Tuy nhiên, ngày 15-12, các khu vực trên có khả năng chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường gây mưa và đến ngày 17-12 bộ phận không khí lạnh này sẽ khiến nền nhiệt độ giảm mạnh ở nhiều nơi.
Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư: Áp thấp nhiệt đới đang cách quần đảo Trường Sa khoảng 230 km về phía đông đông bắc. Dự báo đến 13 giờ ngày 13-12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,5 độ vĩ bắc; 112,2 độ kinh đông, trên khu vực quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh nên khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, biển động mạnh. Khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tại huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, đến chiều 12-12, đã có ba tàu đánh cá (công suất 20 CV) của ngư dân bị sóng đánh chìm, nhưng không có thiệt hại về người. Ngoài ra một số lồng bè nuôi cá của người dân tại khu nuôi trồng bến Lạch Dù thuộc địa bàn thôn Triều Dương, xã Tam Thanh bị hư hại nặng. Sóng lớn cũng đã làm hư hỏng sáu căn nhà của dân tại khu phố 5, phường Đức Long, TP Phan Thiết.
Đêm 10-12, tàu cá BĐ 95392 TS với chín ngư dân đang hành nghề bị gãy láp, mất chân vịt, trôi tự do trên biển. Đến 9 giờ 15 phút ngày 12-12, đài trực canh của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã liên lạc được với tàu cá BĐ 95392 TS do ông Nguyễn Văn Đồ, ở thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn làm thuyền trưởng, khi tàu cá này được tàu cá BĐ 96218TS của ông Nguyễn Cam ở cùng địa phương lai dắt. Hiện hai tàu cá trên vẫn đang trong vùng nguy hiểm. Được biết, hiện tỉnh Bình Định còn 275 tàu cá với 2.466 lao động hoạt động khai thác thủy hải sản tại khu vực quần đảo Trường Sa, đang ở trong vùng nguy hiểm, không thể vào bờ kịp. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã báo cáo với Bộ Tư lệnh Biên phòng đề nghị Bộ Ngoại giao thông báo cho các nước trong khu vực cho phép số tàu cá đang nằm trong vùng nguy hiểm được vào lánh nạn.
Mưa lũ trong hai ngày qua ở tỉnh Phú Yên đã làm một người mất tích, sáu chiếc thuyền bị sóng đánh chìm, trôi dạt vào bờ. Rạng sáng 11-12, tại xóm An Vũ, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An triều cường xâm thực, làm sạt lở 50 m bờ kè xóm An Vũ. Địa phương đã huy động 300 bao cát để khắc phục tạm thời.
Vụ sản xuất lúa đông xuân 2011-2012 trên địa bàn toàn tỉnh Phú Yên đã gieo sạ khoảng 1.330 ha, trong đó diện tích bị ngập úng phải gieo sạ lại khoảng 190 ha.
Để bảo đảm an toàn cho các hộ dân, phường Phú Đông đã cử đội cứu hộ, cứu nạn của địa phương cùng với 200 chiến sĩ thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh giúp di dời dân ra khỏi vùng bị triều cường và đắp đê bao chắn sóng. Dự báo, triều cường sẽ còn kéo dài ít nhất ba ngày nữa.
Năm 2011, sản lượng lúa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 23 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với năm 2010, chiếm 55% sản lượng lúa cả nước. Vụ đông xuân 2010-2011, các tỉnh đưa vào sản xuất 1,556 triệu ha, năng suất bình quân đạt 6,71 tấn/ha, sản lượng đạt 10,4 triệu tấn. Vụ hè thu năm 2011, các tỉnh gieo sạ 1,616 triệu ha, năng suất bình quân đạt 5,18 tấn/ha, sản lượng đạt 8,4 triệu tấn. Vụ thu đông, các tỉnh gieo sạ 653.000 ha, năng suất bình quân 4,8 tấn/ha, sản lượng đạt 3,1 triệu tấn. Vụ mùa, các tỉnh gieo sạ 295.000 ha, ước năng suất đạt 3,9 tấn/ha, sản lượng ước đạt 1,1 triệu tấn.
Ý kiến ()