Năm 2019, EVN đạt và vượt nhiều chỉ tiêu trong hoạt động sản xuất kinh doanh
Hệ thống điện gần như không có dự phòng về nguồn điện
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết, năm 2019, nhu cầu phụ tải điện tiếp tục tăng cao, nhất là thời điểm nắng nóng, trong khi hệ thống điện gần như không có dự phòng về nguồn điện, nên đã phải huy động cao các nguồn điện chạy dầu (xấp xỉ 1,8 tỷ kWh).
Việc cung ứng nhiên liệu ngày càng khó khăn, trong đó các nguồn khí không đáp ứng đủ theo năng lực các nhà máy điện và tiếp tục suy giảm;việc cung ứng than trong nước tại nhiều thời điểm không đáp ứng nên phải giảm công suất, thậm chí dừng một số tổ máy. Tình hình khô hạn xảy ra ở hầu hết các khu vực, lượng nước về các hồ thủy điện ở mức rất thấp, đặc biệt nước về các hồ thủy điện trên bậc thang sông Đà thấp nhất trong 30 năm qua.
Cùng với đó, công tác đầu tư xây dựng các dự án điện gặp nhiều vướng mắc do các qui định hiện hành còn thiếu đồng bộ, công tác thu xếp vốn gặp khó khăn. Công tác giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ các dự án…
Tuy nhiên với sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ và các bộ ngành, sự quyết liệt, hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, EVN đã vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đó là bảo đảm cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển KT-XH của đất nước và phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
EVN rất nỗ lực trong việc bảo đảm cung ứng điện cho phát triển KT – XH của đất nước và đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. |
Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN năm 2019 đạt 231,1 tỷ kWh tăng 8,85% so với năm 2018, trong đó điện sản xuất các nhà máy điện của Công ty mẹ EVN là 41,55 tỷ kWh. Điện thương phẩm năm 2019 đạt 209,42 tỷ kWh, tăng 8,87% so với năm 2018, trong đó điện thương phẩm nội địa ước đạt 207,7 tỷ kWh, tăng trưởng 8,65% (miền Bắc tăng 8,9%, miền Trung tăng 9,3%, miền Nam tăng 8,3%). Các Tổng công ty Điện lực miền Trung và TPHCM vượt kế hoạch điện thương phẩm năm 2019.
Hoạt động chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện, thị trường điện đã bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác tối ưu các nguồn điện trong hệ thống. Các nhà máy thuỷ điện đã đảm bảo phát điện, đáp ứng tốt nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn và dân sinh, trong đó đã cấp 4,41 tỷ m3 nước phục vụ gieo vụ Đông Xuân 2018-2019 cho đồng bằng và trung du Bắc Bộ.
Công tác dịch vụ khách hàng tiếp tục có chuyển biến tốt, đã cung cấp dịch vụ điện trực tuyến trên cổng Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các địa phương, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm ASEAN 4. Trong đó các chỉ tiêu về dịch vụ khách hàng đều đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch như thu tiền điện đạt trên 99,7%; thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt 46,54% về số lượng khách hàng vượt 3,06% so với yêu cầu tại Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ; thời gian cấp điện lưới trung áp là 3,84 ngày; mức độ hài long khách hàng sử dụng điện bình quan toàn EVN đạt 8,3 điểm, tăng 0,19 điểm so với năm 2018…
Một số chỉ tiêu hoàn thành trước 1-2 năm so với lộ trình kế hoạch 5 năm
Cụ thể, về hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng, tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2019 ước đạt 393.230 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2018, trong đó doanh thu bán điện là 387.675 tỷ đồng, tăng 16,4%. Tiết kiệm chi phí trong sản xuất kinh doanh được 1.524 tỷ đồng (tương đương 7,5% chi phí định mức; tiết kiệm thông qua đấu thầu khoảng 13.266 tỷ đồng (gồm cả chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí đầu tư) tương ứng tiết kiệm 16,4%.
Tổn thất điện năng ước đạt 6,5% thấp hơn 0,2% so với kế hoạch và vượt trước 1 năm so với lộ trình của kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao. Các đơn vị về đích sớm 1 năm so với lộ trình kế hoạch 5 năm gồm: Tổng công ty Điện lực TPHCM, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực miền Trung và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia.
Độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được cải thiện so năm 2018, trong đó thời gian mất điện khách hàng bình quân (SAIDI) của toàn Tập đoàn là 648,5 phút, giảm 11% so với năm 2018 (724 phút). So với mục tiêu kế hoạch 5 năm, EVNHCMC về đích sớm 2 năm, EVNHANOI và EVNCPC về đích sớm 1 năm.
Năng suất lao động SXKD điện đạt 2,41 triệu kWh/người, tăng 10% so với năm 2018. Các Tổng công ty Điện lực trực thuộc EVN đều đạt và vượt năng suất lao động kế hoạch được giao, trong đó EVNHCMC về đích sớm 1 năm so với lộ trình kế hoạch 5 năm.
Về hiệu quả tài chính, EVN đã bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước, tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến cuối năm 2019 là 712.678 tỷ đồng (tăng 6.174 tỷ đồng so với năm 2018), trong đó vốn chủ sở hữu là 219.092 tỷ đồng (tăng 1.646 tỷ đồng); hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 2,25 lần, tỉ lệ tự đầu tư 30,7%; lợi nhuận Công ty mẹ – EVN ước đạt 950 tỷ đồng đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao; các Tổng công ty trực thuộc đều có lợi nhuận đạt kế hoạch. Giá trị nộp ngân sách năm 2019 của toàn Tập đoàn là 27.200 tỷ đồng, tăng 2.089 tỷ đồng so với năm 2018.
Cùng với đó, EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư các dự án điện được giao, đã hoàn thành nhiều dự án quan trọng góp phần nâng cao năng lực hạ tầng cung cấp điện
Năm 2019, công tác đầu tư tiếp tục gặp nhiều khó khăn vướng mắc, nhưng Tập đoàn và các đơn vị rất nỗ lực và thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tiến độ các dự án, đặc biệt dự án phục vụ cấp điện mùa khô, truyền tải công suất các nguồn điện. Cụ thể, đưa vào phát điện trên 1300 MW nguồn điện, khởi công nhiều dự án điện mặt trời và hoàn thành việc chuẩn bị đầu tư nhiều dự án khác. Trong năm 2019, EVN cũng đã khởi công 196 công trình và hoàn thành 192 công trình lưới điện 110-500 kV.
Đến nay, EVN đã cung cấp điện cho 100% số xã và 99,25% số hộ dân nông thôn, đạt mục tiêu hầu hết số hộ dân nông thôn có hiệu lực theo Nghị quyết củ Đảng đặt ra đến năm 2020.
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()