Năm 1972 - Tháng Mười hai có 12 ngày đặc biệt
Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 là thắng lợi của lương tâm và lẽ phải, buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải chấp nhận thất bại trong cuộc chiến bằng quân sự, dẫn đến chấp nhận việc ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh, mở ra một giai đoạn kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam vào ngày 30/4/1975.
Xác máy bay B.52 rơi xuống Hồ Hữu Tiệp (Hồ Ngọc Hà) đêm 27/12/1972 – Ảnh Tư liệu
Nước Mỹ muốn kết thúc cuộc chiến tranh lâu dài tốn kém ở Việt Nam, nhất là từ sau Mậu Thân 1968 nhưng rút ra bằng cách nào khi không thể thắng về quân sự? Cuộc hội đàm Việt – Mỹ ở Paris từ tháng 5/1968 đến năm 1972 đã trải qua hơn 4 năm mà vẫn “dẫm chân tại chỗ”. Mỹ đã triển khai cả một chiến lược Việt Nam hóa chiến tranhvà mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương (1969-1971), nhưng vẫn không thể giúp cho việc rút khỏi chiến tranh Việt Nam.
Chính trong điều kiện đó, Mỹ tính đến việc tổ chức một cuộc tập kích bằng không quân chiến lược B.52 đánh thẳng vào Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố lân cận ở miền Bắc Việt Nam, nhằm mục tiêu cụ thể: Phá hủy tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền Bắc, làm lung lay quyết tâm kháng chiến của nhân dân Việt Nam; đáp ứng yêu cầu và vực dậy tinh thần cho chính quyền và quân đội tay sai ở miền Nam; tạo thế mạnh trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, buộc Việt Nam phải ký kết một bản hiệp định kéo dài chiến tranh và chế độ thực dân mới ở miền Nam Việt Nam; thị uy sức mạnh không lực Hoa kỳ và con “át chủ bài” B.52 đang là thần tượng “bất khả xâm phạm”.
Vì thế năm 1972, quân đội Hoa kỳ có một chiến dịch quân sự đặc biệt mang tên Linebacker II, trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 thực hiện bước leo thang cao nhất bằng không quân chiến lược đánh vào Hà Nội. Mỹ huy động 193 máy bay chiến lược B-52, hơn 1.077 máy bay chiến thuật các loại, 50 máy bay KC.135 tiếp dầu trên không, 6 tàu sân bay và các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất ném bom đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và một số mục tiêu khác. Hơn 700 lần chiếc B.52, cùng hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném khoảng 30.000 tấn bom xuống các mục tiêu quân sự, giao thông, trường học, bệnh viện, khu phố… gây những tội ác vô cùng dã man đối với nhân dân Việt Nam (cuộc ném bom rải thảm mang tính hủy diệt xuống phố Khâm Thiên ngày 26/12/1972 làm hơn 500 ngôi nhà bị phá hủy, gần 300 người dân bị chết, bị thương).
Tháng 12/1972, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, trong 12 ngày đêm Mỹ bị tổn thất 17% (34/193 chiếc) không quân chiến lược – Đòn đặc biệt choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm Góc. Hồi ký của tổng thống Mỹ Nixon viết: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B.52 quá nặng nề”. Cũng là lần đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam mở một chiến dịch đối đầu trực diện với cuộc tập kích khổng lồ bằng không lực của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B.52; bắt sống 43 giặc lái; làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, đánh gục uy thế của không lực Hoa Kỳ, của pháo đài bay B.52 có sức mạnh đe dọa ghê gớm đối với thế giới lúc bấy giờ. Tổng thống – Tổng tư lệnh quân đội Hoa kỳ đã phải tuyên bố ngừng ném bom không điều kiện ở miền Bắc Việt Nam để trở lại bàn đàm phán.
Tháng 12 năm ấy, các dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới có 12 ngày đêm không chỉ nghẹt thở lắng nghe tiếng bom và gầm rú của siêu pháo đài bay B.52 của đế quốc toàn cầu dội xuống thủ đô một nước có chủ quyền; mà còn chứng kiến sự quả cảm của nhân dân Việt Nam trong quá trình đấu tranh vừa đánh vừa đàm, vừa đấu trí trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris, vừa đấu lực trên chiến trường hai miền Nam Bắc. Đặc biệt chứng kiến hình ảnh pháo đài bay B.52 bùng cháy trên bầu trời Thăng Long – Hà Nội, rồi cắm đầu xuống hồ Hữu Tiệp, như một biểu tượng của ý chí và quyết tâm của dân tộc Việt Nam không chịu khuất phục trước sức mạnh bạo lực của kẻ thù.
Đó là 12 ngày đêm thắng lợi của lương tâm và lẽ phải, buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải chấp nhận thất bại trong cuộc chiến bằng quân sự, dẫn đến chấp nhận việc ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh, mở ra một giai đoạn kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam vào ngày 30/4/1975.
Tháng 12 năm ấy đến nay đã tròn nửa thế kỷ (1972-2022), khoảng cách thời gian càng nhìn rõ thắng-bại của một cuộc chiến; nhưng điều quan trọng hơn là từ đó sáng rõ một chân lý: Không sức mạnh quân sự nào khuất phục được ý chí của một dân tộc yêu quý độc lập tự do, muốn chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình, thống nhất Tổ quốc.
Nhìn lại 50 năm trước, vẫn thấy bài học về chủ động, sáng tạo, tạo sức mạnh nội lực làm nên chiến thắng lịch sử. Niềm tin quyết thắng trong gian khó và thử thách thời chiến tranh cách đây 50 năm, nay lại vững vàng trong thời kỳ phát triển và hội nhập, lại đồng hành trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đang khát khao vươn tới giàu mạnh, thịnh vượng.
Theo Baochinhphu
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()