bị. Tham gia vào hệ sinh thái còn có các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như FPT, Viettel ở phần thiết kế, công đoạn chiếm tới 53% giá trị chuỗi.
Tại Việt Nam, xu thế phát triển mới của các ngành công nghệ cao đã biến đổi rất nhanh trong khoảng nửa năm trở lại đây, nhất là khi Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cơ sở Láng-Hòa Lạc đi vào hoạt động. Tiếp nối những bước đi của Intel, Amkor... bằng những dự án tỷ USD đã triển khai thực hiện theo kế hoạch đầu tư, Việt Nam đang đón nhận những dự án và cơ hội hợp tác lớn từ các “đại bàng” công nghệ. Sau chuyến thăm của ông Jensen Huang, Chủ tịch Nvidia vào tháng 12/2023, Phó Chủ tịch của tập đoàn, ông Keith Strier trong tháng 4/2024 cũng có chuyến công tác đến Việt Nam xúc tiến cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và AI. Đây là những hoạt động cụ thể của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới nhằm hiện thực hóa kế hoạch biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất và đổi mới AI lớn ở châu Á.
Chia sẻ trong một diễn đàn thu hút đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, gần đây có rất nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng như các quốc gia, vùng lãnh thổ khác đã đến Việt Nam khảo sát về hệ sinh thái chíp bán dẫn. Đánh giá của các doanh nghiệp đều tích cực khi nhận định Việt Nam là một trong số các thị trường mới nổi và rất tiềm năng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam sở hữu tiềm năng to lớn để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và cạnh tranh trên thị trường công nghệ thế giới. Hai lĩnh vực có nhiều hứa hẹn là ngành công nghiệp bán dẫn và AI, được xem là những lĩnh vực chiến lược và động lực phát triển mới để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Với mong muốn tham gia chuỗi cung ứng, nhiều quốc gia, đang có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội và hành động cụ thể để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Trong cuộc đua này, thời gian là yếu tố mang tính chất then chốt, quyết định. Do đó, Chính phủ cần hành động quyết liệt và kịp thời để phát triển hệ sinh thái bán dẫn và tận dụng những cơ hội to lớn trước mắt. Tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào hiện tại.
NGUYỄN CHÍ DŨNG
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư
Ý kiến ()