Năm 2022: Nền kinh tế kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh và hiệu quả
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Trần Quốc Phương đánh giá năm 2022, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh, hiệu quả và mạnh mẽ đồng thời quay trở lại quỹ đạo phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trải qua năm 2020 và 2021, Việt Nam đã đúc rút được rất nhiều bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó sẽ có động lực mới, sức sống mới cho sự phát triển trong năm nay.
Tại tọa đàm “Nhìn lại 2021 – Những chuyển hướng chiến lược” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 4/1, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh bối cảnh đại dịch COVID-19 một lần nữa minh chứng tinh thần dân tộc rất cao của người Việt khi gặp khó khăn lớn. Hiện Việt Nam vẫn giữ được những nền tảng cơ bản giúp phục hồi kinh tế nhanh, phát triển bền vững trong bối cảnh ổn định kinh tế-xã hội và khống chế được lạm phát trong năm 2022.
Các quyết sách kịp thời
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh thì vai trò của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch COVID cùng với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh, kiểm soát vĩ mô… là hết sức quan trọng.
Điều này thể hiện ở sự chủ động và sự quyết liệt của hàng loạt các chính sách đã được Chính phủ ban hành. Cụ thể, các cuộc họp chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và kết luận của Thủ tướng cho thấy sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và điển hình trong lĩnh vực kinh tế là việc giải ngân vốn đầu tư công.
Các chính sách, quyết sách, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra đều phù hợp với bối cảnh tình hình cụ thể với từng thời điểm trong năm 2021, điển hình là Nghị quyết 128/NQ-CP “Ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.”
Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng đây có thể coi là một chiến lược rất mạnh mẽ của Chính phủ và có ý nghĩa rất quan trọng cả trong chống dịch và phát triển kinh tế.
Hoàn toàn thống nhất với quan điểm đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.
“Trên thực tế, Nghị quyết 128 đã đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân khi họ phải trải qua quãng thời gian rất dài giãn cách xã hội do đợt dịch lần thứ tư bùng phát. Về kinh tế, Nghị quyết 128 có ý nghĩa then chốt trong việc đảo chiều kết quả kinh tế của năm 2021,” Thứ trưởng phân tích.
Ông Phương dẫn chứng về sự chuyển biến lớn của nền kinh tế sau khi tăng trưởng GDP âm trên 6% trong quý 3 đã hồi phục và tăng trưởng trở lại 5,2% trong quý 4 đồng thời kéo cả năm lên mức tăng trưởng dương.
Quay lại quỹ đạo phát triển
Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định trên cơ sở những gì đã đạt được trong năm 2021 hoàn toàn có thể kỳ vọng năng lực nội tại của nền kinh tế vẫn còn duy trì được để quay lại quỹ đạo phát triển nhanh và bền vững trong năm 2022.
Trước đó, từ năm 2020 và năm 2021, rất nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài đã đề cập đến mô hình phục hồi theo hình chữ V hay hình chữ U để mô tả khả năng một nền kinh tế trong nước có thể quay lại sau khi chịu tác động của dịch COVID-19.
Theo ông Phương, kết quả kinh tế vĩ mô đạt được trong năm 2021 là một thành tựu rất lớn. Nhờ việc ban hành Nghị quyết 128, qua rà soát về số liệu GDP theo từ quý 2,3 và 4 đã chỉ ra mô hình phục hồi là hình chữ V.
“Mô hình phục hồi này cũng cho thấy sức bật của nền kinh tế nước ta rất khả quan, chỉ cần có điều kiện cụ thể để các hoạt động kinh tế quay trở lại là lập tức sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng,” Thứ trưởng cho hay.
Ông Phương chỉ ra các động lực tăng trưởng kinh tế trong năm tới bao gồm lĩnh vực nông nghiệp – đã duy trì ở mức hợp lý, tạo sự chống đỡ khá ổn định cho nền kinh tế trong các năm 2020 và năm 2021. Thứ hai, lĩnh vực công nghiệp vẫn giữ vị trí chủ chốt. Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ mặc dù chịu tác động bởi dịch COVID-19 lâu nhất, sâu nhất tới sự phát triển và tăng trưởng của ngành, nhưng sau khi áp dụng Nghị quyết 128, tăng trưởng của khu vực này đã có sự khởi sắc và quý 4/2021 đã đạt 5,4%.
Trên bình diện quốc tế, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao-Nguyễn Minh Vũ cho biết có một sự lạc quan song vẫn thận trọng ở năm 2022. Nhìn rộng ra, khu vực châu Á và thế giới hiện đang có ba xu hướng. Thứ nhất là phục hồi kinh tế toàn cầu và đặc biệt là ở trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các đối tác chiến lược toàn diện, các đối tác của Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do (FTA) đều đang trong quá trình phục hồi ở mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang trong quá trình phục hồi theo mô hình chữ V.
Thứ hai là xu hướng sống chung với đại dịch, kể cả với chủng mới Omicron rất phức tạp. Nhiều nước cho thấy sự quyết tâm và không nao núng trong việc sống chung với đại dịch COVID-19 để bắt vào một giai đoạn bình thường mới trở lại.
Thứ ba, với tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và đại dịch COVD-19, các xu hướng mới đang dần định hình, ví dụ như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… Hiện Việt Nam đều đã tham gia rất tích cực vào các xu hướng này trong các diễn đàn đa phương và đang trong qua trình nội luật hóa nhiều nội dung.
“Việt Nam không bị lỡ nhịp, thậm chí đang bắt nhịp rất chính xác các xu hướng trên. Và vì vậy chúng ta hy vọng một cách thận trọng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn của các bộ ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp, đất nước sẽ đồng lòng, tận dụng tốt những cơ hội đang mở ra từ ba xu hướng đó để phục hồi nhanh, phát triển kinh tế xã hội ổn định, bền vững và tiếp tục thành công trong quá trình chống lại đại dịch COVID-19,” ông Vũ nhấn mạnh./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()