Năm 2017: Giảm 50% thiệt hại do các vụ vi phạm lâm luật
Năm 2017 ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu phải giảm được 20% vụ vi phạm về bảo vệ rừng và giảm 50% thiệt hại do các vụ vi phạm gây ra.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Ngày 19/12 Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 2017 của ngành lâm nghiệp.
Theo thống kê của ngành lâm nghiệp, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp 10 tháng đầu năm 2016 tăng 6,3%, ước cả năm tăng 6-6,5%. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản 11 tháng năm 2016 đạt 6,49 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2015, ước cả năm đạt 7,3 tỷ USD.
Về công tác nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, đến nay tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn của cả nước đạt 127.747 ha trong tổng số 3.556.294 ha rừng trồng, chiếm 3,7% diện tích rừng trồng cả nước. Trồng rừng thâm canh gỗ lớn là 29.296 ha, trong đó trồng lại sau khai thác 4.176 ha và trồng mới 25.119 ha; chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 2.650 ha. Tỉ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc lô cây con đạt 84%.
Một số tỉnh trọng điểm xuất khẩu dăm gỗ đã ban hành kế hoạch ngừng sản xuất dăm gỗ xuất khẩu từ năm 2015 nhằm tạo nguyên liệu gỗ lớn cho sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu.
Về phát triển kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, đến nay, Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp với các địa phương xây dựng 5 mô hình điểm về kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp, hiện có 2 tỉnh đang triển khai thực hiện.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi nhận định công tác phát triển thị trường của ngành lâm nghiệp cũng đang phát triển, đặc biệt là việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm đa dạng hóa thị trường.
Việc hoàn thành đàm phán và đã tuyên bố cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Tuyên bố chung ngày 18/11/2016) cũng mở ra nhiều cơ hội phát triển thị trường trong giai đoạn sắp tới.
Năm 2016, mặc dù giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ tăng trưởng 5-10% so với năm 2015 tùy theo nhóm sản phẩm, nhưng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ tăng 1% so với năm 2015 nguyên nhân chính do giá trị kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ giảm và chỉ bằng 61% so với năm 2015. Nguyên nhân xuất khẩu dăm gỗ giảm so với năm 2015 là do giảm nhu cầu trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc; có sự cạnh tranh về giá bán dăm của một số nước có thế mạnh xuất khẩu dăm gỗ (Australia, Thái Lan và một số nước châu Phi); do Việt Nam tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ từ 0% lên 2%.
Kết quả thực hiện chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng đến ngày 10/12/2016, cả nước thu được hơn 1.218,2 tỷ đồng đạt 92% kế hoạch, trong đó Quỹ Trung ương thu được gần 852,1 tỷ đồng đạt 90% kế hoạch, Quỹ tỉnh thu được hơn 366,1 tỷ đồng đạt 99% kế hoạch năm.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, ngành lâm nghiệp đã về đích cơ bản thành công nhưng vẫn có nhiều vấn đề cần đối mặt để duy trì tăng trưởng. Điều này cũng đồng nghĩa với những thách thức lớn phải vượt qua để có thể thực hiện tái cơ cấu ngành trong giai đoạn tới.
Sắp tới, ngành lâm nghiệp phải thích ứng với sự biến động của thị trường, dễ gặp các rào cản phi thuế quan. Vì vậy để thực hiện mục tiêu bảo vệ phát triển rừng, không chỉ nhìn vào ngân sách mà cần phải giải quyết cơ chế để xã hội đầu tư vào lâm nghiệp. Cùng với đó, việc đóng cửa rừng tự nhiên cũng sẽ tạo áp lực cho công tác bảo vệ rừng.
“Năm 2017, ngành phải giảm được 20% vụ vi phạm lâm luật và giảm 50% thiệt hại cho các vụ vi phạm gây ra”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()