Năm 2018, TKV nộp ngân sách 16.000 tỷ đồng
Sáng 9/1 tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Quảng Ninh và khoảng hơn 300 cán bộ, công nhân ngành than- khoáng sản tham dự.
Theo Báo cáo của TKV, kết quả khai thác 2 sản phẩm chủ lực là than và alumin tăng trưởng rất ấn tượng.
Sản xuất than nguyên khai đạt 36,95 triệu tấn. Than thương phẩm đạt 35,96 triệu tấn (đạt 107 % kế hoạch). Than tiêu thụ đạt 40,5 triệu tấn, tăng 4,5 triệu tấn so với kế hoạch; tăng 5,5 triệu tấn so với thực hiện 2017. Trong đó, tiêu thụ trong nước đạt 38,7 triệu tấn, xuất khẩu đạt 1,8 triệu tấn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tới dự hội nghị. |
Sản xuất alumin (quy đổi) đạt 1,31 triệu tấn, tăng trên 170.000 tấn so với thực hiện năm 2017. Nhà máy alumin Tân Rai và Nhân Cơ đều vượt công suất thiết kế, trong đó, Tân Rai sản xuất 673.000 tấn/650.000 tấn. Nhà máy Nhân Cơ sản xuất 652.000 tấn/650.000 tấn năm. Tiêu thụ alumin đạt 1,3 triệu tấn (đạt 107 % kế hoạch).
Cùng với đó, sản lượng điện do TKV sản xuất đạt 9,4 tỷ Kwh (chiếm khoảng gần 5% sản lượng điện cả nước).
Về các chỉ tiêu tài chính, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 121.700 tỷ đồng, bằng 107 % kế hoạch. Trong đó, doanh thu sản xuất than đạt 62.260 tỷ đồng bằng 110 % kế hoạch và tăng 8 % so năm 2017; khoáng sản đạt 18.250 tỷ đồng bằng 110 % kế hoạch và tăng 44% so năm 2017 (trong đó sản phẩm alumin tăng 67 % do sản lượng và giá bán tăng)…Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 780 triệu USD, tăng 36% so với kế hoạch.
Lợi nhuận của Tập đoàn đạt trên 4.000 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với kế hoạch và tăng 1.000 tỷ đồng so với thực hiện 2017. Nộp ngân sách nhà nước 16.000 tỷ đồng (tăng 1.200 tỷ đồng so với năm 2017);
Trong năm 2018, nhiều công trình trọng điểm có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia được triển khai. TKV đã khởi công dự án khai thác than lộ thiên Bắc Bàng Danh – Công ty than Hà Tu; dự án hầm lò mỏ Khe Chàm III (công suất 2,5 triệu tấn/năm); dự án khai thác mỏ đồng Tả Phời (công suất 1 triệu tấn/năm); dự án Nhà máy tuyển đồng Tả Phời (công suất 1 triệu tấn/năm); tái khởi động lại dự án Crom Cổ Định Thanh Hoá, …
Công tác tái cơ cấu doanh nghiệp được triển khai quyết liệt và có hiệu quả rõ rệt. TKV đã hoàn thành thoái vốn, giảm tỉ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ, thu về 235,88 tỷ, thặng dư 26,2 tỷ đồng. Đồng thời, sáp nhập, chuyển đổi một số doanh nghiệp như sáp nhập Công ty than Hồng Thái vào Công ty Than Uông Bí, Công ty Kho vận Hòn Gai vào Công ty Tuyển than Hòn Gai; hoàn thành hợp nhất Công ty XDM hầm lò 1 và Công ty XDM hầm lò II;…
Đáng chú ý, trong một vài năm qua, TKV đã giảm mạnh số lao động dôi dư, đồng thời ứng dụng nhiều công nghệ mới trong khai thác than, khoáng sản, từ đó nâng cao năng suất lao động và thu nhập người lao động.
Lãnh đạo TKV báo cáo tổng kết nhiệm vụ năm 2018. |
Theo báo cáo, từ năm 2012 đến nay, lực lượng lao động của TKV đã giảm gần 25.000 lao động. Tổng số lao động theo danh sách đến hết ngày 31/12/2018 là 98.600 người (giảm 6.000 người so với năm 2017). Lương bình quân đạt 10,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 11,9% so với năm 2017. Đây là lần đầu tiên thu nhập của người lao động TKV đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng.Năng suất lao động tăng 15,8% so năm 2017.
Bên cạnh đó, TKV cũng đã triển khai các biện pháp đồng bộ về quản trị nội bộ như: Kiện toàn mô hình quản lý, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; tích cực triển khai áp dụng cơ giới hóa trong khai thác mỏ; hoàn thiện cơ chế quản lý về tăng năng suất, giảm giá thành; nâng cao chất lượng lao động…
Tuy nhiên, Tập đoàn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất, kinh doanh.
Đó là nhu cầu thị trường tiêu thụ than, khoáng sản trong nước tiếp tục tăng cao, trong khi năng lực sản xuất than của các mỏ hiện nay đã đến giới hạn. Điều kiện khai thác mỏ, nhất là than, ngày càng khó khăn hơn do tài nguyên xuống sâu hơn. Chất lượng than trong nước chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của các nhà máy nhiệt điện sử dụng công nghệ mới.
Công tác tuyển dụng lao động thợ lò ngày càng khó khăn do sức thu hút của ngành nghề kém hấp dẫn,… ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu sản xuất, tiêu thụ và việc làm của người lao động.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()