Năm 2010, GDP của Hà Nội ước tăng 11%
Ngày 24-11, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa 15 họp hội nghị lần thứ 2, thảo luận tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị.Theo báo cáo, năm 2010, kinh tế Thủ đô đã nhanh chóng phục hồi và đạt tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) ước tăng 11% so với năm 2009, cao hơn chỉ tiêu HĐND đề ra và gấp 1,64 lần mức tăng chung của cả nước. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 11%, công nghiệp - xây dựng tăng 11,5%, nông nghiệp tăng 6,2%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ và công nghiệp- xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Huy động vốn đầu tư xã hội đạt hơn 175 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2009 và bằng khoảng 70% GDP. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước tăng 20,8%, cao hơn bốn lần so với kế hoạch....
Theo báo cáo, năm 2010, kinh tế Thủ đô đã nhanh chóng phục hồi và đạt tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) ước tăng 11% so với năm 2009, cao hơn chỉ tiêu HĐND đề ra và gấp 1,64 lần mức tăng chung của cả nước. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 11%, công nghiệp – xây dựng tăng 11,5%, nông nghiệp tăng 6,2%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ và công nghiệp- xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Huy động vốn đầu tư xã hội đạt hơn 175 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2009 và bằng khoảng 70% GDP. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước tăng 20,8%, cao hơn bốn lần so với kế hoạch. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 97.428 tỷ đồng, tăng 13% so với dự toán Chính phủ giao và tăng 31,2% so với thực hiện năm 2009… Với kết quả này, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006 – 2010 đạt 10,7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 37 triệu đồng (tương đương khoảng 1.950 USD).
Thành phố đã huy động thêm nguồn lực để đầu tư cho xử lý môi trường: chuẩn bị xây dựng hai nhà máy xử lý rác tại huyện Sóc Sơn, Đông Anh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện ba dự án xây dựng nghĩa trang; đã cải tạo môi trường 21 hồ. Chín tháng đầu năm, có 64 dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng kinh phí 66.280 tỷ đồng, sử dụng 150 ha đất. Có 22.500 hộ được hỗ trợ thoát nghèo, đạt 100% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo dự kiến còn 4,5%… Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã được tổ chức thành công, có 102 công trình hạ tầng kỹ thuật – xã hội mang dấu ấn 1000 năm Thăng Long – Hà Nội hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ thiết thực đời sống nhân dân. Với đà tăng trưởng khá, Hà Nội đề ra chỉ tiêu năm 2011 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 12-13%; trong đó dịch vụ 11,8-12,8%, công nghiệp – xây dựng 13,5-14,5%, nông nghiệp 2-2,5%. Tổng vốn đầu tư xã hội tăng 19-20%. Thu ngân sách tăng 5% so với dự toán Chính phủ giao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,8% so với năm 2010…
Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Nhiệm vụ trong năm tới là hết sức quan trọng và nặng nề. Trước yêu cầu của nhiệm kỳ mới, đòi hỏi toàn Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đoàn kết, năng động, sáng tạo hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ. Thành phố cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa 15, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa mới và bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Nhanh chóng xây dựng các chương trình công tác, những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011. Công tác cải cách hành chính phải được tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa, bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân; tăng cường phân cấp quản lý cho địa phương, tạo chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương. UBND thành phố và các ngành chức năng chủ động tổ chức thực hiện và quản lý hiệu quả quy hoạch chung sau khi được phê duyệt, khẩn trương khắc phục những yếu kém trong quản lý quy hoạch, quản lý đô thị; ưu tiên xây dựng các công trình phục vụ dân sinh; huy động và khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội. Những kết quả tích cực của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cần được tiếp tục phát huy, đẩy mạnh chăm lo phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội… Trước mắt, các cấp, các ngành tích cực thực hiện các giải pháp bình ổn giá; chuẩn bị chu đáo hàng hóa để phục vụ nhân dân đón Tết vui vẻ, bảo đảm tốt trật tự an toàn xã hội trong những ngày lễ, Tết…
Theo Nhandan
Ý kiến ()