Na Chi Lăng: Nâng tầm thương hiệu
(LSO) – Năm 2019, huyện Chi Lăng có gần 1.800 ha na, là huyện trồng na lớn nhất các tỉnh phía Bắc. Không chỉ vậy, sản phẩm na Chi Lăng trong 3 năm trở lại đây luôn lọt vào Top 5 “Thương hiệu vàng của nông nghiệp Việt Nam”.
6 quả na giá 100 triệu đồng
Đó là thông tin mà ông Đinh Hữu Học, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết tại buổi họp báo thông tin về Ngày hội Na Chi Lăng lần thứ 3, năm 2019 (tổ chức ngày 5/8/2019). Theo đó, 6 quả na được chọn lựa để quảng bá sản phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh. Trọng lượng mỗi quả trên 1 kg. Sau thời gian trưng bày, ban tổ chức thực hiện đấu giá và một doanh nghiệp đã mua với giá 100 triệu đồng.
Câu chuyện này cho thấy chất lượng và giá trị na Chi Lăng đã được nâng lên rất nhiều. Vụ na năm nay, trọng lượng trung bình của quả na Chi Lăng đạt khoảng 300 g/quả. Đặc biệt, nhiều hộ trồng na trên địa bàn các xã: Quang Lang, Y Tịch, Thượng Cường, thị trấn Chi Lăng đã thu hoạch được những quả na nặng 800 g – 1,2 kg/quả (6 quả na thực hiện đấu giá thuộc những vườn này).
Xúc tiến, quảng bá sản phẩm na Chi Lăng
Ông Mai Văn Thuận, thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ chia sẻ: Gia đình tôi trồng 800 gốc na, năm nay chúng tôi làm theo hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, quả to và đều hơn rất nhiều.
Theo ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, trong khoảng 3 năm trở lại đây, chủ trương của huyện là tập trung nâng cao chất lượng và mẫu mã cho sản phẩm na. Cụ thể, phòng phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức tập huấn trồng na theo mô hình nông nghiệp tốt (GlobalGAP, VietGAP) cho các hộ trồng. Bên cạnh đó, phòng chuyên môn còn hỗ trợ kỹ thuật cho người trồng na từ khâu cắt tỉa, chăm sóc, thực hiện các biện pháp sinh học trong diệt trừ sâu hại đến thụ phấn, thu hái…
Không chỉ tăng về chất lượng, mẫu mã, từ năm 2016 đến nay, diện tích trồng na của toàn huyện đã tăng gần 500 ha (năm 2016 có 1.300 ha, hiện có gần 1.800 ha). Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ trung tuần tháng 7/2019 đến đầu tháng 8/2019, nhân dân trên địa bàn thu hoạch được khoảng 5.000 tấn na. Ông Vi Nông Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Qua khảo sát và tính toán, sản lượng na năm nay đạt trên 18 nghìn tấn (tính cả sản lượng na gối vụ), tăng khoảng 2 nghìn tấn so với vụ na năm 2018.
Ngoài ra, giá na Chi Lăng năm nay cũng tăng cao. Giá na loại I (loại 8 lạng/quả) có giá từ 70 – 80 nghìn đồng/kg; na loại II (5 lạng/quả) có giá từ 40 – 50 nghìn đồng/kg; còn lại trung bình từ 25 – 30 nghìn đồng/kg.
Với sản lượng và giá bán đều tăng, theo ước tính của UBND huyện Chi Lăng, doanh thu từ na năm nay của huyện sẽ đạt từ 700 – 720 tỷ trở lên (năm 2018 đạt hơn 600 tỷ đồng).
Bảo vệ thương hiệu
Tại cuộc họp báo thông tin về ngày hội Na Chi Lăng lần thứ 3, năm 2019, nhiều nhà báo đã đặt câu hỏi cho lãnh đạo huyện Chi Lăng về việc giữ thương hiệu “Na Chi Lăng”.
Phân loại na tại chợ na thị trấn Chi Lăng
Ông Đinh Hữu Học, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Trong những năm qua, chính quyền từ tỉnh đến huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm na Chi Lăng. Để bảo vệ và giữ vững thương hiệu cho sản phẩm, vụ na năm 2019, huyện Chi Lăng tiếp tục hỗ trợ hơn 50 nghìn tem truy xuất nguồn gốc và hơn 20 nghìn hộp giấy (có in nhãn mác sản phẩm Na Chi Lăng) cho các hộ trồng na, các cơ sở kinh doanh, các HTX và doanh nghiệp cung ứng sản phẩm na.
Ngoài hỗ trợ của nhà nước, người trồng na và các hộ kinh doanh na trên địa bàn đã tự bỏ chi phí để đặt mua tem truy xuất nguồn gốc và thùng hộp để đóng gói sản phẩm Na Chi Lăng.
Để tiếp tục khẳng định và nâng tầm cho thương hiệu sản phẩm na Chi Lăng, tránh tình trạng nhái thương hiệu na Chi Lăng để trục lợi, huyện Chi Lăng sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm việc tổ chức dán tem truy xuất nguồn gốc trên quả na. Qua đó giúp người tiêu dùng lựa chọn đúng sản phẩm na Chi Lăng. Không những vậy, việc làm này còn góp phần đưa na Chi Lăng đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu theo đường chính ngạch sang một số thị trường nước ngoài.
TRÍ DŨNG – ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()