Năm 2011, thiên tai gây thiệt hại nặng nề
Một khu dân cư ở đảo Min-đa-nao (Phi-li-pin) tiêu điều sau cơn bão Oa-xi. ( Ảnh: Ảnh AFP )Theo đánh giá của các chuyên gia khí tượng - thủy văn, trong vài chục năm trở lại đây, chưa năm nào các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra liên tục và gây hậu quả nghiêm trọng như năm 2011. Các dự đoán về thời tiết trong năm 2012 nêu rõ rằng, thời tiết đang diễn biến theo chiều hướng khắc nghiệt và gây tổn thất nặng nề hơn.Tập đoàn Tái bảo hiểm Mu-ních Re (Đức) cho biết, thiệt hại do thảm họa thiên nhiên trong chín tháng đầu năm 2011 lên tới 310 tỷ USD, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 80%. Từ năm 1980, các thảm họa thiên nhiên liên quan thời tiết thay đổi trên toàn cầu tăng ba lần. Mỹ lập kỷ lục với 12 thảm họa khác nhau, tổng thiệt hại gần 52 tỷ USD trong năm 2011. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, 2011 là một trong mười năm nóng nhất và nóng hơn bất kỳ năm nào trước đó chịu ảnh hưởng của hiện tượng...
Một khu dân cư ở đảo Min-đa-nao (Phi-li-pin) tiêu điều sau cơn bão Oa-xi. ( Ảnh: Ảnh AFP ) |
Tập đoàn Tái bảo hiểm Mu-ních Re (Đức) cho biết, thiệt hại do thảm họa thiên nhiên trong chín tháng đầu năm 2011 lên tới 310 tỷ USD, trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm 80%. Từ năm 1980, các thảm họa thiên nhiên liên quan thời tiết thay đổi trên toàn cầu tăng ba lần. Mỹ lập kỷ lục với 12 thảm họa khác nhau, tổng thiệt hại gần 52 tỷ USD trong năm 2011. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, 2011 là một trong mười năm nóng nhất và nóng hơn bất kỳ năm nào trước đó chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Ni-na. Từ năm 1997 đến nay, tức là gần 15 năm, có tới 13 năm nóng nhất. Theo các nhà khoa học, không khí nóng và hơi ẩm nhiều hơn trong không khí đang làm thay đổi hệ thống thời tiết, gây các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng lên do các hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải và phá rừng làm cho trái đất nóng.
Những thảm họa thiên nhiên lớn năm 2011
Tháng 1, trận lụt kỷ lục làm ngập vùng bờ biển phía đông Ô-xtrây-li-a, làm 35 người chết, nhiều mỏ than buộc phải đóng cửa, phá hủy hoàn toàn đường sá, tuyến đường tàu hỏa và hàng nghìn ngôi nhà, tổn thất tài sản bảo hiểm khoảng hai triệu USD. Bão tuyết lớn phủ trắng xóa nhiều bang ở Mỹ, trong đó TP Niu Oóc hứng chịu lượng tuyết rơi dày kỷ lục. Tháng 2, cơn bão nhiệt đới Ya-xi, một trong những cơn bão mạnh chưa từng thấy đổ bộ vào Ô-xtrây-li-a tàn phá phía bắc bang Quyn-xlen phá hủy vụ thu hoạch mía và chuối. Bão tuyết làm giao thông hỗn loạn, gây tình trạng mất điện tại miền trung – tây và đông – bắc nước Mỹ. Tháng 3, trận động đất mạnh 9,0 độ rích-te ngoài khơi Nhật Bản gây ra trận sóng thần khủng khiếp nhất trong thập kỷ qua, làm hơn 20 nghìn người chết và mất tích, phá hủy nhiều khu vực; khiến nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 bị hư hại nặng và rò rỉ phóng xạ, dẫn đến cuộc khủng hoảng hạt nhân lớn nhất thế giới kể từ năm 1986, gây thiệt hại hơn 200 tỷ USD, chưa tính hậu quả do sự cố hạt nhân. Tháng 4, một loạt cơn lốc dữ dội xảy ra ở đông – nam nước Mỹ, làm khoảng 364 người chết. Tháng 5, cơn lốc xoáy kinh hoàng tàn phá thị trấn Giốp-lin, bang Mít-xu-ri (Mỹ), làm 160 người chết. Cùng thời gian này, lũ lụt ở miền trung – tây nước Mỹ và lưu vực sông Mi-xi-xi-pi nhấn chìm hàng triệu ha ngô và đỗ tương. Tháng 6, lũ lụt tại các tỉnh miền trung và miền nam Trung Quốc làm hơn 100 người chết, hơn nửa triệu người phải đi sơ tán. Tháng 7, đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ở vùng Sừng châu Phi, gây nạn đói tại Xô-ma-li-a, đẩy 13 triệu người vào nguy cơ chết đói trong một cuộc khủng hoảng có thể kéo dài đến năm 2012. Tại Thái-lan, đợt lũ lụt kéo dài từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 11, làm hơn 600 người chết, ảnh hưởng một phần ba đất nước, gây thiệt hại ít nhất 42 tỷ USD, làm ngập gần 1.000 nhà máy gần Thủ đô Băng-cốc, khiến việc cung cấp các thiết bị điện tử cho dây chuyền sản xuất của nhiều doanh nghiệp trên thế giới bị gián đoạn. Tháng 8, bão I-rê-nê đổ bộ vào miền đông nước Mỹ, làm ít nhất 40 người chết, gây lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ tại một số bang. Thiệt hại kinh tế ước tính khoảng mười tỷ USD. Tháng 9, hàng chục người chết trong trận lụt tồi tệ nhất lưu vực sông Mê Công kể từ năm 2000. Tháng 10, bão tuyết bất thường ở miền đông – bắc nước Mỹ khiến 13 người chết và 1,6 triệu người lâm vào cảnh mất điện. Tháng 12, cơn bão nhiệt đới Oa-xi tàn phá đảo Min-đa-nao của Phi-li-pin, gây lũ quét và lở đất, làm hơn 1.200 người chết và hơn một nghìn người mất tích. Ngoài ra, hạn hán kéo dài trong năm 2011 ở bang Tếch-dớt (Mỹ) làm ngành nông nghiệp nước này thiệt hại hơn năm tỷ USD, thiêu rụi 1,6 triệu ha rừng.
Dự báo về thiên tai trong năm 2012
Hiện tượng La Ni-na ở Thái Bình Dương dự kiến kéo dài trong năm 2012. Các nhà dự báo khí tượng – thủy văn cho biết, hiện tượng La Ni-na sẽ làm lượng mưa trung bình tại phía bắc và phía đông Ô-xtrây-li-a cao hơn, gây lốc xoáy nhiều hơn bình thường trong mùa mưa bão tại nước này. Đồng thời, góp phần gia tăng hoạt động của bão tại Đại Tây Dương. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học bang Cô-lô-ra-đô nhận định, mưa bão sẽ vượt mức trung bình, nếu nhiệt độ nước của Đại Tây Dương ấm hơn bình thường và không xảy ra hiện tượng El Ni-no lớn mà El Ni-no sẽ làm bề mặt nước ở phía đông và trung tâm Thái Bình Dương nóng lên, ảnh hưởng mô hình gió, có thể dẫn đến hạn hán ở Ô-xtrây-li-a và ngăn chặn các cơn bão ở Đại Tây Dương. Cơ quan Dự báo thời tiết (WSI) cho biết, phần lớn lục địa châu Âu, khu vực Bắc Âu và Anh, thời tiết sẽ ấm hơn bình thường vào giữa tháng 1 và tháng 3.
Theo Nhandan
Ý kiến ()