Năm 2014, tập trung kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng giá
Với năm lần điều hành tăng giá, sáu lần giảm giá và chín lần giữ giá xăng dầu trong năm 2013, so với đầu năm 2013 thì giá xăng dầu vào thời điểm cuối năm đã tăng thêm 2,18%, góp 0,08% vào chỉ số giá tiêu dùng chung toàn năm. Bên cạnh đó, việc tăng giá bán điện, giá dịch vụ giáo dục, y tế trong điều kiện thiên tai xảy ra liên tiếp, hoạt động thương mại sụt giảm khiến tổng cầu nội địa giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận vốn, sản xuất, kinh doanh (SX, KD)... đã tạo áp lực mạnh mẽ đến cân đối cung cầu, khiến nhiều mặt hàng thiết yếu của đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH) buộc phải tăng giá.
Điều hành công khai, minh bạch
Trong điều kiện đó, công tác quản lý giá cả hàng hóa, tiêu dùng vừa phải được điều hành theo hướng công khai, minh bạch, vừa phải làm tròn nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ảnh hưởng xấu DN và người tiêu dùng. Trong số những khó khăn và thách thức đó, công tác điều hành giá đối với mặt hàng xăng dầu được coi là hoạt động có nhiều đòn “cân não” nhất, vì đây là mặt hàng thiết yếu đầu vào điển hình, ảnh hưởng sâu rộng đến các ngành kinh tế, hoạt động xã hội, đời sống nhân dân.
Do chưa được chính thức công bố sửa đổi nên giá mặt hàng thiết yếu này hiện vẫn được điều hành theo nguyên tắc cơ bản của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15-10-2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước thực hiện kiểm tra, giám sát và điều tiết giá xăng dầu qua việc quy định công thức tính giá cơ sở, các DN căn cứ vào quy định này để tính toán, đăng ký mức giá bán. Khi giá cơ sở tăng cao, Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn giá (BOG) thông qua các công cụ tài chính và Quỹ BOG nhằm không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi tới phát triển KT-XH, đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết: Các đợt điều hành giá với từng yếu tố cấu thành giá cơ sở, các biện pháp thuế, phí, quỹ, các quyết định giá đều được thực hiện công khai, minh bạch. Không những thế, để thực hiện tiêu chí công khai, minh bạch trong điều hành, cơ chế trích lập và sử dụng Quỹ BOG; cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát và thực hiện công khai minh bạch trong quản lý Quỹ BOG; đánh giá hiệu quả của Quỹ BOG và công khai chi tiết số trích, sử dụng Quỹ BOG của từng DN kinh doanh xăng dầu đầu mối từng thời kỳ… cũng đã được cơ quan quản lý công bố công khai. Theo đó, tính đến hết ngày 30-12-2013, số dư Quỹ BOG xăng dầu còn 58,6 tỷ đồng.
Đối với việc quản lý giá điện, năm 2013, mặc dù đã có lộ trình tăng giá nhưng giá mặt hàng quan trọng này được kiềm chế trong suốt sáu tháng đầu năm để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH. Tháng 8-2013, sau khi rà soát, tính toán biến động các thông số đầu vào cơ bản, Bộ Công thương đã điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân thêm 5%, theo đó, giá điện tăng lên mức 1.509 đồng/kW giờ. Tuy nhiên, đối với giá điện cho mục đích sinh hoạt, giá bán lẻ điện 50kW giờ đầu tiên cho các hộ nghèo và có thu nhập thấp vẫn tiếp tục được giữ ổn định ở mức 993 đồng/kW giờ, và các hộ thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định vẫn được Nhà nước hỗ trợ giá điện là 30 nghìn đồng/hộ/tháng. Cuối năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm từ 2013 đến 2015.
Trong công tác quản lý giá lúa gạo năm 2013, do giá gạo thế giới giảm nên giá lúa, gạo Việt Nam cũng giảm theo.
Phó Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) Đinh Thị Nương cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố giá thành sản xuất lúa kế hoạch, trên cơ sở đó chỉ đạo giá mua thóc định hướng từ đầu vụ, vừa hỗ trợ nhà sản xuất, vừa bảo đảm tiêu thụ một phần sản lượng lúa hàng hóa vào thời điểm thu hoạch rộ, góp phần kiềm chế không để giá lúa, gạo trên thị trường giảm quá thấp, giúp bảo đảm lợi nhuận cho người nông dân.
Kiểm soát tốc độ tăng giá
Với những kết quả của công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý giá các mặt hàng thiết yếu như trên, tuy góp vào chỉ số giá tiêu dùng cả nước 0,08% nhưng tựu chung, chỉ số này vẫn đạt mức tăng dưới 7% so với cùng kỳ. Điều quan trọng hơn là công tác này đã đồng thời từng bước thực hiện nhất quán chủ trương điều hành, được thực hiện công khai, minh bạch theo chỉ đạo của Chính phủ, từ đó tạo sự đồng thuận và giám sát rộng rãi từ công luận.
Bên cạnh đó, sự phối hợp có hiệu quả giữa các bộ, ngành chức năng với các địa phương đã linh hoạt, hiệu quả hơn, cho nên việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục năm 2013 không gây đột biến về chỉ số giá tiêu dùng như năm 2012, hiệu quả hơn, phù hợp hơn với các cam kết quốc tế.
Năm 2014, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, DN được dự báo sẽ tiếp tục phát huy tác dụng; niềm tin kinh doanh, niềm tin tiêu dùng sẽ được cải thiện hơn, báo hiệu sự phục hồi của nền kinh tế trong nước.
Tuy nhiên, năm 2014 cũng cần tính đến khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ chính sách và tình hình thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường. Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, quan trọng thiết yếu càng cần được tăng cường hơn nữa.
Bộ Tài chính cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu trong các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá năm 2014 là các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng giá tiêu dùng, coi đây là một trong những chỉ tiêu đánh giá tình hình KT-XH quan trọng. Cụ thể: Trong công tác quản lý điều hành và BOG, các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Tài chính về công tác quản lý điều hành giá cả. Trong đó, cần tăng cường công tác giám sát chặt chẽ đăng ký giá, kê khai giá, phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ…, phấn đấu năm 2014 cơ bản thực hiện giá thị trường và theo lộ trình thị trường. Đồng thời, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác như chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt; điều hành lãi suất phù hợp; quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công; tăng cường quản lý thị trường, hoàn thiện hệ thống phân phối lưu thông và thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()