Năm 2020, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 42 tỷ USD
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.
PV : T hưa Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm 2019 được coi là một năm khó khăn thách thức đối với ngành nông nghiệp. Bộ trưởng có thể chia sẻ cụ thể với độc giả về những khó khăn thách thức đó?
Bộ t rưởng Nguyễn Xuân Cường :Ngay từ cuối năm 2018, chúng tôi đã nhận định năm 2019 là một năm rất khó khăn. Có ba thách thức lớn đối với ngành. Thứ nhất là dự báo trước tình hình nông sản cực kỳ khó khăn, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cùng một số nước khác nổi lên đe dọa đến thương mại một cách bình thường, nhất là mặt hàng nông sản. Khó khăn thứ hai là tác động biến đổi khí hậu cực đoan. Thứ ba là trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, chúng ta đi được những bước dài. Tuy nhiên, trong tổng thể sản xuất, sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn chiếm số lớn. Điều đó đe dọa đến an toàn, cạnh tranh và thực hiện các quy chuẩn của nông sản Việt Nam. Đây là ba vấn đề nổi lên rất khó khăn đối với ngành nông nghiệp trong năm qua.
PV : Có thể nói khó khăn thách thức đã vượt qua, với những giải pháp cũng như sự chủ động từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng có thể chia sẻ những kết quả ngành nông nghiệp đã đạt được trong năm 2019 vừa qua?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường:Những khó khăn đó đã diễn ra năm 2019 nhìn lại chúng ta thấy không chỉ khó khăn về hợp tác đầu tư mà một trong những khó khăn lớn nữa đó là những biến đổi khí hậu cực đoan. Tháng sáu năm 2019 đã xảy ra trận nóng lịch sử, có những nơi như Nghệ An nóng đến 42 độ. Bên cạnh đó là dịch tả lợn châu Phi, sâu keo mùa thu đã gây gây ra những bất lợi không nhỏ đối với ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, với sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị, sự đồng sức đồng lòng của các thành phần kinh tế từ doanh nghiệp, HTX đến bà con nông dân, chúng ta nhìn nhận lại năm 2019 đã có một kết quả tổng quan, mặc dù không toàn vẹn nhưng cũng rất tích cực. Tăng trưởng GDP trong hoàn cảnh tác động của dịch tả lợn châu Phi vẫn đạt mốc trên 2%, đây là cố gắng lớn.
Chỉ tiêu thứ hai, đó là xuất khẩu nông sản, trong bức tranh khó khăn về xuất khẩu nông sản chúng ta vẫn đạt 41,3 tỷ USD. Đây là một kết quả cao nhất từ trước đến nay. Ba là, mục tiêu xây dựng nông thông mới đã hoàn thành được 54% số xã tức là khoảng 4.800 xã. Và chỉ tiêu cuối cùng đó là hệ số che phủ rừng chúng ta đã đạt được 81,45% hệ số che phủ rừng. Có thể nói, nhìn chung kết quả năm 2019 là kết quả rất tích cực trong hoàn cảnh rất khó khăn.
PV: Để đạt được kết quả trên cần có sự chèo lái của người thuyền trưởng, tại kỳ họp thứ 8 của quốc hội khóa 14 vừa qua, Bộ trưởng được nhiều đại biểu đánh giá là người rất nhiều tâm huyết, người biết nhiều, đi nhiều và tham gia nhiều việc, vậy Bộ trưởng chia sẻ như thế nào về nhận định này?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường:Trước tiên xin cảm ơn sự đánh giá quan tâm đó của các đại biểu. Nhưng tôi phải khẳng định là chưa bao giờ nông nghiệp Việt Nam nhận được sự quan tâm đầy đủ của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đến tất cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cả các thành phần kinh tế tư nhân cho đến người dân như bây giờ. Tôi khẳng định như thế là bởi chưa bao giờ từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến Chủ tịch Quốc hội đi đâu, đến nước nào cũng nói về nông sản Việt Nam. Đó là sự quan tâm rất lớn. Thứ hai sự quan tâm của các thành phần kinh tế. Trong vòng ba năm mà số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng gấp hơn ba lần. Đấy là sự quan tâm bằng hiện thực. Mặt khác phải khẳng định, người nông dân Việt Nam ở tất cả các vùng miền rất sáng tạo. Tất cả sự cố gắng, quan tâm đó, biến thành hành động đã tạo lên một sức mạnh tổng thể để nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển ở một quy mô mới, hướng hội nhập sâu rộng và theo hướng tái cơ cấu ngày một có hiệu quả rất rõ nét trên từng trục sản phẩm, kể cả trục sản phẩm quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh và nhóm sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm).
PV: Như Bộ trưởng vừa nói, có thể thấy chưa bao giờ doanh nghiệp đầu tư lớn vào nông nghiệp như bây giờ, trong đó có sự tham gia của nhiều tập đoàn l ớ n, vậy theo Bộ trưởng đâu là sức hút của ngành nông nghiệp trong năm 2019 vừa qua?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường:Trước khi trả lời tôi xin được bày tỏ sự biểu dương và cảm ơn các doanh nghiệp đã tập trung cùng với bà con nông dân trở thành lực lượng hạt nhân trong chuỗi sản xuất cũng như là làm nòng cốt trong tái cơ cấu nông nghiệp của chúng ta. Có được điều này theo chúng tôi nhận định có mấy vấn đề. Một là qua hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã có hơn 70 nghìn doanh nghiệp, trong đó có một bộ phận doanh nghiệp nông nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn đã đủ điều kiện kể cả về quản trị, đủ tầm vóc về mặt tài chính, quan trọng hơn qua hơn 30 năm đổi mới đó đã đủ khát vọng để tổ chức thực hiện tốt những vấn đề trong nông nghiệp. Đó là vấn đề khó nhất mà trước đây chúng ta không có điều kiện làm được mà bây giờ các doanh nghiệp đủ điều kiện làm được điều đó.
Điểm thứ hai, rõ ràng thông qua đây để thấy rằng ở khu vực nông nghiệp còn nhiều tiềm năng lợi thế. Trong khu vực nông nghiệp, mặc dù xuất khẩu đến 40 tỷ USD đi 185 nước trên thế giới nhưng phải khẳng định dư địa còn rất lớn. Tại sao nói dư địa còn lớn vì tổng dư địa toàn cầu vào khoảng hơn 2.000 tỷ USD thì trong đó giá trị đẻ ra từ khâu chế biến, khâu thương mại còn rất nhiều. Việt Nam chúng ta xuất khẩu hơn 40 tỷ chỉ là xuất khẩu thô, do đó nếu chúng ta làm tốt khâu chế biến, khâu sản xuất chuỗi thì giá trị đẻ ra ngay từ khu vực này còn rất lớn. Cà phê hiện nay một năm chúng ta xuất khẩu 43,5 tỷ USD, nhưng bản thân chế biến chỉ có 11%, còn 89% đó là dư địa của chúng ta. Hay như chăn nuôi lợn cũng thế, hiện nay chế biến chưa có một chuỗi giá trị, như vậy ở lĩnh vực này vẫn còn chuỗi ngành hàng, đó là dư địa của chăn nuôi. Chính vì thế chúng tôi đánh giá nguyên nhân thứ hai là bản thân các doanh nghiệp cũng đã nhìn thấy nếu làm tốt chuỗi, tập trung chế biến, tổ chức thương mại thật tốt, đúng theo thiết chế hạ tầng của thời đại chắc chắn sẽ tìm ra dư địa ở đó.
Thứ ba là các chủ trương chính sách của chúng ta đã đủ lực, đủ sức để kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc. Trong tất cả 63 tỉnh, thành phố, địa phương nào cũng liên tục mời gọi các nhà đầu tư. Chúng tôi theo dõi ba năm qua tất cả các xúc tiến đầu tư đều dành một phần quan trọng trong xúc tiến đầu tư của lĩnh vực nông nghiệp. Kể cả TP Hồ Chí Minh, hiện nay GDP nông nghiệp chỉ còn 0,6 % nhưng cũng rất coi trọng và cầu thị mời doanh nghiệp vào tập trung cùng bà con nông dân làm nông nghiệp mới. Đấy chính là sức hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
PV: Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt được một con số khá ấn tượng, trong đó không thể không kể đến sự đóng góp của ngành lâm nghiệp. Vậy, Bộ trưởng có thể cho biết những đánh giá của mình đối với ngành lâm nghiệp trong năm vừa qua?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường:Trước hết phải nói, nhìn vào ngành lâm nghiệp chúng ta có thể tự hào, bởi trong một năm không dài chúng ta đã làm được ba mục tiêu lớn. Một là đã đưa hệ số che phủ của Việt Nam lên hệ số xấp xỉ 42%. Đây là hệ số được đánh giá rất cao. Đối với một đất nước đi ra từ chiến tranh sau năm 1975, độ che phủ rừng do tổn thất của chiến tranh của chúng ta rất thấp, với một quy mô kinh tế mà GDP bình quân đầu người của chỉ khoảng 2.600 USD/đầu người. Suốt thời gian qua, chúng ta kiên trì phát triển kinh tế, đồng thời chăm lo đến phát triển bền vững, mà một trong những nội dung phát triển bền vững đó là tập trung phát triển rừng, chúng ta đã có hệ số che phủ xấp xỉ 42%. Đây là một tỷ lệ cao nhất trong khu vực bình quân. Vì châu Á hiện nay chúng ta cũng chỉ có 29% và thế giới cũng chỉ xấp xỉ 26-28%. Cùng với đó, chúng ta tập trung hình thành một ngành kinh tế lâm nghiệp, từ chỗ rừng Việt Nam chỉ tận dụng cây củi và một số lâm, thổ sản khác bây giờ đã trở thành một ngành kinh tế. Một trọng điểm ngành kinh tế rõ nét nhất là một năm chúng ta đã khai thác gỗ ở gần bảy triệu ha rừng trồng kinh tế, gần 20 triệu m3 gỗ để làm nguyên liệu cho một ngành kinh tế chế biến gỗ. Năm nay, đã đạt con số 11,3 tỷ USD.
Thứ ba chúng ta đã tạo công ăn việc làm cho gần 20 triệu lao động vừa bán thời gian, vừa toàn thời gian. Đây cũng là một trong những cố gắng rất lớn. Do đó, chúng tôi đánh giá ngành kinh tế lâm nghiệp của chúng ta đã có một cố gắng vượt bậc để bảo đảm ba trục: Một là kinh tế, hai là về môi trường và ba là an sinh xã hội. Có thể nói đây là ngành tiên phong trong khối nông nghiệp hiện nay bảo đảm được ba trụ cột đi song hành như vậy.
PV: 41 tỷ USD là con số cán mốc kim ngạch xuất khẩu năm 2019, vậy con số kỳ vọng của năm 2020 của ngành nông nghiệp là gì? Bộ dựa vào cơ sở nào để đưa ra mục tiêu đó thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nếu nói về khát vọng chúng ta phải khát vọng xuất khẩu cao hơn con số 41 tỷ USD. Mặc dù vậy, chúng ta có thể dự đoán năm 2020 là một năm nhiều thách thức. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 chính thức giao cho ngành kim ngạch xuất khẩu năm 2020 là 41,5 đến 42 tỷ USD, ngành xác định sẽ bàn và giao cho các đơn vị phối hợp các địa phương các thành phần kinh tế phải phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu thấp nhất từ 42 tỷ trở lên. Đây là một quyết tâm của ngành, mặc dù mục tiêu này sẽ khó và trong một bức tranh chung toàn cầu cạnh tranh khốc liệt về thị trường nông sản, nhưng chúng tôi nghĩ với một quyết tâm cao nhất, đồng bộ cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và người dân chúng ta cố gắng để bảo đảm con số tối đa trong điều kiện cho phép. Tôi mong các cơ quan truyền thông vào cuộc cùng bà con nông dân và ngành nông nghiệp làm tốt hơn để đạt hiệu quả cao nhất.
PV: Bộ trưởng có nhận định như thế nào về năm 2020 và xa hơn nữa là kế hoạch trong năm năm tiếp theo. Mục tiêu, hướng đi, cũng như những đột phá mà ngành muốn hướng tới trong thời gian tới như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước hết phải xác định năm 2020 lại tiếp tục là năm khó khăn cho ngành nông nghiệp. Một là tác động biến đổi khí hậu hiện hữu ngay từ đầu năm đã có sự tác động cực đoan. Năm nay, ngay từ đầu năm chúng ta phải đối mặt với hạn mặn của phía bắc. Hiện nay, ba hồ nước lớn là Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình thiếu nước trầm trọng, bình quân lượng nước chỉ đạt từ 40-55%. Toàn bộ miền trung thiếu nước, vùng đồng bằng sông cửu Long dự báo là sẽ hạn mặn gay gắt ngay từ tháng 9-2019. Thứ hai là dịch tả lợn châu Phi tuy xuống đáy nhưng vẫn không phải là an toàn. Bên cạnh đó, sâu keo mùa thu năm ngoái đã xuất hiện tại 14 tỉnh, năm nay cũng phải tiếp tục đề phòng dịch bệnh có thể quay trở lại. Mặt khác, thị trường nông sản vẫn tiếp tục phải đối mặt với chiến tranh thương mại toàn cầu. Trong đó, có biểu hiện các quốc gia quay trở lại muốn phát triển nông sản tại chỗ. Đây là một áp lực cho các nước xuất khẩu trong đó có Việt Nam. Do đó, chúng tôi xác định năm 2020 sẽ là một năm tiếp tục khó khăn với ngành nông nghiệp.
PV: Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng có lời chúc như thế nào đối với người nông dân trong năm 2020?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường:Nhân dịp đầu xuân năm mới, thay mặt ngành nông nghiệp chúc bà con nông dân đón một cái Tết Canh Tý với một tâm thế tự tin, tin tưởng vào thành quả mà ta đã đạt được vào năm 2019 để vững tin có một quyết tâm cao hơn, thực hiện mục tiêu năm 2020. Chúc bà con nông dân một năm tiếp tục được mùa để có một đời sống ấm no, có một vùng nông thôn đẹp. Chúc cho các độc giả cả nước, cả xã hội có sự quan tâm hơn đến nông nghiệp để chúng ta có một nền kinh tế phát triển trong đó có trụ cột nông nghiệp phát triển, tạo ra yếu tố bền vững chung cho đất nước.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Ý kiến ()