Năm 2024, triển khai thương mại hóa mạng 5G
Đến thời điểm này, Việt Nam đã thử nghiệm công nghệ 5G ở 55 tỉnh, thành phố trên cả nước. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chỉ rõ, năm 2024 sẽ là năm Việt Nam thương mại hóa, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng số công nghiệp.
Đầu tư cho 5G là chiến lược giúp các nhà mạng tăng trưởng
Tại tọa đàm “Thương mại hóa 5G xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam” do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) tổ chức, bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết hiện tại, các quy định pháp luật để triển khai đấu giá tần số 5G đã đầy đủ và hoàn thiện. Bộ TT&TT dự định sẽ đấu giá trước băng tần tầm trung cho 5G và hiện nay Cục Tần số Vô tuyến điện đang triển khai.
“Dự kiến tháng 1-2024, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố phương án tổ chức đấu giá băng tần để các doanh nghiệp nắm bắt và tham gia. Hy vọng cuộc đấu giá sẽ thành công tốt đẹp và kết thúc vào cuối tháng 2, đầu tháng 3-2024″, bà Vũ Thu Hiền cho biết thêm.
Theo bà Vũ Thu Hiền, băng tần được đấu giá trước tiên sẽ là mid band – tầm trung, giúp bổ trợ, giảm tắc nghẽn cho 4G, cũng như bởi nhu cầu cần nhiều băng thông di động rộng. Đây cũng là lý do trên thế giới có đến hơn 70% các mạng 5G đã triển khai nằm ở băng tần tầm trung, theo thống kê bởi Hiệp hội di động toàn cầu. Ngoài ra, ở Việt Nam, đã có các băng tần khác cho 5G, ví dụ như băng tần thấp 700 MHZ, băng tần cao 26 GHZ… mà trong tương lai sẽ được cấp phép cho 5G.
Còn ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Phòng công nghệ dịch vụ, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho rằng, để nhà mạng được cấp phép 5G cần nhiều điều kiện, ví dụ vốn đầu tư trong 3 năm đầu từ 1.500 đến 2.500 tỷ đồng, điều kiện tiếp cận hạ tầng, vùng phủ sóng rộng (trên toàn quốc). Đây là điều kiện tiên quyết các doanh nghiệp phải làm.
“Hạ tầng 5G cũng khác so với 3G, 4G. Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh mạng 3G, 4G có thể tạo ra dịch vụ truy cập internet, thoại, nhắn tin để phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, 5G có hạ tầng số giống như hạ tầng mở, có nhiều nhà phát triển để khai thác các ứng dụng thực tế trên hạ tầng đó nên nếu doanh nghiệp không trúng băng tần, họ vẫn có cơ hội từ 5G”, ông Trần Tuấn Anh thông tin thêm.
Đầu tư cho 5G là chiến lược giúp các nhà mạng tăng trưởng trong bối cảnh doanh thu truyền thống sụt giảm. |
Nhận định về thực tế phát triển 5G ở Việt Nam, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) – ông Mai Liêm Trực cho rằng, phát triển 5G không chỉ mang đến cơ hội mà còn đi kèm thách thức. Đầu tư 5G đòi hỏi nguồn vốn lớn và liên quan đến cơ chế đầu tư cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, ông Mai Liêm Trực thông tin, triển khai 5G không chỉ là vấn đề công nghệ đã sẵn sàng hay chưa, mà còn nằm ở bài toán kinh doanh, quản trị hệ thống sao cho hiệu quả.
Trong các cuộc làm việc với nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, đầu tư cho 5G là chiến lược giúp các nhà mạng tăng trưởng trong bối cảnh doanh thu truyền thống sụt giảm.
“Chúng ta phải chú ý, không có 5G, thì không có tăng trưởng 10% mỗi năm, nhưng tăng trưởng 10% thì không chỉ là 5G, mà là một hệ sinh thái ứng dụng 5G”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một nhà mạng muốn phát triển bền vững, thì mỗi năm phải đầu tư 15 – 20% doanh thu cho mạng lưới. Ví dụ, VNPT, Viettel chi đầu tư cho mạng lưới 10.000 – 15.000 tỷ đồng/năm. Một số nhà mạng tại Việt Nam những năm gần đây đầu tư ít, nên chất lượng mạng lưới chưa thật tốt. Một mạng di động chất lượng tốt, dung lượng lớn, phủ sóng sâu, tốc độ cao, thì bình quân 1.000 dân có một trạm phát sóng, nhưng ở Việt Nam hiện nay, với mạng di động tốt nhất, thì bình quân 2.000 dân mới có một trạm phát sóng. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khuyến nghị, các nhà mạng cần đầu tư mạnh hơn nữa để nâng cao chất lượng mạng lưới, nhất là khi triển khai 5G.
Lợi thế của 5G là có thể chia sẻ hạ tầng BTS (trạm thu phát sóng di động), nên giải pháp cho nhà mạng muốn giảm chi phí đầu tư là gộp tần số với một doanh nghiệp khác. Nếu như với mạng 2G, 3G và 4G, khách hàng của các nhà mạng chủ yếu là người dân (mô hình B2C), thì với 5G, khách hàng lại chủ yếu là doanh nghiệp (mô hình B2B). Vì vậy, yêu cầu đặt ra với các nhà mạng là phải sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên công nghệ 5G để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, các ngành.
5G cũng sẽ thúc đẩy IoT. Nếu phát triển tốt thì đến 2025, Việt Nam phải có 100 triệu thuê bao IoT, đến 2030 thì ít nhất là 200 triệu. Không phát triển được thuê bao di động thì hãy tập trung phát triển thuê bao IoT, không gian ở đây là 200 triệu thuê bao mới và lớn hơn. Nhưng không phải tự nhiên mà có được các thuê bao này, các nhà mạng phái phát triển các ứng dụng làm bùng nổ IoT.
Nhận định về cơ hội phát triển mạng 5G, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia để triển khai thành công 5G cần có 3 yếu tố, bao gồm: Hạ tầng mạng lưới, thiết bị và hệ sinh thái các dịch vụ, ứng dụng. Hiện nay giá thành các thiết bị đầu cuối của 5G đã xuống thấp, là thời điểm thích hợp cho triển khai công nghệ này. Tuy nhiên, để thương mại hóa 5G hiệu quả không chỉ phụ thuộc vào độ phổ cập của các thiết bị đầu cuối, điện thoại 5G, các thiết bị IoT,… mà còn cần cả một hệ sinh thái các dịch vụ, ứng dụng đi kèm.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam cho biết: “So với 97 nước đã triển khai thương mại 5G thì Việt Nam có thể hơi chậm. Trong khu vực Đông Nam Á, một số nước như Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia… cũng đã triển khai 5G. Tuy nhiên, nếu so với yêu cầu có ứng dụng, thiết bị giá thành hợp lý, có người dùng và đạt hiệu quả kinh tế thì điều này là hoàn toàn phù hợp. Để đồng bộ với sự phát triển, việc thúc đẩy 5G là cần thiết”, ông Đoàn Quang Hoan chia sẻ.
Cần sớm xây dựng hệ sinh thái 5G
Trong năm 2023, Viettel hoàn thành nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm diện rộng hệ sinh thái sản phẩm 5G cả phần cứng và phần mềm, đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G. Viettel công bố nghiên cứu thành công chip 5G DFE (là thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G, với khả năng tính toán lên tới 1.000 tỷ phép tính/giây), đánh dấu bước tiến đột phá trong ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Kết quả đo kiểm cho thấy, thiết bị 5G do Viettel sản xuất đáp ứng đầy đủ chỉ tiêu kỹ thuật tương đương thiết bị của nhiều hãng cung cấp dịch vụ toàn cầu.
Viettel hoàn thành nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm diện rộng hệ sinh thái sản phẩm 5G. |
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, trong năm 2024, mục tiêu của Viettel là tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài; duy trì vị thế số 1 về thị phần data center và cloud; chính thức công bố hệ sinh thái thiết bị 5G do Viettel sản xuất và đẩy mạnh kinh doanh ra quốc tế; phát triển sản phẩm thiết bị năng lượng xanh; cung cấp giải pháp toàn diện cho logistics xuyên biên giới và triển khai tuyến vận chuyển đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc.
Còn MobiFone đã triển khai thử nghiệm 5G ở TP Hồ Chí Minh, Huế, Nha Trang, Phú Quốc… Quá trình thử nghiệm đã cung cấp những cơ sở dữ liệu ban đầu để nhà mạng đánh giá và xây dựng các phương án mở rộng mạng lưới trong tương lai. MobiFone tiếp tục đẩy mạnh triển khai kinh doanh 5G, mục tiêu phát sóng tối thiểu 1.000 trạm 5G trong năm 2024.
Với VNPT, việc triển khai 5G cũng là sự quan tâm hàng đầu, bởi đây là nội dung trọng yếu trong hành trình phát triển và trong chiến lược của VNPT, với định hướng chuyển từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ giải pháp số. VNPT đã triển khai thử nghiệm 5G từ sớm tại các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, VNPT cũng đã chuẩn bị các phương án để triển khai 5G nhanh nhất, có hiệu quả. Sắp tới, khi có tần số, VNPT sẽ triển khai thêm hạ tầng vô tuyến.
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT nhận định, vấn đề khó nhất đối với các nhà mạng khi triển khai 5G là phương án kinh doanh hiệu quả, chứ không phải tần số hay hạ tầng. Triển khai 5G đòi hỏi đầu tư lớn, nhưng có doanh thu, có lợi nhuận hay không là câu hỏi khó, không chỉ với VNPT, mà với tất cả các nhà mạng.
Tổng giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia Thiều Phương Nam cho rằng, Việt Nam cần tạo điều kiện hỗ trợ cộng đồng công nghệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo kết hợp với các nhà mạng đưa ra các ứng dụng, dịch vụ mới khai thác hiệu quả công nghệ 5G…
Nguồn: https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/nam-2024-trien-khai-thuong-mai-hoa-mang-5g-764855
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()