Nà Hang: Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch
Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2010 – 2015, huyện Nà Hang tập trung mọi nguồn lực, thế mạnh để phát triển du lịch, trong đó chú trọng đặc biệt tới việc xây dựng các công trình hạ tầng, cũng như các dịch vụ du lịch tại Khu du lịch sinh thái Nà Hang.
Đồng chí Lê Thanh Sơn, Trưởng BQL Khu du lịch sinh thái Nà Hang cho biết: Trong những năm gần đây, bên cạnh việc hoàn thành kế hoạch xây dựng quy hoạch tổng thể du lịch, huyện Nà Hang cùng với BQL Khu du lịch sinh thái Nà Hang đã đầu tư xây dựng cơ bản, bước đầu đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của du khách đến tham quan, du lịch tại huyện. Năm 2012, doanh thu xã hội từ du lịch của huyện đạt trên 6 tỷ đồng. Thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020, huyện đã và đang đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật như khu đón tiếp khách, trung tâm thông tin, bãi đỗ xe, bến thủy, cầu bộ hành qua suối… Đến nay, gói thầu xây dựng các công trình phụ trợ cho Khu du lịch sinh thái cơ bản đang trong giai đoạn hoàn thiện, một số hạng mục công trình đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành như: Cổng chào, cầu qua suối, cầu treo và trung tâm thông tin.
Tour du lịch trên hồ thủy điện Tuyên Quang được nhiều khách du lịch lựa chọn khi đến Nà Hang.
Nhằm tận dụng các nguồn đầu tư từ Trung ương và tỉnh, UBND huyện Nà Hang đã phối hợp đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 279 nối từ huyện Nà Hang sang huyện Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn, sửa chữa và làm mới một số tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã, xây dựng và cải tạo khu bến thủy tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan. Không chỉ tập trung chủ yếu vào Khu du lịch sinh thái, huyện Nà Hang còn chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch khác theo hướng đa dạng hóa. Trong quý I-2013, huyện đã huy động nhân dân đóng góp trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; khôi phục làng nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, nấu rượu ngô men lá; khôi phục các loại hình sinh hoạt văn hóa phi vật thể như hát then, hát cọi của dân tộc Tày, hát Páo dung của dân tộc Dao, hát dân ca của dân tộc Mông; khôi phục các nét truyền thống trong lễ hội xuân như Lễ hội Lồng tông… nhằm tạo các chuối sản phẩm du lịch xuyên suốt. Cùng với đó là việc phát triển các đặc sản thế mạnh của địa phương như nuôi cá đặc sản, nuôi lợn đen, gà đồi, nấu rượu ngô men lá… Đây là yếu tố để tạo đà cho du lịch Nà Hang bứt phá, phát triển trong năm 2013.
Huyện Nà Hang đang chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng của ngành du lịch, tạo ra nhiều nguồn thu đáng kể đóng góp vào ngân sách. Nếu như năm 2010, huyện mới chỉ thu hút được 22.000 lượt du khách đến tham quan, thì năm 2012 con số này đã lên 62.000 lượt người và trong năm nay, du lịch Nà Hang sẽ còn hứa hẹn sẽ đón lượng khách ước tính trên 100.000 lượt người.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Chuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Nà Hang: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện Nà Hang lần thứ XX về phát triển du lịch, Nà Hang đã và đang tập trung làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo vệ các di tích, danh lam thắng cảnh. Huyện đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh của huyện; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch tại địa phương, góp phần thu hút du khách đến với Nà Hang nhiều hơn nữa, đồng thời đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Ý kiến ()