Na Dương xanh
LSO- Người ta biết đến Na Dương là thị trấn công nghiệp lớn của tỉnh, bởi giờ đây Na Dương có cả mỏ, nhà máy nhiệt điện. Nhiều người cho rằng cứ công nghiệp là ô nhiễm, là những ống nhả khói suốt ngày đêm. Nhưng không, Na Dương giờ đây đã xanh bởi chính bàn tay người thợ mỏ.
Anh Bùi Quanh Tuynh – phụ trách tuyên truyền của Công ty TNHH một thành viên Than Na Dương, huyện Lộc Bình dẫn chúng tôi đi khảo sát một vòng quanh mỏ, anh cho biết: “giờ Mỏ khác xưa rồi, giờ không khí mát đi rất nhiều, bụi giảm”.
Nhớ những năm 2000, trước sự ô nhiễm môi trường của mỏ than Na Dương, Công ty bắt tay vào xử lý hệ thống lọc nước. Ban đầu chỉ là chạy thải qua bể vôi bột tạo phản ứng hóa học khử lưu huỳnh, dần nâng cấp thành khu xử lý nước thải. Với mức đầu tư 30 tỷ đồng, toàn bộ nước của Công ty được lọc trước khi thải ra môi trường. Xong cái phần nước thải, Mỏ bắt đầu phát động phong trào trồng cây. Mới nghe trồng cây nhiều “cụ” lắc đầu quầy quậy: “Chúng tôi hai thứ tóc, trồng đến vài chục lần cây rồi, nhưng có cây nào chịu được đâu”. Chỉ có Ban lãnh đạo Công ty, đoàn thanh niên là quyết tâm. Cũng may khi ấy cả tỉnh rộ lên ươm keo. Thế là cây keo được đưa vào đất Mỏ. Quả là may với cái thứ đất mưa trở thành cháo, nắng thì rắn như đá thế mà lại hợp với cây keo. Đất, gió, bụi thế mà keo cứ đội đất vươn thẳng. Chẳng mấy chốc đường vào khai trường đã phủ kín màu xanh. Phong trào trồng keo, bạch đàn lan sang cả nhiệt điện. Vài năm toàn bộ khu khai trường, mỏ, bãi thải, nhà máy nhiệt điện đã xanh màu xanh của keo, bạch đàn. Theo anh Bùi Quang Tuynh, giờ trồng cây đã thành phong trào của Mỏ, nhất là đoàn thanh niên. Phong trào ấy còn lan ra đến các đội sản xuất, nhà sàng, đội cơ khí đến tổ khoan. Nghe anh nói, tôi mới nhớ lúc đến đội cơ khí, anh em công nhân lấm lem dầu mỡ là vậy nhưng giữa ca vẫn thay nhau lấy nước tưới cây. Bước theo anh Tuynh lên nhà sàng, tiếng ầm ầm của máy xúc, tiếng kêu rin rít của băng chuyền, những dòng than từ đây được tuyển và đưa thẳng vào nhà máy nhiệt điện. Không gian nhìn đâu cũng mù mù ảo ảo bởi bụi than. Hết cầu thang nhà điều khiển chúng tôi như đứng trên cổng trời.
Một góc khu điều hành Công ty TNHH một thành viên Than Na Dương
Ngỡ ngàng quá một dãy cây cảnh xếp hàng ngay ngắn, bụi là thế, gió là thế mà những chậu cảnh cứ xanh um. Cảm giác như mát lại, quên luôn cả tiếng máy ầm ào dưới thấp, tôi hỏi anh điều khiển cẩu: “Cây bác trồng à?”- “Không, anh em trồng chứ, chú tính toàn than đen thế này không có tí xanh xanh thì buồn lắm, cũng là để làm sạch môi trường mà”. Từ trên cao nhìn ra xung quanh, không gian như đã được bao quanh bởi màu xanh bất tận, trong là cây cảnh, nữa là keo, bạch đàn đang lên xanh, xa nữa là những rừng thông ngút mắt. Na Dương đã xanh trở lại. Theo anh Lý Hồng Chiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên than Na Dương, mỗi năm, toàn Công ty và nhiệt điện trồng trên 1.500 cây các loại, tính diện tích lũy kế đến cả chục héc ta. Không chỉ trong tết trồng cây mà giờ đây phong trào trồng cây quanh năm. Cùng với đó là phong trào xanh-sạch-đẹp, an toàn nhà máy. Tất cả những điều đó đã khiến cho Công ty than và Công ty nhiệt điện như xanh hơn.
Đứng giữa nhà điều hành của Công ty than và Công ty nhiệt điện, ầm ào là thế, máy móc sản xuất toàn sắt thép là thế nhưng chúng tôi thấy gam màu chủ đạo vẫn là màu xanh. Màu xanh ấy được tạo dựng bởi bàn tay của người thợ mỏ. Họ đã xóa đi quan niệm mỏ là than, bụi, là khói. Và màu xanh ấy đang ngày càng lan rộng.
Bài, ảnh: NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()