LSO-Năm nay nhuận hai tháng 4 (âm lịch), nên na Chi Lăng cho thu hoạch sớm hơn mọi năm. Điều đáng mừng là giá na vẫn tương đối ổn định, nhưng cái lo là năng suất đã có chiều hướng giảm, một phần do điều kiện thời tiết, một phần do sâu bệnh phát sinh. Nông dân xã Quang Lang, huyện Chi Lăng thu hoạch naAnh Nguyễn Quang Hùng, khách du lịch đến từ Hà Nội hăm hở lựa tung từng gánh na ở một sạp hàng tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, anh cho biết: cả gia đình anh rất thích na Chi Lăng, cho nên năm nào cũng vậy, cứ đến mùa na, nhờ mấy người bạn báo tin là anh lại đánh hẳn một chuyến xe đến mua tận gốc. Theo ghi nhận, giá na năm nay không có nhiều biến động so với năm trước. Đầu vụ, quả to, loại được tuyển lựa, giá vào khoảng 55.000-60.000 đồng/kg, còn lại trung bình trên 30.000 đồng/kg. Giá cả ổn định là điều đáng mừng đối với các nhà vườn và đối với cả người tiêu dùng ưa thích na Chi Lăng. Về cơ bản, theo...
LSO-Năm nay nhuận hai tháng 4 (âm lịch), nên na Chi Lăng cho thu hoạch sớm hơn mọi năm. Điều đáng mừng là giá na vẫn tương đối ổn định, nhưng cái lo là năng suất đã có chiều hướng giảm, một phần do điều kiện thời tiết, một phần do sâu bệnh phát sinh.
Nông dân xã Quang Lang, huyện Chi Lăng thu hoạch na
Anh Nguyễn Quang Hùng, khách du lịch đến từ Hà Nội hăm hở lựa tung từng gánh na ở một sạp hàng tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, anh cho biết: cả gia đình anh rất thích na Chi Lăng, cho nên năm nào cũng vậy, cứ đến mùa na, nhờ mấy người bạn báo tin là anh lại đánh hẳn một chuyến xe đến mua tận gốc. Theo ghi nhận, giá na năm nay không có nhiều biến động so với năm trước. Đầu vụ, quả to, loại được tuyển lựa, giá vào khoảng 55.000-60.000 đồng/kg, còn lại trung bình trên 30.000 đồng/kg. Giá cả ổn định là điều đáng mừng đối với các nhà vườn và đối với cả người tiêu dùng ưa thích na Chi Lăng. Về cơ bản, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, cũng như khách du lịch, na năm nay vẫn giữ được chất lượng rất ổn định, mẫu mã đẹp và bán rất chạy ngay từ đầu vụ. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của Phòng NN&PTNT huyện, năm nay năng suất na sẽ giảm chút ít, từ 6,6 tấn/ha năm trước, xuống còn 6-6,2 tấn/ha trong vụ này. Nguyên nhân là do tình hình sâu bệnh và điều kiện thời tiết tương đối phức tạp. Ông Phan Văn Sáu, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện cho biết: ngay từ đầu vụ cây na đã bị đe dọa bởi bọ xít lưng gù, sau đó đến giai đoạn đậu quả, na lại bắt đầu nhiễm rệp sáp và bọ phấn. Bọ xít lưng gù, hay rệp sáp hại quả thì từ nhiều năm qua người trồng na Chi Lăng đã quá quen thuộc và thuần thục các khâu phòng trừ. Nhưng bọ phấn là một hiện tượng lạ. Thông thường loại này chỉ gây hại mầm và chồi trên cây ổi, chanh, cam quýt…đây là năm đầu tiên bọ phấn gây hại trên na. Mặc dù phát sinh ở thời điểm na đã đậu quả và đang phát triển nên chưa ảnh hưởng nhiều tới năng suất, nhưng theo ông Sáu, hiện tượng này đang được cơ quan chuyên môn theo dõi một cách tỉ mỉ để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa trong những vụ sau. Thực tế trong vụ này chỉ có khoảng 10 ha na nhiễm bọ phấn, trong đó có 1ha nhiễm nặng, số còn lại rải rác ở các vườn. Trong khi đó rệp sáp chích hút quả chỉ ở tỷ lệ 5-10%, tương đương so với năm trước.
Ảnh hưởng lớn nhất đến năng suất của vùng na năm nay được xác định là do thời tiết. Anh Nguyễn Văn Thật, thôn Than Muội, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng cho biết: năm nay trong thời điểm thụ phấn cho na, thời tiết quá khô hạn cộng với nắng nóng làm cho tỷ lệ đậu quả có giảm đi. Riêng nhà anh Thật có khoảng 200 gốc na, mỗi vụ bán buôn cho các tư thương cũng được khoảng 50 triệu đồng, ước tính năng suất mỗi gốc đạt khoảng 15kg quả. Tuy nhiên, năm nay năng suất chỉ đạt khoảng 12kg/cây, và giá bán cả vườn của anh chỉ ở mức xấp xỉ 40 triệu đồng. Ông Vi Nông Trường, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện xác nhận: năng suất na năm nay sẽ giảm nhẹ. Nếu như năm trước năng suất na đạt từ 6,6 tấn quả/ha trở lên, thì năm nay theo thống kê sơ bộ, năng suất chỉ ở mức 6-6,2 tấn/ha, thời tiết và tình hình sâu bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất của các vườn na.
Chọn mua na ở huyện Chi Lăng
Na dai Chi Lăng từ lâu đã trở thành một trong những loại trái cây đặc sản của Lạng Sơn, được người tiêu dùng trong cả nước ưa chuộng. Tháng 9/2011 loại cây này đã được trao quyền quản lý nhãn hiệu. Hiện nay, diện tích của toàn vùng na Chi Lăng đã ổn định ở mức khoảng 1.200ha, doanh thu mỗi năm từ cây na của toàn huyện lên đến vài chục tỷ đồng. Trong những năm qua, với sự giúp sức của ngành chuyên môn, người trồng na đã có rất nhiều các biện pháp cải tạo vườn na như tỉa cành, thụ phấn nhân tạo…Tuy nhiên, sâu bệnh, thời tiết phức tạp vẫn là nguy cơ thường trực đối với loại cây này. Chính vì vậy, vẫn rất cần sự quan tâm hơn nữa của các ngành chuyên môn để có thể giữ vững và ổn định được về năng suất, chất lượng của đặc sản na dai Xứ Lạng.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()