LSO-Những ngày cuối năm, cùng với niềm vui được mùa, nhân dân xã Hữu Kiên (Chi Lăng) nói chung và bà con thôn Nà Lìa nói riêng vô cùng phấn khởi khi con đường thuộc dự án “ổn định dân cư tại chỗ” đi vào giai đoạn hoàn thiện... Công nhân Công ty Cổ phần Xây dựng Xuân Hòa đang hoàn thiện đường bê tông Suối Mạ - Nà Lìa (Hữu Kiên)Một con đường bê tông dài hơn 5 km như chiếc khăn dài màu sẫm vắt qua các sườn núi chênh vênh đến tận bản Suối Xà- trung tâm thôn Nà Lìa. Lâng lâng trên con đường mịn màng, bước chân của chị Vi Thị Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hữu Kiên như vẫn có cái dáng thấp cao. Thấy tôi cười, chị ngượng nghịu: “Hơn 40 năm đi trên đường gập ghềnh quen rồi, nay trên đường mịn quá, mình như vẫn bị hụt hẫng”. Chỉ tay sang triền đồi trước mặt với hàng chục ngôi nhà mái ngói đỏ như dấu son giữa bạt ngàn đồi cỏ, chị giải thích: “Những mái ngói đã ngả màu rêu là chương trình 134, mái ngói còn...
LSO-Những ngày cuối năm, cùng với niềm vui được mùa, nhân dân xã Hữu Kiên (Chi Lăng) nói chung và bà con thôn Nà Lìa nói riêng vô cùng phấn khởi khi con đường thuộc dự án “ổn định dân cư tại chỗ” đi vào giai đoạn hoàn thiện…
Công nhân Công ty Cổ phần Xây dựng Xuân Hòa đang
hoàn thiện đường bê tông Suối Mạ – Nà Lìa (Hữu Kiên)
Một con đường bê tông dài hơn 5 km như chiếc khăn dài màu sẫm vắt qua các sườn núi chênh vênh đến tận bản Suối Xà- trung tâm thôn Nà Lìa. Lâng lâng trên con đường mịn màng, bước chân của chị Vi Thị Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hữu Kiên như vẫn có cái dáng thấp cao. Thấy tôi cười, chị ngượng nghịu: “Hơn 40 năm đi trên đường gập ghềnh quen rồi, nay trên đường mịn quá, mình như vẫn bị hụt hẫng”. Chỉ tay sang triền đồi trước mặt với hàng chục ngôi nhà mái ngói đỏ như dấu son giữa bạt ngàn đồi cỏ, chị giải thích: “Những mái ngói đã ngả màu rêu là chương trình 134, mái ngói còn tươi mới là chương trình 167, bản Suối Xà có hơn hai chục nóc nhà thì có đến hơn 10 hộ nhận được sự hỗ trợ này”.
Cách đây hơn 10 năm, tôi có dịp vào công tác tại Hữu Kiên cùng đoàn cán bộ của phòng GD&ĐT, đã đến nhiều thôn bản, song khi được mời vào Nà Lìa, thì không thể đi được vì đèo cao và suối sâu. Nay xe ô tô của chúng tôi dừng lại giữa sân phân trường tiểu học Nà Lìa trước sự ngỡ ngàng của thầy và trò. Dừng bài giảng trước 5 học sinh lớp 4, thầy giáo Hoàng Văn Bộ đón chúng tôi trong niềm vui khôn xiết: “ Tôi dạy ở Hữu Kiên từ năm 1998, đã đi hầu hết các phân trường. Song cũng như nhiều thầy cô giáo, khi nhà trường phân công vào Nà Lìa là buồn rười rượi. Nay thì khác rồi, chỉ cần 20 phút đi xe máy là có thể đến với học sinh”. Thấy tôi nhìn hai phòng công vụ trống trơn, thầy nói: “Trước đây vẫn có giáo viên ở, nhiều khi vào mùa mưa, phải ở lại hàng tháng trời mà không ra được, học sinh cũng không thể đi học được vì gặp suối lũ. Nay phòng công vụ bỏ không vì cứ hết buổi là các giáo viên đi xe máy ra trường chính…” Anh Vi Văn Phóng, người dân trong thôn nói rằng, trước đây đường không có, điện cũng không, 84 hộ dân trong thôn sống lam lũ, cực khổ, ruộng ít, nương cằn, nuôi được con lợn, con dê cũng bị tư thương vào ép giá, 1 cân dê hơi ở trung tâm xã có giá tới 120 ngàn, nhưng vào đây họ chỉ trả 80 ngàn. Có con gà, bao ngô mang ra Suối Mạ bán, họ trả rẻ, thôi đành bán vì không thể gánh về. Đời sống của người dân đã nghèo lại thêm nghèo, đã có nhiều hộ bỏ vào tận ĐắkLắk làm ăn. Nay đã khác, xe tải vào tận đây thu mua, giá bán bằng ngoài xã, người dân phấn khởi và có những dự định mới. Có đường mà chưa có điện, bà con chung tay góp mỗi người 2,7 triệu đồng kéo điện tận Suối Mạ về, tuy điện yếu do đường xa, dây kém, nhưng vấn đủ thắp sáng, xem ti vi và có thể xát gạo, nghiền ngô vào giờ thấp điểm. Ông Nông Quang Đảm, Chủ tịch UBND xã nói với chúng tôi, con đường dự án “ổn định dân cư tại chỗ” với tổng kinh phí 30 tỷ đồng thực sự là cứu cánh cho trên 200 hộ gia đình của các thôn Suối Mạ A, suối Mạ B, Nà Lìa. Cùng với con đường, chợ xã được xây dựng tại thôn Mạ A, ngay cạnh con đường đã thực sự tạo “cú hích” cho tiến trình nâng cao dân trí và giảm nghèo tại địa phương. Tất nhiên, khó khăn của Hữu Kiên vẫn còn nhiều như hiện còn 5 thôn chưa thể ra trung tâm xã được 4 mùa, điện lưới chưa thể vươn tới các khu dân cư. Song phải nói rằng, tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 ở Hữu Kiên đã giảm 10% so với năm 2011 chính là nhờ sự vươn xa của từng mét đường bê tông.
Đang trong thời kỳ nông nhàn, cũng như mọi năm, người dân các bản thuộc thôn Nà Lìa cơm đùm cơm nắm vào rừng xa tìm hái hoa chè rừng để bán. Những năm trước, 1 kg hoa chè rừng tươi có giá 1 triệu đồng, nay không được như vậy thì đối với những người chịu khó cũng kiếm đủ tiền mua sắm tết. Nhưng đối với nhiều người, lúc nông nhàn là để họ củng cố lại chuồng trại, chờ mùa xuân tới khi những triền cỏ đã xanh trở lại, vay thêm tiền đầu tư chăn nuôi con dê, con ngựa. Hoa chè rừng tuy đắt mà khó tìm, con dê, con ngựa được giá mà lại nằm ngay trong tầm tay của họ…
Minh Hồng
Ý kiến ()