Năm 2023, gần 1,1 triệu xe ô tô “trượt” kiểm định
Năm 2023, có gần 4,8 triệu lượt phương tiện đến các trung tâm làm công tác kiểm định phương tiện, có hơn 3,71 triệu lượt phương tiện đạt tiêu chuẩn, gần 1,1 triệu lượt phương tiện không đạt phải bảo dưỡng, sửa chữa, điều chỉnh để kiểm định lại.
Theo ông Nguyễn Vũ Hải – Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, thống kê năm 2023, các đơn vị đăng kiểm trên cả nước đã kiểm định gần 4,8 triệu lượt xe cơ giới đang lưu hành. Trong đó, hơn 3,71 triệu lượt phương tiện đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Có gần 1,1 triệu lượt phương tiện không đạt phải bảo dưỡng, sửa chữa, điều chỉnh để kiểm định lại.
Hiện có 270/288 trung tâm, chi nhánh đăng kiểm đang hoạt động trên toàn quốc với 439/537 dây chuyền kiểm định (chiếm khoảng 81,8% năng lực kiểm định toàn hệ thống năm 2022). Công tác kiểm định xe cơ giới đang lưu hành tiếp tục được duy trì, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ.
Thời gian tới, Cục Đăng kiểm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm trong lĩnh vực đăng kiểm. |
Đến nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023, đáp ứng nhu cầu đăng kiểm phương tiện, thiết bị của người dân, doanh nghiệp, từng bước lấy lại niềm tin của nhân dân, được xã hội đồng tình ủng hộ.
Đặc biệt, từ tháng 6-2023 đã giải quyết tình trạng ùn tắc phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm, cùng với việc ban hành Thông tư số 02/2023 và Thông tư số 08/2023 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã khắc phục một số hạn chế, bất cập tồn tại lâu dài, giúp giảm chi phí, thời gian của người dân, doanh nghiệp, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
“Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, đánh giá đăng kiểm viên, tổ chức 23 lớp tập huấn nghiệp vụ trong các lĩnh vực đường bộ, đường thủy, tổ chức 30 đợt đánh giá cho 495 đăng kiểm viên xe cơ giới, công nhận mới 287 đăng kiểm viên, 272 đăng kiểm viên bậc cao nhằm bổ sung nguồn nhân lực cho các đơn vị đăng kiểm; tổ chức 4 lớp tập huấn nghiệp vụ kiểm tra đánh giá hoạt động kiểm định xe cơ giới cho 51 Sở GTVT, 30 đơn vị đăng kiểm trên cả nước”, ông Hải cho biết.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Hải vẫn còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Ý thức, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, ứng xử của một số cán bộ, công chức, viên chức, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ khi thực hiện nhiệm vụ chưa cao, gây khó khăn, kéo dài thời gian của người dân, doanh nghiệp; các dữ liệu phương tiện chuyên ngành đang được chia sẻ cho nhiều cơ quan, đơn vị sử dụng nên tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin, cần có đánh giá, nâng cao mức độ an toàn cũng như yêu cầu các đơn vị sử dụng có trách nhiệm trong quá trình khai thác, sử dụng, bảo quản, lưu trữ thông tin.
Công tác tuyển dụng, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực cho các lĩnh vực, nhất là lực lượng đăng kiểm viên còn chưa đáp ứng nhu cầu, chưa chủ động được lực lượng để bổ sung cho các đơn vị đăng kiểm khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
Đối với công tác kiểm tra chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho toàn bộ các thủ tục hành chính lĩnh vực kiểm tra chất lượng xe cơ giới sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu. Đồng thời, giải quyết hơn 27 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính lĩnh vực kiểm tra chất lượng xe cơ giới; cấp gần 80 nghìn chứng chỉ điện tử kiểm tra chất lượng xe cơ giới nhập khẩu.
Tăng cường giám sát hoạt động kiểm định qua hệ thống camera
Để khắc phục những bất cập trên, ông Hải cho biết, năm 2024, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước từ trung ương xuống địa phương, đảm bảo minh bạch, tránh chồng chéo, đặc biệt trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới đang lưu hành và đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
Tập trung triển khai thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm; xây dựng mới, nâng cấp các phần mềm (như: Phần mềm nghiệp vụ dịch vụ công trực tuyến, phần mềm quản lý kiểm định xe cơ giới, ứng dụng đăng kiểm chạy trên các nền tảng di động, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, dịch vụ tích hợp, chia sẻ dùng chung, phần mềm quản lý thẩm định thiết kế tàu biển)… đảm bảo công khai, minh bạch, an toàn, an ninh mạng, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Tiếp tục tham gia xây dựng Luật Đường bộ (sửa đổi) và Luật Trật tự, an toàn giao thông; có các giải pháp dài hạn để ổn định công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ; tiếp tục triển khai Nghị định số 30/2023 và Thông tư, hướng dẫn mới ban hành.
Đồng thời, hỗ trợ các địa phương, đơn vị đăng kiểm thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định các đơn vị đăng kiểm qua hệ thống camera giám sát, kiểm soát dữ liệu kiểm định phương tiện, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin; thực hiện có hiệu quả các biện pháp nâng cao chất lượng trong công tác kiểm định xe cơ giới đang lưu hành.
“Cùng đó, tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng để kiểm tra liên ngành trong kiểm soát xe quá tải trọng, xe hết niên hạn, quá hạn kiểm định và xe vi phạm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường vẫn tham gia giao thông.
Đặc biệt sẽ đổi mới thiết bị, công nghệ có khả năng tự động hóa nhằm ngăn ngừa tác động của con người, tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm trong lĩnh vực đăng kiểm…”, ông Hải nói.
Cục Đăng kiểm sẽ bổ sung, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá hoạt động kiểm định xe cơ giới cho các Sở GTVT. Theo dõi, dự báo nhu cầu kiểm định của người dân, doanh nghiệp, chủ động, kịp thời có các giải pháp hỗ trợ các đơn vị đăng kiểm hoạt động ổn định, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phương tiện phải chờ đợi đăng kiểm. Hoàn thiện và triển khai thực hiện phương án tách bạch, phân định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đăng kiểm với chức năng tổ chức cung ứng dịch vụ đăng kiểm tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Đồng thời, bổ sung, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục triển khai, hướng dẫn các Sở GTVT thực hiện Nghị định số 30/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; tháo gỡ các vướng mắc trong công tác đăng kiểm đường bộ, đường thủy, đường sắt, công trình biển, đặc biệt là kiểm định xe cơ giới đang lưu hành và đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
“Đặc biệt là xây dựng và trình Bộ GTVT ban hành hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật cho các lĩnh vực của hoạt động đăng kiểm để làm cơ sở xây dựng phương án giá dịch vụ đăng kiểm theo quy định của Luật giá phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho các đơn vị đăng kiểm hoạt động ổn định, phát triển”, ông Hải cho hay.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nam-2023-gan-1-1-trieu-xe-o-to-truot-kiem-dinh-759371
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()