Năm 2018, cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc thực hiện Nghị quyết số 19/2014/NQ-CP ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sau 4 năm đã thu về kết quả khá tích cực.
Những con số thống kê triển khai Nghị quyết
Về mặt chính sách, ngày 06/02/2017, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành. Đáng chú ý, sau 4 năm triển khai thực hiện, đa phần các chỉ số có sự cải thiện về điểm DTF (điểm tuyệt đối) và thứ hạng; 3 chỉ số (gồm Tiếp cận điện năng, Bảo vệ nhà đầu tư, và Nộp thuế) có mức độ cải thiện tốt nhất. Tuy nhiên, 2 chỉ số (gồm Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản và Giải quyết phá sản doanh nghiệp) không có cải thiện, giảm điểm và tụt hạng. Đồng thời, 2 chỉ số (gồm Khởi sự kinh doanh và Giải quyết phá sản doanh nghiệp) đứng cuối bảng xếp hạng.
Cũng theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), giao dịch thương mại qua biên giới có cải thiện, nhưng do từ năm 2015 phương pháp tính chỉ số này được điều chỉnh nên thứ hạng chỉ số này năm 2017 thấp hơn năm 2014. Số lượng thủ tục nhiều, thời gian thực hiện dài và do vậy thứ hạng khởi sự kinh doanh thấp và liên tục giảm trong 3 năm gần đây. Tiếp cận điện năng liên tiếp tăng điểm và tăng hạng nhờ thực hiện cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian, tăng độ tin cậy cung ứng điện và vận hành hệ thống giám sát năng lượng.
TS Nguyễn Đình Cung phân tích thêm, việc cấp phép xây dựng có thứ hạng tốt do chỉ số đo lường quy định về chất lượng xây dựng đạt 12/15 điểm. Tuy nhiên, số bước thủ tục còn nhiều (10 bước) và thời gian còn dài. Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản không có thay đổi, cải cách nào được ghi nhận trong những năm qua.
Tuy nhiên, chỉ số Tiếp cận tín dụng được cải thiện và ở thứ hạng tốt nhờ mở rộng phạm vi tài sản giao dịch bảo đảm; chỉ số thông tin tín dụng đạt 7/8 điểm (số lượng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp lưu trữ trong kho dữ liệu của trung tâm thông tin tín dụng so sánh với tỷ lệ dân số trưởng thành).
Đặc biệt, việc nộp thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH) có mức cải thiện tốt, tăng tới 87 bậc, với những cải cách về quy định và thủ tục nộp thuế và việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng giao dịch điện tử trong thủ tục BHXH.
Hơn nữa, bảo vệ nhà đầu tư tăng điểm và tăng bậc nhờ những thay đổi của Luật Doanh nghiệp 2014 theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền lợi của cổ đông thiểu số. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn còn ở thứ hạng thấp, chủ yếu do quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp giữa cổ đông và người quản lý trong công ty tại tòa án. Nội dung này thuộc pháp luật về dân sự và tố tụng dân sự.
Giao dịch thương mại qua biên giới cải thiện với những ghi nhận về cải cách thủ tục hải quan, thực hiện hải quan điện tử và rút ngắn thời gian thực hiện một số thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tuy vậy, thứ hạng chỉ số này vẫn ở mức thấp do những cải cách về quản lý chuyên ngành còn chậm và chưa đồng đều.
Giải quyết tranh chấp hợp đồng tuy tăng bậc trong 3 năm gần đây, nhưng không có thay đổi nào về điểm số. Giải quyết phá sản doanh nghiệp nhiều năm không có cải thiện đáng kể, thời gian kéo dài (5 năm), chất lượng quy định pháp lý còn hạn chế (7,5/16 điểm) và ở vị trí cuối bảng xếp hạng. Mặc dù Luật Phá sản 2014 tiếp cận theo thông lệ quốc tế (như quy định về quản tài viên, áp dụng tuyên bố phá sản theo thủ tục rút gọn,…), nhưng chủ yếu tập trung vào xử lý phá sản, chưa chú trọng tới phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
TS Nguyễn Đình Cung. (Ảnh: P.V) Theo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI), năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 0,1 điểm và 5 bậc (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137). Theo ông Cung, kết quả này đạt được bởi 5/12 chỉ số trụ cột tăng điểm, 6/12 chỉ số trụ cột tăng bậc (với 32/114 chỉ số thành phần vừa tăng điểm và tăng bậc, 24/114 chỉ số thành phần tăng hạng nhưng điểm số không đổi hoặc tăng điểm nhưng thứ hạng không đổi).
Trong khi đó, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam ở vị trí 47/127, tăng 12 bậc so với vị trí thứ 59 năm 2016.
Đáng chú ý, xếp hạng tín nhiệm được nâng lên. Trong năm 2017, 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập gồm Moondy’s, Standards and Poor’s và Fitch đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam năm 2016 từ mức ổn định lên mức tích cực. Cải cách quy định về đăng ký kinh doanh đạt một số kết quả, chuyển động tích cực, nhưng không đồng đều về quy mô, tốc độ và tính quyết liệt. Theo mục tiêu Chính phủ đặt ra phải cắt giảm 1/3 đến 1/2 số đăng ký kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý của các Bộ. Tuy nhiên, kết quả còn chưa đồng đều giữa các bộ, ngành. Cụ thể, Bộ Công Thương, về cơ bản đã bãi bỏ, sửa đổi khoảng 1/2 số đăng ký kinh doanh.
Bộ Xây dựng đã có Dự thảo trình Chính phủ nhưng mới đề xuất bãi bỏ 05 ngành, nghề không thuộc Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; bãi bỏ 4 ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cùng 89 điều kiện (41,3%); đơn giản hóa 94 (43,7%); giữ nguyên 32 điều kiện (15%) tổng số 215 điều kiện kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thì đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 đăng ký kinh doanh (gồm bãi bỏ 65 và sửa đổi 53 đăng ký kinh doanh), chiếm 34,2% trong tổng số 345 đăng ký kinh doanh thuộc 33 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ nhưng vẫn chưa có phương án sửa đổi cụ thể đối với các đăng ký kinh doanh sửa đổi.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thì đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 51 đăng ký kinh doanh (đạt 16%), nhưng chưa có phương án sửa đổi cụ thể đối với các đăng ký kinh doanh sửa đổi.
Bản thân các địa phương cũng chú trọng hơn tới các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, hoạt động đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp được thực hiện tương đối thường xuyên ở các địa phương. Hầu hết các địa phương đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến. Có thể thấy nổi lên một số mô hình Trung tâm hành chính công hiệu quả ở Quảng Ninh, Thái Bình, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Bình Dương… hoặc chú trọng cải thiện các yếu tố ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế kết hợp thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ với cải thiện chỉ số năng lực cấp tỉnh ở Quảng Ninh, Hà Nội, Cần Thơ… hay cấp thẻ điện tử doanh nghiệp ở Thừa Thiên – Huế.
Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh một cách hiệu quả
Viện trưởng CIEM khẳng định, mặc dù mục tiêu đặt ra về cải thiện môi trường kinh doanh của nước ta là cao, nhưng chúng ta thấy ở đó tính khả thi, cụ thể, đo lường được; giải pháp cụ thể, trách nhiệm rõ ràng. Sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng là cụ thể, quyết liệt, nhất quán, thường xuyên và liên tục. Không chỉ có Nghị quyết 19 mà Nghị quyết 01 và nhiều Nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường kinh doanh nữa. Thêm nữa, nhờ thường xuyên theo dõi, có đánh giá khách quan, độc lập và định kỳ hàng quý báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ mà kết quả càng được giám sát chặt chẽ. Đã có kết quả rõ nét, khác biệt so với trước và có tác động tích cực thực sự đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, niềm tin của doanh nghiệp của thị trường tăng lên; chất lượng môi trường kinh doanh quốc gia và địa phương cải thiện hơn. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn chắc chắn góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.
Bên cạnh những kết quả tích cực, TS Cung cũng thẳng thắn chỉ ra, kết quả đạt được còn khá xa so với mục tiêu, đó là: chưa đạt được trung bình ASEAN 4 về môi trường kinh doanh, số đăng ký kinh doanh bãi bỏ còn thấp so với mục tiêu bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số đăng ký kinh doanh hiện hành. Một số bộ còn gộp số bãi bỏ và sửa đổi để đánh giá hoàn thành mục tiêu; số bãi bỏ thấp xa so với yêu cầu; sửa đổi là chủ yếu. Số hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan mới giảm được 10 điểm %; so với mục tiêu đề ra là phải giảm được ít nhất 20 điểm %; số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành giảm chưa đáng kể so với mục tiêu là giảm ít nhất 1/2 Danh mục hàng hóa (không phải là nhóm hàng hóa) thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Kết quả đạt được là không đồng đều, có chênh lệch khá lớn giữa các chỉ số, giữa các bộ, ngành và địa phương.
TS Cung chỉ rõ, ở những chỉ số, những lĩnh vực, địa phương mà Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh thực sự vào cuộc, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, sát sao, bám sát Nghị quyết của Chính phủ, thì ở đó đạt được kết quả và có cải thiện rõ nét. Chỉ mới có tiến bộ ở các chỉ số, các ngành, lĩnh vực có vấn đề nóng, vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; có phản biện, góp ý và yêu cầu mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh” khi các cấp dưới chưa chủ động, tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung để cải thiện môi trường kinh doanh. “Do đó, nếu tất cả các Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, thành phố đều “nóng” thì chúng ta đạt được kết quả đồng đều, toàn diện, đúng mục tiêu như yêu cầu Nghị quyết của Chính phủ” – TS Cung nhấn mạnh.
Thêm vào đó, để củng cố thêm kết quả đạt được, Chính phủ cần tiếp tục đặt mục tiêu cao, cụ thể nhất có thể; cải cách mạnh mẽ hơn, kết quả đồng đều hơn, tác động thực chất và toàn diện hơn. Về chỉ số, tạo áp lực và kỷ luật hành chính mạnh mẽ hơn đối với các chỉ số mà thứ hạng và điểm số còn thấp, không cải thiện đáng kể trong mấy năm qua, nhất là Khởi sự kinh doanh, Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, Giao dịch thương mại qua biên giới; Phối hợp tốt hơn, hiệu quả hơn với Tòa án nhân dân tối cao để có cải thiện đáng kể chỉ số Giải quyết phá sản doanh nghiệp và Giải quyết tranh chấp hợp đồng.
Đối với Nghị quyết số 19/2018/NĐ-CP, cần lưu ý tới việc hoàn thành mục tiêu bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số đăng ký kinh doanh hiện hành ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Về kiểm tra chuyên ngành, hoàn thành về cơ bản mục tiêu giảm số hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan xuống còn tối đa 10%; hoàn thành cơ bản mục tiêu giảm ít nhất 1/2 danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành; Áp dụng phổ biến cách thức quản lý dựa trên mức độ rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ của doanh nghiệp; Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch để du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đưa năng lực cạnh tranh của ngành du lịch tăng khoảng 10 bậc (hiện ở thứ 67). Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistics để tạo thuận lợi và giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế: Giảm chi phí logistics xuống mức bằng khoảng 18% GDP (hiện hơn 20% GDP); cải thiện Chỉ số Hiệu quả logistics thêm khoảng 10 bậc (hiện xếp thứ 64).
Song song, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương áp dụng CNTT, thực hiện cung ứng tất cả các dịch vụ hành chính công ở cấp độ 3 và 4; tất cả các Bộ, ngành phải kết nối tất cả các thủ tục hành chính qua Cổng thông tin một cửa quốc gia cũng như triển khai thực hiện nhất quán, đầy đủ cải cách thể hiện trong các Nghị định, Thông tư đã ban hành; đánh giá đầy đủ tác động thực tế của chúng.
Cuối cùng, Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia kết hợp với các hiệp hội doanh nghiệp thực hiện đánh giá, khảo sát thực tế; cung cấp bằng chứng và tham mưu cho Thủ tướng chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đầy đủ mục tiêu của Nghị quyết./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()