Năm 2019, tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu người
Trong năm 2019, trên 1,655 triệu người lao động đã được giải quyết việc làm, đạt 103,5% kế hoạch năm 2019 và tăng 0,4% so với năm 2018.
Các phiên giao dịch việc làm là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường lao động. |
Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong năm 2019, tạo việc làm trong nước khoảng 1,508 triệu người; lao động đi làm việc ở nước ngoài là trên 147.000 người. Tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị giảm còn khoảng 3,12%.
So với cùng kỳ năm trước, số người có việc làm tăng lên, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, tỉ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm mạnh; tỉ lệ thiếu việc làm giảm dần. Các tỉnh, thành phố thuộc các vùng kinh tế trọng điểm vẫn tiếp tục phát huy lợi thế, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, tạo được nhiều việc làm cho người lao động.
Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường lao động; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động, kết nối cung-cầu lao động trên thị trường. Triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động trong độ tuổi thanh niên, lao động là người khuyết tật, lao động nông thôn, lao động di cư, lao động là người dân tộc thiểu số, phụ nữ…
Bên cạnh đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm; tổ chức sàn giao dịch, chợ việc làm với tần suất tăng và hình thức tổ chức đa dạng, phong phú.
Trong năm 2019, Quỹ quốc gia về việc làm đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 90.000 người lao động. Cả năm 2019 các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước tổ chức được 1.233 phiên giao dịch việc làm, trung bình có khoảng 25-30 doanh nghiệp, 300-400 lượt lao động tham gia trong một phiên giao dịch.
Số lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm tại các trung tâm đạt gần 3 triệu lượt người, trong đó trên 1 triệu lượt người được tuyển dụng, chiếm 33,5% tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Ngoài hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công lập, cả nước có 232 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.
Trong 4 năm qua, Việt Nam đã đưa trên 550.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt 10% và “về đích” trước một năm so với kế hoạch 5 năm về xuất khẩu lao động. Để đạt được kết quả này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã duy trì và phát triển thị trường lao động ngoài nước; mở nhiều thị trường mới, tiềm năng ở khu vực châu Âu, ký Bản ghi nhớ về phái cử lao động kỹ năng đặc định sang Nhật Bản. Thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường tuyển dụng, đào tạo, tạo nguồn lao động từ khu vực Tây Nam Bộ.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, năm 2020, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động; tăng nhanh tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đồng thời, tạo lập đầy đủ, đồng bộ các yếu tố và điều kiện cơ bản để thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của thị trường lao động, hình thành một thị trường lao động hiện đại, thông suốt và hội nhập, đi đôi với tăng cường, nâng cao vai trò của nhà nước trong việc quản lý, điều tiết cung-cầu trên thị trường. Đặc biệt, chú trọng công tác dự báo, cung cấp thông tin, kết nối cung-cầu nhân lực trong cả nước gắn với thị trường lao động quốc tế và khu vực ASEAN.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()