Nấc thang mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ-EU
Nông nghiệp trở thành “con tin” của cuộc tranh chấp trợ giá máy bay
“ Ăn miếng trả miếng”
Sau khi chính quyền của tổng thống Trump tuyên bố áp thuế lên khối hàng hóa từ EU trị giá 7,5 tỷ USD, chủ yếu là các mặt hàng truyền thống như pho mát và rượu vang, EU đã khẳng định rõ ràng sẽ đáp trả tương xứng. Khối này đang hy vọng sẽ có được phán quyết tương tự liên quan tới việc Mỹ trợ giá cho hãng chế tạo máy bay Boeing trong vài tháng tới.
Như một bước dạo đầu, ngày 4-10, các cơ quan quản lý chống độc quyền của EU thông báo đã mở một cuộc điều tra toàn diện về việc Boeing (BA.N) mua cổ phần kiểm soát mảng sản xuất máy bay thương mại của nhà sản xuất máy bay Embraer (Brazil), viện dẫn rằng thỏa thuận này có thể làm giảm cạnh tranh và đẩy giá lên cao. Hồi tháng 2, Boeing và Embraer đã đạt được thỏa thuận mua bán song vẫn cần được các cơ quan chống độc quyền ở Brazil và Mỹ, cũng như EU và Trung Quốc, thông qua trước khi có hiệu lực.
Các mức thuế quan mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump không chỉ nhắm vào hãng chế tạo máy bay lớn nhất của châu Âu mà còn rất nhiều sản phẩm đặc trưng khác của châu Âu như oliu, rượu whisky, rượu vang, pho-mát và sữa chua. Các thuế quan này sẽ có hiệu lực từ ngày 18-10 và theo mức 10% với sản phẩm máy bay và 25% với các mặt hàng khác.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Daniel Rosario cảnh báo: “Nếu Mỹ áp đặt các biện pháp đáp trả thì Mỹ sẽ buộc EU phải thực hiện hành động tương tự. Điều này sẽ đánh vào người tiêu dùng và các công ty của Mỹ trước tiên và nặng nhất, đồng thời sẽ khiến các nỗ lực đàm phán giải quyết vấn đề thêm phức tạp”.
Học giả cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại EU Edward Alden nói rằng, trong bối cảnh hiện tại, người châu Âu đang cảm thấy như nền kinh tế của họ bị chính quyền của Tổng thống Trump “ám sát”.
Ông Alden nói thêm, EU không được phép trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ đã được WTO phê chuẩn. Nhưng khối thương mại 28 quốc gia đã sẵn sàng để mở rộng các quy tắc nhằm đáp trả các chính sách thương mại hung hăng của Tổng thống Trump.
Năm ngoái, Washington đã áp thuế lên các sản phẩm nhôm và thép từ EU và các quốc gia khác, viện cớ những sản phẩm này là mối đe dọa với an ninh quốc gia của Mỹ. EU ngay lập tức đã trả đũa bằng cách áp 25% thuế lên sản phẩm rượu whisky của Mỹ vào tháng 6-2018. Kể từ khi EU áp thuế, xuất khẩu rượu whisky của Mỹ đã giảm 21%.
Hiện giờ, EU lại tiếp tục cân nhắc áp thêm thuế quan lên các sản phẩm rượu mạnh và rượu vang khác của Mỹ.
Việc áp thuế mới này sẽ gây thêm gánh nặng cho thương mại giữa hai bên trong bối cảnh các doanh nghiệp châu Âu đang đau đầu với viễn cảnh Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận vào ngày 31-10 tới.
Chuyên gia tài chính và môi giới FxPro, Alex Kuptsikevich nhận định, việc áp thuế mới này đang gây ra mối lo ngại về một vòng leo thang mới của cuộc chiến thuế quan. Bước đi mới nhất này và mối lo ngại về những hành động “ăn miếng trả miếng” có thể kìm hãm hơn tâm lý kinh doanh toàn cầu vốn đã ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Nền kinh tế Mỹ và châu Âu có sự hội nhập chặt chẽ hơn so với mối quan hệ của hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Đầu tư của Mỹ vào EU cao gấp ba lần so với đầu tư của Mỹ ở toàn châu Á. Trong khi đó, đầu tư của EU vào Mỹ lớn gấp tám lần so với tổng đầu tư của khối 28 nền kinh tế vào Trung Quốc và Ấn Độ. Hai nền kinh tế Mỹ và EU cũng chiếm khoảng một nửa nền kinh tế thế giới.
Bởi vậy, quyết định mới nhất này của Washington càng tạo ra sự bất ổn với nền kinh tế toàn cầu vốn đang chịu tác động xấu từ mâu thuẫn trên diện rộng từ thương mại tới công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tổn thương song song
Tình trạng bất ổn gia tăng đối với mối quan hệ thương mại kinh tế lớn nhất và lâu đời nhất này sẽ càng làm tồi tệ hơn triển vọng của các nhà xuất khẩu, nhập khẩu và các nhà sản xuất ở cả hai bờ Đại Tây dương.
Người đứng đầu Liên hiệp công nghệ Thực phẩm và Đồ uống Tây Ban Nha Mauricio García de Quevedo thì nói rằng thuế quan mới của Mỹ sẽ khiến các công ty trong hiệp hội gặp khó khăn hơn trong cạnh tranh trên thị trường thế giới, cũng như sẽ góp phần khiến người lao động mất nhiều việc làm.
Mỹ hiện là khách hàng thực phẩm và đồ uống lớn thứ hai của Tây Ban Nha sau EU. Ngành hàng này đạt giá trị xuất khẩu 1,9 tỷ USD vào năm ngoái.
Miguel Blanco, tổng thư ký của tập đoàn bảo trợ ngành nông nghiệp Tây Ban Nha COAG, đại diện cho hơn 15.000 nông dân và người chăn nuôi Tây Ban Nha, lên án mức thuế này là “không công bằng và quá mức”.
“Một lần nữa, lĩnh vực nông nghiệp sẽ trả tiền cho một cuộc chiến thương mại của EU vốn chẳng liên quan gì đến vùng nông thôn Tây Ban Nha” ông Cameron Blanco nói.
Liên đoàn các nhà xuất khẩu rượu vang và rượu mạnh của Pháp cũng đã phản ứng với quyết định thuế quan của Mỹ. Chủ tịch liên đoàn Antoine Leccia nói liên đoàn không có chút gì liên quan đến vụ kiện này.
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu và tập trung chủ yếu vào xuất khẩu, Liên đoàn Công nghiệp Đức nói rằng Mỹ đang sử dụng phán quyết của WTO để gia tăng tranh chấp thương mại.
Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ áp thuế đối với ô tô châu Âu, một lĩnh vực khổng lồ ở Đức. Lo ngại đang ngày một gia tăng rằng thuế quan này cuối cùng có thể dẫn đến việc Mỹ tung đòn áp thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô của châu Âu.
Chủ tịch liên đoàn Công nghiệp Đức Joachim Lang cảnh báo nguy cơ nhiều ngành công nghiệp ở cả hai bờ Đại Tây Dương sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ.
Trong khi đó, các nhà sản xuất pho mát châu Âu hôm 3-10 đã lên tiếng về việc bị trở thành “con tin” trong cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây dương vốn không liên quan gì tới ngành hàng này.
“Những gì đang xảy ra hết sức vô lý; chúng tôi phải xem liệu các khách hàng Mỹ đã sẵn sàng chấp nhận tăng giá hay không”, ông Giuseppe Ambrosi, Chủ tịch hiệp hội sữa Assolatte của Ý nói. Trước đó, tập đoàn giám sát sản xuất pho mát Parmesan cho hay người tiêu dùng Mỹ có thể phải trả thêm 5 USD cho mỗi kg pho mát cứng của Ý.
Theo số liệu từ Hiệp hội sữa châu Âu (EDA), EU xuất khẩu 133.000 tấn pho mát sang Mỹ mỗi năm. Hầu hết các loại pho mát chất lượng cao có thể mất vài tháng để chín, có nghĩa các nhà sản xuất có thể không cảm nhận được ngay lập tức các tác động từ việc áp thuế mới này và một số có thể tìm thấy thị trường mới. Song đối với pho mát đã sẵn sàng để bán, các nhà xuất khẩu phải đối mặt với sự lựa chọn giữa tăng giá cao hơn hoặc chấp nhận tự cắt giảm sản lượng.
Nước Mỹ cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của cuộc đáp trả giữa hai bờ Đại Tây dương. Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp Thực phẩm có trụ sở tại bang New Jersey (Mỹ) Bob Bauer cho hay, các thành viên của hiệp hội đang rất giận giữ bởi thực phẩm lại bị trở thành mục tiêu của cuộc tranh chấp chung quanh vấn đề trợ giá sản xuất máy bay. Hiệp hội này hiện có khoảng 1.000 thành viên là các nhà nhập khẩu và xuất khẩu trên toàn thế giới.
“Chúng tôi sẽ phải trả tiền để Boeing và Airbus có thể tiếp tục nhận được các sự bảo hộ này?”, ông Bauer lên tiếng. Theo ông Bauer, nhiều nhà nhập khẩu thực phẩm là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp gia đình không thể chịu được mức thuế 25% bởi vì thực phẩm mang lại tỷ suất lợi nhuận thấp.
Ông Jose Andrés, một đầu bếp người Tây Ban Nha được nhận sao Michelin danh giá trong ngành khách sạn nhà hàng, người đã cung cấp hàng triệu bữa ăn trong các khu vực bị thiên tai và sở hữu hơn chục nhà hàng tại Mỹ, đã chỉ trích chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Trump lên châu Âu. Ông Jose nói rằng điều này “sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các nền kinh tế nông thôn ở châu Âu, mà còn ảnh hưởng tới hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ của Mỹ ở khắp nơi” và hối thúc Tổng thống Trump cân nhắc lại quyết định này.
Trong khi đó, một nhóm các nhà nhập khẩu rượu, các nhà bán buôn và bán lẻ của Mỹ đã công bố một bức thư trong tuần này hối thúc chính phủ chấm dứt thực hiện biện pháp thuế quan. Họ nói rằng thuế quan lên các mặt hàng rượu whisky, rượu thơm và rượu vang sẽ ảnh hưởng tới khối hàng hóa nhập khẩu trị giá gần 3,4 tỷ USD và 13.000 việc làm tại Mỹ, trong đó có các tài xế xe tải và những người pha chế đồ uống.
Mức thuế mới 25% của Mỹ đối với một loạt sản phẩm thiết yếu từ châu Âu sẽ dẫn tình trạng tăng giá tiêu dùng trước kỳ nghỉ lễ và chi phí việc làm của người Mỹ. Tuyên bố của Hiệp hội Thực phẩm Đặc biệt Mỹ (SFA) nói rằng, thuế quan mới này sẽ làm giảm doanh số bán hàng và tác động xấu đến việc làm tại 14.000 nhà bán lẻ thực phẩm đặc sản và 20.000 nhà bán lẻ thực phẩm khác trên khắp nước Mỹ.
SFA nhận định, giá cả cao hơn sẽ đánh vào ví tiền của chính người Mỹ khi các mùa lễ đang đến gần. Sau khi bị áp thuế mới, một tảng pho mát hiện có giá 45 USD sẽ lên tới 60 USD. Những bữa tiệc gia đình hoàn hảo trong mùa Lễ Tạ ơn và dịp đón năm mới có thể ngoài tầm với của nhiều người Mỹ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()