Năm 2014, ngành Giáo dục triệt để cắt giảm hội họp, đi công tác
Ngày 27/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2014 đối với các trường, đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT. Theo đó, năm 2014, dự toán chi ngân sách nhà nước giao cho Bộ GD&ĐT sẽ giảm so với năm 2013.
Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch tuyển sinh năm 2013, ông Nguyễn Ngọc Vũ – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế nên kinh phí chi thường xuyên hàng năm tăng không đáng kể, nguồn thu học phí thực hiện theo mức trần của Nghị định 49, nguồn thu từ các hệ đào tạo vừa làm vừa học, liên kết đào tạo, thu khác gặp nhiều khó khăn do giảm chỉ tiêu; trong khi đó, tiền lương và giá cả các dịch vụ đều tăng. Thế nhưng, ngay từ đầu năm, các đơn vị của Bộ đã có nhiều chủ động trong việc điều hành ngân sách nhà nước nên đã có những giải pháp trong việc triển khai thực hiện như: cơ cấu lại khoản chi, mục chi, triệt để tiết kiệm chi, giảm đáng kể hội nghị, hội thảo, công tác phí, nhất là đi công tác nước ngoài theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ nên các đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2013.
Hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2014 đối với các trường, đơn vị |
Năm 2013, các trường đã chú trọng đến việc hạn chế tăng quy mô để nâng cao chất lượng đào tạo. Do đó, đây là năm đầu tiên tất cả chỉ tiêu đào tạo các hệ đều giảm, trừ chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ tăng 9,3%. Cụ thể, chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ giảm 7%, chỉ tiêu ĐH giảm 5,1%, chỉ tiêu CĐ giảm 6,5%. Đối với chỉ tiêu đào tạo liên thông, văn bằng 2 trình độ ĐH còn 28.200, giảm 11%. Đặc biệt, chỉ tiêu liên thông, văn bằng 2 trình độ CĐ giảm mạnh xuống còn 1.300, giảm 63%.
Đối với chỉ tiêu đào tạo TCCN năm 2013 là 5.950 chỉ tiêu, giảm 40% so với năm 2012. Chỉ tiêu này giảm là do các trường ĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT đã thực hiện nghiêm túc việc giảm chỉ tiêu TCCN 20%/năm tiến tới dừng tuyển sinh đào tạo TCCN trong các trường ĐH vào năm 2017.
“Việc giảm chỉ tiêu đào tạo của các trường là phù hợp với định hướng ổn định quy mô nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và phù hợp với thực tế về đội ngũ giảng viên cơ hữu và cơ sở vật chất của các trường. Mặt khác, để đảm bảo cân đối cung cầu nhân lực của ngành sư phạm và khả năng bố trí ngân sách nhà nước cho đào tạo sư phạm chính quy, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở đào tạo nhóm ngành sư phạm tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng giảm dần để phù hợp với nhu cầu sử dụng. Còn việc tăng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ trong những năm gần đây phù hợp với xu hướng tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường ĐH, CĐ” – lãnh đạo Bộ GD&ĐT giải thích.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng chỉ rõ những mặt còn hạn chế, tồn tại như: nhiều trường trực thuộc Bộ vẫn còn quy mô đào tạo lớn, tỷ lệ sinh viên/giảng viên khá cao, nhất là đối với các trường đào tạo nhóm ngành kinh tế; đội ngũ giảng viên tăng chậm, vẫn còn một số trường có tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp hơn mức bình quân chung cả nước…; việc đào tạo cử tuyển, dự bị tập trung nhiều vào một số ngành như ngành Y dược và tập trung vào một số trường ở thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…
Năm 2014, Bộ GD&ĐT cho biết dự toán ngân sách nhà nước giao cho Bộ về cơ bản là giảm so với năm 2013. Về nguyên tắc phân bổ ngân sách, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ tiếp tục thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính; quán triệt chỉ đạo của Bộ trưởng và Ban Cán sự Đảng là ưu tiên bố trí kinh phí cho cơ sở, cho nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện, cho các trường sư phạm; hạn chế triệt để hội thảo, hội nghị, tập huấn, công tác phí, nhất là đi công tác nước ngoài.
Dự kiến trong năm 2014, quy mô đào tạo ĐH, CĐ chính quy sẽ ổn định so với 2013 để tập trung nâng chất lượng. Riêng chỉ tiêu tuyển mới sau đại học hệ đào tạo tiến sĩ tăng khoảng 7% và chỉ tiêu thạc sĩ tăng khoảng 5% so với năm 2013. Chỉ tiêu vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng 2 theo hình thức vừa học vừa làm tiếp tục được xác định không vượt quá 50% so với chỉ tiêu chính quy. Riêng các trường sư phạm, để triển khai thực hiện việc đào tạo nâng chuẩn giáo viên, cần có đề án xác định rõ nhu cầu cần nâng chuẩn giáo viên.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ cơ cấu chỉ tiêu giữa các ngành theo hướng giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế – tài chính, quản trị kinh doanh, tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, nông lâm, y dược, nghệ thuật. Đối với chỉ tiêu liên thông ĐH, CĐ chính quy tối đa bằng 20% chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy tương ứng.
Riêng đối với nhóm ngành Y dược, để đảm bảo chất lượng đào tạo, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo có đào tạo nhóm ngành Y dược xác định và đăng ký chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành Y dược chính quy năm 2014 trong tổng chỉ tiêu đào tạo chính quy.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục và đào tạo tập trung 4 dự án gồm: Dự án hỗ trợ phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, xóa mù chữ và chống tái mù chữ, duy trì kết quả phổ cập tiểu học, thực hiện phổ cập giáo dục THCS đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học; Dự án tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; Dự án hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn; hỗ trợ cơ sở vật chất trường chuyên, trường sư phạm; Dự án nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình và giám sát đánh giá thực hiện Chương trình.
Năm 2014, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường trực thuộc phải thực hiện quy chế công khai tài chính đối với các đơn vị dự toán ngân sách; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí; xử lý kịp thời những sai phạm được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; hạn chế tối đa chi hội nghị, hội thảo, tổng kết, sơ kết, đón nhận Huân chương, tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước; tăng cường họp, giao ban trực tuyến qua mạng internet…
Ý kiến ()