Nam Á 2021: Nút thắt nghẹt thở
Những gì diễn ra trong suốt cả năm 2021 như dồn nén khu vực Nam Á vào một nút thắt nghẹt thở. Đó không chỉ là cuộc chính biến làm xáo trộn bản đồ quyền lực ở Afghanistan, không chỉ là sự chết chóc kinh hoàng mà đại dịch Covid-19 gieo rắc tại Ấn Độ và các quốc gia láng giềng…
“Đã đến lúc kết thúc cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ. Đã đến lúc quân đội Mỹ trở về nhà!”, Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra tuyên bố đanh thép đó vào ngày 14-4-2021, có lẽ xuất phát từ nhận thức rằng đã đến lúc chấm dứt việc hoang phí những đồng USD từ tiền đóng thuế của dân Mỹ và cả máu của hàng nghìn binh sĩ Mỹ vào “chiếc thùng xung đột không đáy” ở Afghanistan. Cũng trong bài phát biểu hôm đó, ông Biden ấn định ngày 11-9-2021 là thời khắc mà toàn bộ binh sĩ Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan. Kế hoạch thu quân trong yên bình của Washington như càng được tiếp thêm động lực với việc Tổng thống Afghanistan khi đó là ông Ashraf Ghani mạnh miệng tuyên bố rằng các lực lượng an ninh của Chính phủ nước này hoàn toàn đủ khả năng kiểm soát đất nước.
Vậy mà chỉ 4 tháng sau đó, ngày 15-8-2021, lực lượng Taliban ung dung chiếm quyền kiểm soát thủ đô Kabul trước sự kháng cự yếu ớt, nếu không muốn nói là bất lực của quân chính phủ Afghanistan. Taliban chính thức trở lại nắm quyền tại Afghanistan, Tổng thống Ashraf Ghani bí mật rời đất nước, còn với người Mỹ, hành trình can thiệp quân sự kéo dài suốt 20 năm của họ tại quốc gia Tây Nam Á này đã khép lại. Hai tuần sau đó, chính quyền của Tổng thống Biden thông báo hoàn tất việc rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan.
Ấn Độ phải hứng chịu hậu quả nặng nề do Covid-19. Ảnh: TTXVN. |
Lực lượng Taliban trở lại nắm quyền và vẽ lại bản đồ quyền lực ở Afghanistan với lời hứa mang đến ổn định, an ninh, cùng với đó là cam kết đổi mới cách thức quản trị đất nước từng 20 năm nhức nhối với nỗi đau xung đột. Công bằng mà nói, lời hứa ấy ban đầu đã mở ra hy vọng cho nhiều người, nhất là trong bối cảnh trước đó Afghanistan phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải: Năng lực điều hành yếu kém của chính quyền do Tổng thống Ghani lãnh đạo, nạn tham nhũng, tình trạng bè phái, giáo dục tụt hậu…
Thế nhưng, những gì diễn ra tại Afghanistan trong phần còn lại của năm 2021 khiến dư luận phải nghi ngại. Chiếc áo chính trị mà phong trào Taliban mới khoác lên mình chưa thể giúp khỏa lấp những vết sẹo trên gương mặt bị băm nát bởi cuộc xung đột kéo dài hai thập kỷ của Afghanistan. Trái lại, Afghanistan vẫn đối diện với nhiều cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đan xen. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ước tính chỉ trong năm 2021 đã có khoảng 700.000 người Afghanistan phải rời bỏ quê hương, trong đó có nhiều người được đào tạo và có trình độ đã sơ tán trong những ngày cuối cùng đầy hỗn loạn khi quân đội Mỹ và nhiều nước phương Tây rút đi. Với những người lựa chọn bám trụ lại đất nước, họ cũng có rất ít động lực để làm việc vì đã nhiều tháng không được trả lương.
Không chỉ có vậy, trong bối cảnh chính quyền mới do Taliban lãnh đạo vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận, phần lớn tài sản nước ngoài của Afghanistan hiện vẫn bị đóng băng, khiến nền kinh tế của một quốc gia phải dựa chủ yếu vào nguồn viện trợ nước ngoài càng khủng hoảng nghiêm trọng, có nguy cơ đẩy hàng triệu người dân vào cảnh khốn cùng vì đói nghèo. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) dự báo đến giữa năm 2022, hơn 90% dân số Afghanistan sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói, trong khi hiện tại đã có 50% số trẻ em dưới 5 tuổi ở nước này bị suy dinh dưỡng và 14 triệu người, tương đương 30% dân số, đối mặt với tình trạng khẩn cấp về an ninh.
Cam kết của Taliban về việc mang lại hòa bình cho Afghanistan sau nhiều thập niên chiến tranh cũng bị lu mờ bởi nỗi lo khủng bố và xung đột vẫn hiển hiện, mà việc các tay súng thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngang nhiên tiến hành vụ tấn công bên ngoài sân bay Kabul ngay sau khi Taliban lên nắm quyền khiến 13 binh sĩ Mỹ và hàng trăm dân thường Afghanistan thiệt mạng là ví dụ điển hình. Chưa ai có thể khẳng định chương tiếp theo trong lịch sử của Afghanistan sẽ như thế nào, song tình hình trong nước rối ren khiến Afghanistan tiếp tục là địa điểm hấp dẫn để mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, IS và các nhóm khủng bố lớn trú ẩn và tập hợp lực lượng, biến mỗi tấc đất ở quốc gia này thành một quả bom hẹn giờ sắp đến lúc điểm hỏa. Và bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền, chắc hẳn không ít người dân Afghanistan đã từng giật mình trước viễn cảnh lá cờ đen của IS một ngày nào đó sẽ ngạo nghễ giương lên trên khắp các con phố.
Biến động ở Afghanistan cũng không làm người ta quên đi sự tàn khốc mà đại dịch Covid-19 đã để lại cho khu vực Nam Á hồi giữa năm, trong đó Ấn Độ phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Có thời điểm, Ấn Độ ghi nhận 1 triệu ca nhiễm Covid-19 chỉ sau 4 ngày và những kỷ lục về số ca nhiễm, số ca tử vong liên tiếp được thiết lập sau đó đã khiến nền kinh tế của quốc gia đông dân thứ hai thế giới gần như kiệt quệ, tấm khiên phòng thủ của hệ thống y tế cũng bị lật tung. Cùng với Ấn Độ, tình trạng báo động về số ca nhiễm Covid-19 gia tăng cũng diễn ra ở các quốc gia khắp khu vực Nam Á, đặc biệt là tại Nepal, Pakistan và Sri Lanka. Dù “cơn sóng thần Covid-19” tại Ấn Độ đã rút đi nhanh chóng giống như cách nó xuất hiện, và dù đến nay kinh tế Ấn Độ đã cho thấy dấu hiệu gượng dậy sau cơn suy thoái nhưng nỗi ám ảnh khi đứng bên bờ vực của thảm họa sẽ còn kéo dài.
Hệ lụy của các biến động chính trị-xã hội ở Nam Á khiến khu vực này chuẩn bị bước vào năm mới với bất ổn, bất an bao trùm.
Ý kiến ()