Nà Ke Bảo Lâm: Dân khổ vì khau lượt
LSO-Từ giữa tháng 8/2013, người dân thôn Nà Ke xã Bảo Lâm huyện Cao Lộc đổ xô đi chặt cây khau lượt để bán sang Trung Quốc.
LSO-Từ giữa tháng 8/2013, người dân thôn Nà Ke xã Bảo Lâm huyện Cao Lộc đổ xô đi chặt cây khau lượt để bán sang Trung Quốc. Thế nhưng cây đã chặt về, xếp cả đống ven đường mà khách mua thì chưa có, nguy cơ mất công, tốn của đã hiện hữu. Nhưng hơn thế là kiểu làm ăn theo phong trào, huỷ hoại sinh thái tự nhiên như một căn bệnh không riêng gì ở Nà Ke mà đã là của nhiều vùng trong toàn tỉnh.
Sắp sắp lại đống cây khau lượt của mình vừa chặt tuần trước chờ khách mua ông Trịnh Văn Nàm, 57 tuổi, thôn Nà Ke vừa nói trong lo âu: “chú ạ đống cây đã chặt cả tuần rồi, tính ra cũng phải hơn tấn, thế mà không có khách đến mua. Không khéo phải thành củi thôi. Mà thành củi thì phí lắm, tôi phải thuê mấy thằng cháu đi vác, chặt hộ tính cũng vào tiền triệu. Nói rồi ông cẩn thận xếp từng bó ngay ngắn, chằn chặn như người ta xếp gạch. Câu chuyện cây khau lượt ở Nà Ke bắt đầu từ đầu tháng 8. Khi ấy có mấy cư dân biên giới Trung Quốc đến thăm thân đi qua Nà Ke, họ dừng lại ven đường uống nước rồi nói với người dân, ở đây nếu có cây khau lượt thì bà con cứ chặt, để đấy rồi chúng tôi đến mua. Họ đặt giá 6 ngàn đồng 1 kg. Giá đấy với người dân là một món hời, bởi cây khau lượt khô ở Nà Ke xưa nay bà con chỉ làm củi, ngâm ra nước uống cho mát, mà ngâm nước chỉ cần một khúc như củ khoai có thể làm đỏ cả khối nước. Khau lượt là cây dây leo, vì nhựa đỏ như máu nên bà con gọi là lượt (máu).
Trước đây các thương gia Trung Quốc đã mua loại cây này ở dọc tuyến biên giới như Lộc Bình, Tràng Định, Văn Lãng, Đình Lập. Có thời điểm 1 kg cây khau lượt băm nhỏ họ trả đến 10 ngàn đồng. Thế là hàng trăm tấn khau lượt đi về phía bên kia biên giới. Thế nhưng cũng đã có không ít bài học về khau lượt, ngay năm 2011, tại thị tứ Điềm He, huyện Văn Quan bác Hoàng Thị Bình, một chủ thu gom đã phải chịu cảnh để hàng chục tấn khau lượt biến thành củi vì không có khách mua.
Sau lời đặt hàng kiểu cá nước, chim trời của mấy ông khách, người dân trong thôn đổ xô đi chặt cây khau lượt để bán. Lần lượt các hộ ông Trịnh Văn Nàm, Hoàng Văn Phe, Hoàng Thị Minh…vác dao vào rừng. Để khai thác được một bó khau lượt họ phải trèo đèo, lội suối cả buổi đường, khi chặt được nhiều phải nhờ người gánh ra đường. Họ phải bỏ cả công việc đồng áng để vào rừng. Nếu cứ theo giá mấy ông khách nọ đặt ra chỗ khau lượt bày bán trên vệ đường Bảo Lâm- Hữu Nghị cũng phải đến cả trăm triệu đồng. Đi cùng đó là công sức của bà con. Và hơn thế là môi trường sinh thái đang bị huỷ hoại, chúng ta đang mất dần đi cây khau lượt mà chưa ai biết giá trị kinh tế thực của nó.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Đình Via, Phó đồn Biên phòng Bảo Lâm cho biết: với cư dân biên giới, vốn đã rất khó khăn, khó khăn hơn nữa khi cửa khẩu hiện nay ít việc làm. Họ phải đi chặt cây thế này đã là vất vả, nhưng vất vả hơn là cây không bán được. Hiện nay chúng tôi cũng đã làm công tác vận động tuyên truyền đến người dân dừng chặt cây khau lượt để bảo vệ môi trường, thứ nữa việc mua bán bằng lời như vậy bà con rất dễ bị lừa.
Ông Trịnh Văn Nàm bên đống khau lượt |
Trong khi Bộ đội Biên phòng đồn Bảo Lâm đang lo lắng vì người dân dễ bị lừa đi chặt cây khau lượt thì số người dân đổ đi chặt cây ngày càng đông hơn. Theo ông Trịnh Văn Nàm, toàn thôn có gần 100 hộ thì đã có 30 hộ đi chặt khau lượt, và suốt mấy hôm nay số người đi chặt cây càng tăng lên. Thậm chí các thôn khác thấy thôn Nà Ke đi chặt cây họ cũng đổ xô đi “phá rừng khau lượt”. Thực tế lợi đâu chưa thấy chỉ thấy từng đống khau lượt xếp đầy lối đi mà chưa có khách đến mua, từng rừng cây khau lượt bị đốn hạ. Nói trong xót xa ông Trịnh Văn Nàm cho biết: “họ bảo chặt thì cứ chặt, mà nhiều nơi họ cũng bán được, thế mà chờ cả tuần rồi không thấy ai đến mua, thế này không khéo thành củi mất”. Nói rồi ông lại xếp cẩn thận từng bó khau lượt như thể xếp đẹp sẽ có người đến mua vậy.
Trong khi viết bài này chúng tôi đã gọi điện trao đổi với anh Hoàng Văn Tú, một thương gia chuyên buôn bán cây lâm sản phụ tại huyện Lộc Bình, anh cho biết, các thương gia Trung Quốc mua khau lượt về để chế biến đồ uống, làm thuốc là có thật, nhưng mua bán với họ buộc phải có đảm bảo, hợp đồng. Còn mua bán, khai thác kiểu tin đồn như vậy rất dễ bị lừa. Với chúng tôi không mong có chuyện lừa ở đây nhưng rõ ràng những rừng khau lượt bị phá, cây không bán được thì đang hiện hữu ở Nà Ke xã Bảo Lâm.
Đông Bắc- Anh Dũng
Ý kiến ()