Năm 2014: Thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến giảm còn 23%
Ảnh minh họa (Ảnh:M.P)- Ngày 11/12/2012 Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Theo đó, thuế suất này được điều chỉnh giảm 2% (còn 23%) so với hiện hành và dự kiến áp dụng từ năm 2014. Dự thảo được Bộ Tài chính công bố để lấy ý kiến rộng rãi, song song với quá trình trình Chính phủ và Quốc hội xem xét. Bộ Tài chính cho biết, Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 3/6/2008 thay thế cho Luật thuế TNDN (sửa đổi) năm 2003, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009. Qua 4 năm thực hiện, Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra khi ban hành Luật. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, bên cạnh những kết quả đạt được, do sự biến động nhanh của nền kinh tế nên một số quy định trong Luật thuế TNDN đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, không theo kịp sự vận động của thực tiễn.Cụ thể, chính sách ưu đãi thuế TNDN tuy đã được sắp xếp lại...
– Ngày 11/12/2012 Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Theo đó, thuế suất này được điều chỉnh giảm 2% (còn 23%) so với hiện hành và dự kiến áp dụng từ năm 2014. Dự thảo được Bộ Tài chính công bố để lấy ý kiến rộng rãi, song song với quá trình trình Chính phủ và Quốc hội xem xét.
Bộ Tài chính cho biết, Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 3/6/2008 thay thế cho Luật thuế TNDN (sửa đổi) năm 2003, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009. Qua 4 năm thực hiện, Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra khi ban hành Luật. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, bên cạnh những kết quả đạt được, do sự biến động nhanh của nền kinh tế nên một số quy định trong Luật thuế TNDN đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, không theo kịp sự vận động của thực tiễn.
Cụ thể, chính sách ưu đãi thuế TNDN tuy đã được sắp xếp lại theo hướng thu hẹp về lĩnh vực, ngành nghề nhưng mới hướng vào việc khuyến khích đầu tư lập doanh nghiệp mới nên chưa tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp đang hoạt động bỏ thêm vốn đầu tư. Do vậy, chưa phát huy hết hiệu quả phân bổ nguồn lực trong đầu tư để đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế theo vùng và lãnh thổ, nhất là thu hút đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
Một số khoản thu nhập chịu thuế mới phát sinh trong thực tiễn như: thu nhập từ các hoạt động chuyển nhượng quyền kinh doanh như chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản, chuyển nhượng quyền góp vốn đầu tư, quyền tham gia dự án đã được Bộ Tài chính, trong phạm vi chức năng, quyền hạn được giao, trình Chính phủ có quy định để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn phát sinh; một số khoản thu nhập cần được miễn thuế để phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế nay cần bổ sung vào Luật để đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch và cơ sở pháp lý.
Ngoài ra, một số quy định về các khoản chi phí được trừ và không được trừ chưa thật sự phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trong thời gian tới, chưa góp phần vào việc kiểm soát thu nhập, chi phí của DN như: chưa có quy định về khống chế tỷ lệ vốn vay so với vốn chủ sở hữu (vốn mỏng) được tính vào chi phí; quy định về định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu, về các khoản chi của doanh nghiệp tham gia tài trợ cho hoạt động xã hội; về tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại không còn phù hợp với thực tiễn…
Cùng với đó, thực hiện Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 – 2020, cần điều chỉnh giảm mức động viên thuế tạo điều kiện tăng tích luỹ, tích tụ cho doanh nghiệp.
Theo Chiến lược cải cách thuế của nước ta đến năm 2020 thì cần giảm dần mức động viên để đến năm 2020 mức thuế suất thuế TNDN giảm xuống còn 20% (mức thuế suất phổ thông theo quy định của Luật hiện hành là 25%).
Vì vậy, để kịp thời khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đảm bảo đơn giản hoá chính sách, đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hoá công tác quản lý thuế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong giai đoạn tới theo Bộ Tài chính việc sửa đổi Luật là cần thiết.
Trong Dự thảo bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) này của Bộ Tài chính để thực hiện chiến lược cải cách thuế, đồng thời phù hợp với xu thế cải cách thuế, mức thuế suất phổ thông sẽ được giảm từ 25% xuống còn 23%.
Đối với doanh nghiệp có qui mô vừa và nhỏ (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 20%.
Số lao động và doanh thu làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng thuế suất 20% là số lao động và doanh thu bình quân của 2 năm trước liền kề và được thực hiện ổn định trong thời gian 2 năm.
Ngoài ra, mức thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quí hiếm khác tại Việt Nam là từ 32-50%.
Về thời gian giảm thuế, Bộ Tài chính cho biết sẽ tính từ năm đầu tiên doanh nghiệp đi vào sản xuất, kinh doanh có thu nhập. Trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu kể từ năm đầu tiên có doanh thu thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.
Như vậy, nếu được thông qua, sau khi giảm xuống mức 23%, thuế suất tại Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh so với các nền kinh tế khác (ngang bằng Thái Lan, thấp hơn Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines…). Tuy nhiên, điều chỉnh này sẽ làm giảm thu ngân sách trong năm đầu áp dụng (dự kiến là 2014) khoảng 12.000 tỷ đồng, chưa kể các biện pháp ưu đãi khác. |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()