Năm 2013: Đối ngoại Việt Nam ghi dấu đậm nét với những thành tựu mang tính toàn diện
Năm 2013 đã khép lại với những hoạt động ngoại giao phong phú và sôi động. Nhìn lại 1 năm qua, có thể thấy, hoạt động đối ngoại của đất nước ta được triển khai sâu rộng và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển đất nước, tranh thủ nguồn lực cho công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hỗ trợ bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam, thời gian qua, đối ngoại Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Đặc biệt, năm 2013, đối ngoại Việt Nam đã ghi dấu đậm nét với những thành tựu mang tính toàn diện trên cả 3 mục tiêu là phát triển, an ninh và vị thế. Quan hệ đối ngoại được thúc đẩy trên mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, an ninh – quốc phòng, văn hóa…, với mọi đối tác ở mọi châu lục, cả quan hệ song phương lẫn quan hệ đa phương.
Năm 2013, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, khủng hoảng tài chính, nợ công trên thế giới, cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn tại khu vực, tác động bất lợi đến kinh tế – xã hội nước ta, song đất nước đã được kết quả quan trọng về kinh tế, xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an ninh xã hội. Trên thế giới, hòa bình, hợp tác, và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp. Xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, khủng bố tiếp tục gia tăng. Cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ nét. Các nước lớn vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh kiềm chế lẫn nhau, mà trọng điểm là khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là thiên tai, an ninh mạng, ngày càng quyết liệt hơn. Các thách thức chính trị – an ninh đa chiều đã và đang tác động trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của nước ta.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Tổng thống Liên bang Nga V.Pu-tin |
Trong năm 2103, công tác đối ngoại đã tích cực triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XI và đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Ngoại giao chính trị đã được triển khai tích cực, đưa quan hệ với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, ổn định và lần đầu tiên xác lập khuôn khổ quan hệ với toàn bộ các đối tác quan trọng. Trong năm 2013, Việt Nam đã thiết lập thêm 5 quan hệ Đối tác chiến lược và 2 quan hệ Đối tác toàn diện; đến nay, đã thiết lập được 13 quan hệ Đối tác chiến lược và 11 quan hệ Đối tác toàn diện, trong đó có 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; những đối tác quan trọng trên thế giới như: Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Hàn Quốc; những nước nòng cốt trong ASEAN như: In-đô-nê-xi-a, Xinh-ga-po, Thái Lan; quan hệ với các nước bạn bè truyền thống ở khu vực Châu Phi, Mỹ La tinh tiếp tục được củng cố và mở rộng.
Trong tiến trình tham gia sâu vào hội nhập quốc tế, Ngoại giao Việt Nam đã kiên trì nguyên tắc “lợi ích dân tộc là cao nhất”, vừa hợp tác vừa đấu tranh. Ngoại giao đã đóng góp vào giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển đất nước. Trong năm 2013, Việt Nam đã thực sự phát huy được vai trò là thành viên tích cực của các thể chế khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình liên kết khu vực Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương thông qua các tổ chức và diễn đàn: ASEAN, Diễn đàn An ninh khu vực (ARF), Cộng đồng kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn cấp cao Đông Á (EAS); đã tham gia 8 hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực, đang đàm phán 6 hiệp định khác, trong đó có 2 hiệp định có phạm vi rộng lớn, đó là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác hợp tác kinh tế khu vực (RCEP).
Việt Nam đã cùng các nước thành viên đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN và có vị trí, uy tín ngày càng cao trong cộng đồng khu vực. Lần thứ hai, Việt Nam đã chính thức ứng cử làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020 – 2021); đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU lần thứ 132 (năm 2015); và cũng lần thứ hai đứng ra đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC (năm 2017). Mới đây, nước ta đã được bầu vào Hội đồng Thống đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), Uỷ ban Di sản thế giới của UNESCO và lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 – 2016) với số phiếu rất cao. Kết quả đó thể hiện uy tín quốc tế của nước ta và lòng tin của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu quan trọng tại lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 12. (Ảnh: Đức Tám /TTXVN) |
Bên cạnh ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế đã hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020 và Kế hoạch 5 năm 2011 – 2015; đã chủ động nghiên cứu, dự báo các xu hướng phát triển lớn và kinh nghiệm của các nước để góp phần tham mưu cho Chính phủ trong điều hành và ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế. Công tác đối ngoại cũng góp phần đẩy mạnh công tác vận động chính trị – ngoại giao, tạo thuận lợi cho quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do then chốt và công nhận quy chế kinh tế thị trường, tranh thủ ODA, thu hút FDI.
Trong thời gian qua, thông qua hoạt động ngoại giao đã vận động thêm được 14 nước, nâng tổng số nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam lên 43 nước, trong đó có 8 nước G-20. Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán 6 Hiệp định khu vực mậu dịch tự do với các đối tác quan trọng trong các khuôn khổ đa phương và song phương, trong đó có các nền kinh tế lớn nhất thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)… Bên cạnh hợp tác, cũng kịp thời đấu tranh với các hành vi bảo hộ, phân biệt đối xử trong quan hệ thương mại, góp phần bảo vệ nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta trong các vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp xuất khẩu… Ngoại giao đa phương triển khai mạnh mẽ chủ trương hội nhập quốc tế, đã chuyển từ tham gia sang giai đoạn chủ động, tích cực đề xuất sáng kiến và đóng góp thực chất với trách nhiệm cao trong các vấn đề an ninh, phát triển chung của khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế đất nước ở khu vực và trên thế giới.
Ở tầm khu vực, Việt Nam đã phát huy tư thế của một thành viên có trách nhiệm, góp phần đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN, củng cố đoàn kết và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực, thúc đẩy thực hiện DOC và tham vấn giữa ASEAN – Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC).
Ngoại giao văn hóa đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, quảng bá, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên thế giới, vận động UNESCO công nhận nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam là di sản văn hóa thế giới.
Công tác biên giới lãnh thổ được triển khai hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền ở Biển Đông. Năm 2013, Việt Nam đã hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên thực địa với Lào và khoảng 75% với Cam-pu-chia; tích cực đàm phán phân định vùng cửa Vịnh và hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm với Trung Quốc, phân định vùng đặc quyền kinh tế với In-đô-nê-xi-a; đã giải quyết thành công nhiều vấn đề tồn tại với các nước láng giềng trên cơ sở luật pháp quốc tế, các bên cùng chấp nhận, từng bước làm cho đường biên giới chung của nước ta với các nước thành biên giới hoà bình, hữu nghị và hợp tác.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye. (Ảnh: dangcongsan.vn) |
Thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã quan tâm hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà con kiều bào ta gặp khó khăn ở nước ngoài; động viên, khuyến khích đồng bào gìn giữ phong tục, nuôi dưỡng bản sắc dân tộc, hướng về quê hương, đất nước. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị tiếp tục được thể chế hóa bằng các biện pháp, chính sách cụ thể, tạo thuận lợi hơn nữa cho đồng bào, kiều bào ta ở nước ngoài về nước làm ăn, thăm thân nhân và sinh sống, góp phần xây dựng Tổ quốc.
Công tác bảo hộ công dân ngày càng được coi trọng khi nước ta mở cửa và hội nhập ngày một sâu rộng với thế giới. Chúng ta đã kịp thời bảo hộ cho đồng bào ta khi gặp những rủi ro, nguy hiểm ở những điểm nóng, những vùng có thảm họa thiên tai. Chúng ta cũng chủ động kết hợp cả hợp tác và đấu tranh để bảo vệ các quyền lợi chính đáng của công dân, ngư dân và người lao động ta ở nước ngoài.
Công tác thông tin đối ngoại có nhiều cải tiến, góp phần tạo đồng thuận xã hội về những vấn đề phức tạp; chuyển đi những thông điệp chính xác để cộng đồng quốc tế hiểu đúng và ủng hộ các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta; kiên quyết đấu tranh đối với những hành động vi phạm chủ quyền biển đảo, những luận điệu xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền và tôn giáo.
Những thành tựu về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đã đạt được trước hết là nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng ta, sự chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại, giữa ngoại giao Nhà nước với đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại nhân dân; giữa ngoại giao với quốc phòng – an ninh, với các bộ, ban, ngành ở Trung ương và với các tỉnh, thành trong cả nước; tạo thành một mặt trận thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.
Theo CPV
Ý kiến ()