Nà Khưa cần lắm một cây cầu
(LSO) – Đã bao đời nay, người dân thôn Nà Khưa, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định ước mơ có một cây cầu kiên cố để hằng ngày không còn phải đi lại bằng bè mảng, cầu tre qua sông Bắc Khê.
Nà Khưa có 32 hộ dân sinh sống với 143 nhân khẩu. Đời sống kinh tế của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Thôn cách trung tâm xã hơn 1 km nhưng giao thông cách trở bởi dòng sông Bắc Khê chia cắt. Để qua sông, người dân nơi đây đã dựng tạm cầu tre hoặc đi lại bằng bè mảng. Vào một ngày đầu tháng 12/2018, chúng tôi có dịp đến thôn mới chứng kiến hết sự vất vả của người dân và học sinh khi không có cầu kiên cố đi lại. Cây cầu bắc ngang qua sông Bắc Khê rộng khoảng 1 m, dài gần 20 m được ghép bằng những cây tre, gia cố bằng trụ đá và buộc bằng dây thép tạm bợ. Người dân qua đây chỉ có thể đi bộ, đi xe đạp và xe máy. Khi người và xe qua lại, cây cầu đung đưa hoặc rung lên bần bật.
Trẻ em thôn Nà Khưa đi học qua cây cầu tre chênh vênh, bắc qua sông Bắc Khê
Người dân Nà Khưa kể: Mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, cầu cứ làm xong lại bị trôi theo dòng nước. Lúc nước dâng, bè mảng cũng không qua lại được nên cả thôn bị cô lập hoàn toàn. Chờ nước rút, người dân làm lại cầu, trung bình mỗi năm từ 3 đến 5 lần. Ông Bế Quốc Tống, thôn Nà Khưa kể: “Những lần làm cầu, mỗi hộ trong thôn đều nộp tiền mặt vài trăm nghìn và góp cây que, cử thanh niên to khỏe ra dựng cầu, bắc ván. Việc làm này đã trở thành quen thuộc với chúng tôi từ xưa đến nay”.
Giao thông chia cắt không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân. Nông sản của bà con làm ra muốn đem ra chợ bán chỉ có thể gánh bộ lội sông, chở bằng bè mảng hoặc bê vác qua cầu. Việc vận chuyển phân bón, hàng hóa, vật liệu xây dựng vào thôn cũng chỉ bằng cách tập kết bên sông rồi mang vác qua sông. Ông Lăng Văn Tính, Trưởng thôn Nà Khưa cho biết: “Người dân trong thôn chủ yếu làm ruộng, trồng rừng và chăn nuôi. Không có cầu đã ảnh hưởng rất nhiều đến đi lại và sản xuất. Người dân nuôi được con gà, con lợn đem bán cũng bị tư thương ép giá. Đến nay, thôn có 32 hộ thì còn 10 hộ nghèo”.
Không có cầu cũng khiến con đường tới trường của trẻ em thôn Nà Khưa trở nên khó khăn. Toàn thôn có 58 trẻ em đi học. Mưa lũ, nước sông dâng cao làm cho cầu bị cuốn trôi, việc lưu thông bằng bè mảng cũng bị tê liệt buộc học sinh nơi đây thường xuyên phải nghỉ học. Bà Nông Thị Tấm, người dân thôn Nà Khưa kể: Chờ nước sông rút mới đi bè mảng sang sông học bù vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Có nhiều lần, trẻ em đi học qua đây do sơ xẩy bị lật bè may mà cứu được. Chúng tôi rất mong có một cây cầu chắc chắn, kiên cố để yên tâm lao động sản xuất, học tập và đi lại”.
Trước mong mỏi của người dân, nhiều năm qua, chính quyền xã Chi Lăng đã kiến nghị cấp trên đầu tư kinh phí xây cầu qua thôn Nà Khưa. Được biết từ năm 2016 đã có một số tổ chức đến khảo sát địa điểm để đầu tư xây cầu nhưng đến nay, cầu Nà Khưa vẫn chưa được thi công. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Chi Lăng cho biết: Trong khi chưa có cầu, UBND xã vẫn tiếp tục kiến nghị đến cấp trên xem xét đầu tư xây cầu. Cấp ủy, chính quyền xã cũng chỉ đạo các đoàn thể, trưởng thôn tuyên truyền nhân dân đi lại an toàn khi qua sông nhất là trong mùa mưa bão.
MINH ĐỨC
Ý kiến ()