NAFTA đạt bước tiến tích cực
Sau hơn 1 năm Mỹ, Canada, Mexico tiến hành đàm phán lại nhằm sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), lần đầu tiên, Mỹ và Mexico đã đạt được thỏa thuận sơ bộ. Điều này được đánh giá là một bước tiến tích cực.
Thỏa thuận mới giữa Mỹ và Mexico được cho là đã tháo gỡ những mâu thuẫn cốt lõi vốn đã gây “ách tắc” trong quá trình đàm phán về các vấn đề như nguồn gốc xuất xứ ô tô, giải quyết tranh chấp và nông nghiệp.
Với thỏa thuận này, hai nước nhất trí về việc 75% giá trị của một phương tiện sẽ được sản xuất tại một trong hai quốc gia, cao hơn ngưỡng 62,5% trong NAFTA “đời đầu” (cách đây 20 năm). Ngưỡng mới này đáp ứng được yêu cầu giảm thiểu việc sử dụng những bộ phận có xuất xứ từ châu Á để lắp ráp vào các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ hay Mexico, qua đó thúc đẩy ngành sản xuất ô tô trong khu vực Bắc Mỹ cũng như tạo công ăn việc làm.
Theo nhiều chuyên gia, thỏa thuận sơ bộ cũng cho thấy một sự nhượng bộ từ phía Mỹ khi không nhắc tới điều khoản phải đàm phán điều chỉnh thỏa thuận theo giai đoạn 5 năm/lần, vốn đã vấp phải sự phản đối gay gắt vì cho rằng có thể ảnh hưởng tới tâm lý đầu tư dài hơi vào khu vực. Thay vào đó, Mỹ và Mexico thống nhất chu kỳ 16 năm đàm phán lại một lần trong đó có khoảng đánh giá sau 6 năm để có thể tiếp tục gia hạn thêm 16 năm nếu đánh giá cho kết quả ổn định.
Hiện nay, giữa Mỹ và Canada cũng đã nhất trí tiến hành thảo luận chi tiết về NAFTA bắt đầu từ ngày 29/8 theo giờ địa phương, nhằm thúc đẩy việc thông qua văn kiện mới, sau khi Mỹ và Mexico đã thành công trong việc đạt được một thỏa thuận sơ bộ.
Phát biểu sau cuộc gặp với Đại diện Thương mại Mỹ để chính thức khởi động vòng đàm phán lại NAFTA ở Washington mới đây, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết tiến trình đàm phán lại sẽ dễ dàng hơn nhiều sau thỏa thuận sơ bộ giữa Mỹ và Mexico.
Theo bà Freeland, nỗ lực của Mexico đã giúp Canada có được một cuộc đối thoại thực chất và hữu ích với Mỹ trong tuần này. Những điểm chính trong thỏa thuận NAFTA mới giữa Mỹ, Canada và Mexico sẽ bao gồm một số điều khoản mới đối với mặt hàng xe hơi, biện pháp bảo vệ tốt hơn cho người lao động cũng như quy định cho phép xem xét lại thỏa thuận mỗi sáu năm.
Nhưng Canada vẫn đang bày tỏ quan ngại về những điểm vướng mắc trong tiến trình đàm phán lại NAFTA, đặc biệt là về thị trường bơ sữa của nước này cũng như quy chế giải quyết tranh chấp giữa các bên.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()