Năm 2015, sẽ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá lên 105%
Ngày 30/5, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) với chủ đề: “Tăng thuế thuốc lá” và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (25/5 - 31/5).
Phát biểu tại Lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, sử dụng thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh và tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sử dụng thuốc lá gây tử vong cho gần 6 triệu người mỗi năm trên toàn cầu, trong đó, hơn 600.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc thụ động. Nếu không có các hành động kịp thời, con số tử vong do nạn dịch thuốc lá sẽ tăng lên hơn 8 triệu ca mỗi năm vào năm 2030.
Tại Việt Nam, giá thuốc lá rất rẻ, điều này đã tạo điều kiện để thanh thiếu niên nhanh chóng trở thành người hút thuốc và chịu những hậu quả tàn khốc về sức khoẻ do sử dụng thuốc lá. Chính vì vậy, tăng thuế chính là biện pháp để hạn chế thanh thiếu niên hút thuốc.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên, Việt Nam tham gia Công ước Khung và ban hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã thể hiện rõ cam kết và quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ sức khoẻ cho người dân Việt Nam.
“Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá, các bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan, đoàn thể cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tăng cường tuyên truyền về tác hại thuốc lá, phổ biến và thực hiện nghiêm qui định cấm hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc theo quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đề nghị.
|
Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá |
Tỷ lệ thuế thuốc lá tại Việt Nam chiếm 41,6% trên giá bán lẻ (65% giá xuất xưởng). Việt Nam là nước có mức thuế thuốc lá thấp gần nhất so với các nước trong khu vực và rất thấp so với các nước phát triển như: Pháp (80%), Đức (73%), Úc (60%)…
Tại Việt Nam, các nghiên cứu về sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên cho thấy, tỷ lệ hút thuốc trong thanh thiếu niên đang tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ (có tới 21,6% nam thanh niên từ 16-24 tuổi là người hút thuốc). Tổng gánh nặng kinh tế do hút thuốc lá gây ra trong 5 nhóm bệnh liên quan đến thuốc lá (ung thư phổi, ung thư đường hô hấp và tiêu hoá, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ) ở Việt Nam năm 2011 là trên 23 nghìn tỷ đồng (chiếm 0,91% tổng GDP của cả nước).
Xuất phát từ những phân tích trên, Bộ Y tế đã đề xuất lộ trình tăng thuế thuốc lá. Cụ thể, sẽ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65% lên 105% vào thời điểm năm 2015 cho giai đoạn 3 năm (2015 – 2017); tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 105% lên 145% vào thời điểm 2018 cho giai đoạn 2 năm (2018 – 2019); tiếp tục xem xét điều chỉnh thuế vào năm 2020.
Với lộ trình này, giá bán lẻ thực tế có thể tăng khoảng 21% giai đoạn 2015 – 2017 và 17% cho giai đoạn 2018 – 2019, cao hơn mức thu nhập đầu người cho các giai đoạn này, sẽ góp phần hạn chế sức tiêu thụ thuốc lá trong xã hội…
Phát biểu tại buổi Lễ, TS. Gabit lsmailov – Phó trưởng Đại điện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: Trong ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, Tổ chức Y tế thế giới và các đối tác kêu gọi các quốc gia tăng thuế thuốc lá nhằm thực thi điều 6 của Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá.
Để bảo vệ sức khoẻ người dân, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời đề xuất tăng thuế thuốc lá. Tuy nhiên, để đạt được mức thuế suất tối ưu nhằm giảm đáng kể tử vong và bệnh tật do hút thuốc gây ra, Việt Nam ít nhất cần phải tăng gấp đôi mức thuế suất từ nay đến năm 2020. Tăng thuế thuốc lá chính là biện pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất để giảm việc sử dụng thuốc lá, phòng tránh bệnh tật và tử vong do thuốc lá.
Tại Lễ mít tinh, đại điện Bộ Y tế và một số cơ quan, bộ, ngành liên quan đã ký cam kết phối hợp thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá.
Theo CPV
Ý kiến ()