Năm 2020 - Năm khởi động chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam
Việt Nam đã có một năm 2020 khởi động mạnh mẽ chuyển đổi số trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, tiến tới xây dựng một Việt Nam số.
Năm 2020, thế giới chịu tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19. Nhưng ở khía cạnh khác, dịch COVID-19 đã đem đến cơ hội đặc biệt thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: COVID-19 là cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia và cũng là “cú huých” trăm năm của chuyển đổi số.
Do vậy, ngành Thông tin và Truyền thông phải nắm bắt cơ hội này để bứt phá, vươn lên, dẫn đầu chuyển đổi số quốc gia. Việt Nam đã có một năm 2020 khởi động mạnh mẽ chuyển đổi số trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, tiến tới xây dựng một Việt Nam số.
Đột phá công nghệ Make in Viet Nam
Từ đầu năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch để thúc đẩy các đơn vị nhanh chóng tiến hành số hóa và tiến tới chuyển đổi số, đồng thời kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam.
Chương trình giới thiệu, bảo trợ cho những sản phẩm công nghệ Make in Viet Nam được Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện đều đặn vào thứ 6 hàng tuần đã giới thiệu gần 40 sản phẩm, nền tảng công nghệ số Make in Viet Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, Make in Viet Nam là một khẩu hiệu hành động, là thúc giục tinh thần thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam. Chuyển từ làm gia công phần mềm, lắp ráp chi tiết sang xây dựng và phát triển sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh.
Sự ra đời của chương trình Make in Viet Nam thể hiện khát vọng và tự hào Việt Nam nói chung và cộng đồng công nghệ thông tin nói riêng.
Trong quá trình chuyển đổi số, thuận lợi của Việt Nam là có những doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn, có hạ tầng rộng khắp toàn quốc, đặc biệt với sự phát triển mạng 5G tạo nền tảng thúc đẩy cho chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao để tạo ra những hạ tầng mang tính nền tảng cho quá trình chuyển đổi số trong những lĩnh vực cơ bản.
Để chuyển đổi số nhanh chóng, hướng đi của các đơn vị là dựa trên các nền tảng công nghệ thông tin sẵn có Make in Viet Nam. Phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng cho ngành công nghệ trong giai đoạn tới.
Trên con đường chuyển đổi số, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam cần bắt tay nhau nhưng phải có sự phân vai rõ ràng. Các tập đoàn công nghệ lớn với nguồn lực mạnh tập trung phát triển hạ tầng và các nền tảng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động, kết nối kinh doanh và đổi mới sáng tạo. Đây là cách để tạo ra hệ sinh thái ứng dụng và dịch vụ đa dạng, bền vững, với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau.
Ông Hà Thế Phương, Phó Giám đốc Công ty cổ phần An ninh An toàn thông tin CMC, Tập đoàn công nghệ CMC chia sẻ để thúc đẩy chuyển đổi số, CMC xác định 2 hướng đi chính. Thứ nhất là tư vấn chuyển đổi số nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu về chuyển đổi số như số hóa, đưa những sản phẩm dịch vụ truyền thống lên môi trường mới hơn, mở hơn như điện toán đám mây (cloud).
Thứ 2 là nghiên cứu, phát triển để tạo ra những sản phẩm mới hợp thời với môi trường chuyển đổi số. Không chỉ tạo ra những sản phẩm để bán mà CMC tạo ra những dịch vụ phần mềm để những cá nhân, tổ chức có thể thuê dịch vụ phần mềm. Đâu là hướng giải quyết giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ vấn đề về không đủ nguồn lực và chi phí làm công nghệ mà vẫn có thể chuyển đổi số nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm, an toàn và bền vững.
Điểm nổi bật trong năm 2020 là để đối phó với dịch COVID-19, ngành công nghệ thông tin đã nhanh chóng phối hợp với các ngành khác để tạo ra những sản phẩm công nghệ số phòng, chống COVID-19 và chuyển đổi cuộc sống sang trạng thái bình thường mới.
Từ các ứng dụng như Ncov, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ nhanh chóng được các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam nhanh chóng phát triển và ứng dụng rộng rãi… Việt Nam nằm trong Top đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời COVID-19 nhờ việc làm chủ hoàn toàn công nghệ.
Ngoài ra, phong trào Make in Viet Nam đã thúc đẩy các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng làm chủ tới 90% hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam.
Những công ty công nghệ lớn của Việt Nam đã giới thiệu những sản phẩm công nghệ Việt có chất lượng ngang tầm thế giới để cộng đồng doanh nghiệp, người dân có thể lựa chọn sử dụng. Tinh hoa, trí tuệ của người Việt đang phục vụ người Việt và vươn ra phục vụ thế giới.
Toàn dân chuyển đổi số
Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam từng chia sẻ chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà quan trọng hơn là chuyển đổi về tư duy thiết kế và nội dung chính sách ở cả tầm vĩ mô và vi mô.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020. (Ảnh: PV/Vietnam )
Để hỗ trợ chuyển đổi số, Chính phủ sẽ tích cực hoàn thiện thể chế, pháp luật và xây dựng, triển khai các chiến lược phù hợp, cơ chế, chính sách thông thoáng, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh chuyển đổi số, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số cần đi tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi nền kinh tế số để thực hiện khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, chuyển đổi số không chỉ nâng cao năng suất, nâng cao hiệu quả mà nó còn thay đổi mô hình quản lý tạo ra giá trị, cung cấp dịch vụ mới.
Tại Việt Nam, “cú huých” chuyển đổi số tác động đến mọi thành phần, từ các cơ quan nhà nước tới các doanh nghiệp, từ người dân đến các tổ chức, đơn vị chính quyền.
Ở chiều ngược lại, chính nhu cầu mới đã đặt ra những “bài toán công nghệ mới” để cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin thực hiện, từ đó kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các giải pháp chuyển dịch số, hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi số.
Để thích nghi, tồn tại và phát triển, tất cả các doanh nghiệp phải nhanh chóng triển khai chuyển số. Trước khi COVID-19 bùng phát, chỉ 20% doanh nghiệp để ý đến chuyển đổi số. Sau 6 tháng, hơn 70% doanh nghiệp chú ý đến quá trình này và trên 50% doanh nghiệp đang thực hiện.
Sự dịch chuyển từ không gian thực lên không gian số đang diễn ra tại Việt Nam. Sự dịch chuyển này là mới, là một chặng đường dài, chưa có tiền lệ. Vì thế, doanh nghiệp phải đi cùng nhau và phải kết nối.
Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia, nghĩa là công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, nghĩa là giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người.
Theo Tiến sỹ Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), tại Việt Nam quá trình chuyển đổi số đang ở bước khởi đầu nên chúng ta phải hành động, kết nối cùng nhau, chia sẻ cùng nhau, khai thác tối đa sức mạnh của những tiến bộ công nghệ để tạo gia những giá trị mới cho xã hội, cho đất nước.
Chuyển đổi số mang đến nền kinh tế số với những giá trị mới, tạo ra xã hội số giúp mỗi người bình đẳng tiếp cận dịch vụ mới. Cơ hội chuyển đổi số mang lại là vô cùng lớn, mở ra những cơ hội trăm năm có một đối với sự thay đổi của thế giới, của mỗi quốc gia. Để thúc đẩy quá trình này, cần sự nỗ lực của cả xã hội chung tay thực hiện chuyển đổi số quốc gia./.
Ý kiến ()