Nà Lâu: Mòn mỏi mong chờ điện
– Thôn Nà Lâu, xã Đông Quan, huyện Lộc Bình cách trung tâm xã hơn 11km, không chỉ là địa bàn gặp khó khăn trong giao thông đi lại mà còn là thôn duy nhất vẫn chưa có điện trên địa bàn xã. Bởi vậy, mong muốn có đường, có điện để phục vụ sinh hoạt, sản xuất và thoát nghèo là ước mơ bao đời nay của bà con nơi đây.
Ông Nông Văn Xít, trưởng thôn Nà Lâu cho biết: Hiện thôn có 34 hộ với gần 200 nhân khẩu đều là dân tộc Tày. Cuộc sống của bà con nơi đây gặp muôn vàn khó khăn, kinh tế chậm phát triển mà một trong những nguyên nhân chính là do không có điện. Bởi vậy, bao nhiêu năm qua, bà con chỉ mong sớm có điện lưới về thôn cho bớt khổ.
Người dân thôn Nà Lâu, xã Đông Quan chuẩn bị ắc – quy để thắp sáng bóng điện
Được biết, thôn chưa có điện nên sinh hoạt, sản xuất còn nhiều khó khăn. Tối đến, cả thôn chìm trong bóng tối, thấp thoáng xa xa mới lấp ló một mái nhà được nhận ra bởi ánh sáng le lói từ những chiếc bếp củi hay bóng điện lờ mờ sáng được phát từ những bình ắc quy nhỏ. Không có điện nên cả thôn chưa có nhà nào có tủ lạnh, chỉ có 2, 3 chiếc tivi nhưng cũng chẳng thể xem nổi vì điện yếu quá… Đời sống tinh thần của người dân theo đó cũng bị hạn chế, không nắm bắt được các thông tin thời sự, không cập nhật được kiến thức khoa học để áp dụng vào sản xuất nên đến nay, cả thôn có 34 hộ nhưng có đến 27 hộ nghèo, số còn lại là hộ cận nghèo. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, ngành chức năng quan tâm kéo điện về thôn.
Ông Âu Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đông Quan cho biết: Do chưa có điện nên đời sống vật chất, tinh thần của bà con trong thôn gặp rất nhiều khó khăn. Trẻ em thì ảnh hưởng đến việc học tập, người lớn thì hạn chế trong việc tiếp cận kiến thức áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất… Do đó, mong rằng các cấp chính quyền sớm quan tâm kéo điện về thôn cho cuộc sống của bà con nơi đây đỡ vất vả, cơ cực.
Trước đây, người dân trong thôn đều dùng đèn dầu để thắp sáng, khoảng 6 năm trở lại đây, nhiều hộ sử dụng nguồn năng lượng điện mặt trời, máy phát điện nước hoặc ắc – quy… Cụ thể, người dân đầu tư khoảng 2 triệu đồng mua ắc – quy và hằng tháng chi gần 200 nghìn đồng để sạc. Hầu hết các hộ trong thôn đều chọn cách này để có điện, chỉ có 10 hộ đầu tư được tấm pin năng lượng mặt trời (trị giá hơn 3 triệu đồng) để tích điện vào ắc quy. Ngoài ra, còn có 3 hộ khác sử dụng máy phát điện nước nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm khi tự kéo dây điện về nhà, những ngày mưa lũ, máy còn bị cuốn trôi … Tuy nhiên, dù dùng cách nào thì nguồn điện vẫn rất yếu và không đảm bảo sinh hoạt cho người dân.
Bà Đàm Thị Phấn, người dân trong thôn cho biết: Trước đây, gia đình tôi sử dụng đèn dầu để thắp sáng. Đến năm 2015, chắt chiu mãi, gia đình cũng cố mua được cái bình ắc – quy nhỏ trị giá gần 2 triệu đồng để có điện sử dụng. Nhờ nó mà tối đến, cả nhà thắp được 2 bóng đèn led nhưng do điện yếu nên ánh sáng cũng chỉ mờ ảo như đèn ngủ. Người lớn thiếu thốn đã đành nhưng khổ nhất là 2 đứa cháu nhỏ đang học cấp 1 phải học bài trong điều kiện thiếu ánh sáng, thậm chí nhiều lúc không thể học nổi vì điện chập chờn.
Ông Vi Văn Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lộc Bình cho biết: Kế hoạch cấp điện cho thôn Nà Lâu, xã Đông Quan nằm trong dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia, tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2015 – 2020”, theo đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 85%, ngành điện lực đối ứng 15%. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách Nhà nước có hạn nên đến nay vẫn chưa thể triển khai tại thôn. Dự kiến năm 2022, ngay khi được hỗ trợ vốn, UBND huyện sẽ phối hợp với Điện lực Lộc Bình xóa hết các “thôn trắng” chưa có điện.
Rời thôn Nà Lâu, hình ảnh những đứa trẻ tranh thủ học bài dưới ánh chiều đang dần tắt đọng mãi trong tâm trí chúng tôi. Mong rằng các cấp, ngành có thẩm quyền sớm kéo điện lưới về thôn để người dân có điện phục vụ đời sống và sản xuất.
Ý kiến ()