N-11: Làn sóng mới của thế giới
Cánh đồng trồng lúa ở Hàn Quốc. Dưới đầu đề trên, Tạp chí Bưu điện Tài chính (Ca-na-đa) số ra tháng 4-2011 viết: Theo các nhà quan sát, một khối các nền kinh tế đang đổi mới N-11 (viết tắt của từ Next-11), gồm Việt Nam, Mê-hi-cô, Ni-giê-ri-a, Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran, Pa-ki-xtan, Ai Cập, Băng-la-đét, In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc và Phi-li-pin, sẽ làm thay đổi tính chất thương mại toàn cầu hiện nay. Hiện nay, nhiều người đều thừa nhận rằng cán cân sức mạnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi và trọng tâm của sự thay đổi này chủ yếu nhằm vào nhóm các nền kinh tế đang nổi BRIC (gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).Tuy nhiên, ngoài năm nước này, một số nước trong N-11, nhất là In-đô-nê-xi-a, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Mê-hi-cô, cũng đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, khi đóng góp ít nhất 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Các nước còn lại trong nhóm N-11, gồm Việt Nam, Ni-giê-ri-a, I-ran, Pa-ki-xtan, Ai Cập, Băng-la-đét và Phi-li-pin mặc dù vẫn còn khoảng cách lớn về thu nhập, ổn định chính trị, xã hội...
|
Theo các nhà quan sát, một khối các nền kinh tế đang đổi mới N-11 (viết tắt của từ Next-11), gồm Việt Nam, Mê-hi-cô, Ni-giê-ri-a, Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran, Pa-ki-xtan, Ai Cập, Băng-la-đét, In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc và Phi-li-pin, sẽ làm thay đổi tính chất thương mại toàn cầu hiện nay. Hiện nay, nhiều người đều thừa nhận rằng cán cân sức mạnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi và trọng tâm của sự thay đổi này chủ yếu nhằm vào nhóm các nền kinh tế đang nổi BRIC (gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Tuy nhiên, ngoài năm nước này, một số nước trong N-11, nhất là In-đô-nê-xi-a, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Mê-hi-cô, cũng đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, khi đóng góp ít nhất 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Các nước còn lại trong nhóm N-11, gồm Việt Nam, Ni-giê-ri-a, I-ran, Pa-ki-xtan, Ai Cập, Băng-la-đét và Phi-li-pin mặc dù vẫn còn khoảng cách lớn về thu nhập, ổn định chính trị, xã hội và môi trường đầu tư, song dự báo các nước này đều sẽ đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong những năm tới.
Tập đoàn Goldman Sachs dự đoán, trật tự kinh tế toàn cầu có thể sẽ thay đổi hoàn toàn trong những thập kỷ tới. Theo tập đoàn này, đến năm 2050, GDP của nhóm N-11 có thể bằng hai phần ba GDP của G-7, nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng gấp đôi; Mê-hi-cô sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới; In-đô-nê-xi-a có thể vượt qua Nhật Bản và Ni-giê-ri-a, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Phi, sẽ vượt qua Ca-na-đa trong vòng khoảng 35 năm tới.
Các chuyên gia nhận định, động lực của những thay đổi trên là yếu tố nhân khẩu học. Tại các nước phát triển, tỷ lệ sinh sụt giảm sẽ gây cản trở đà tăng trưởng kinh tế, bởi những nước này sẽ phải vật lộn để hỗ trợ lực lượng lao động. Trong khi đó, tuổi thọ ngày càng tăng đang khiến dân số ngày càng lão hóa và phá hủy việc tiết kiệm các nguồn tài chính của họ. Gioóc-giê Phri-đơ-man, nhà sáng lập mạng Stratfor, nói: 'Chúng ta đang được chứng kiến sự chấm dứt của xu hướng bùng nổ dân số kéo dài suốt 300 năm qua. Điều này đang chuyển đổi cách thức vận hành của xã hội'. Bà K. Co-chơ, nhà chiến lược cao cấp của Goldman Sachs, tập đoàn đã đưa ra cả hai khái niệm là BRIC và N-11, cũng đánh giá rằng các nước thành viên của BRIC và N-11 sẽ được hưởng lợi từ sự thay đổi về kết cấu dân số. Theo bà, với dân số trẻ, chiếm khoảng 20% dân số toàn cầu và tiềm năng phát triển mạnh mẽ, kinh tế của N-11 sẽ nhanh chóng bùng nổ.
Một số chuyên gia cho rằng, trong nhóm N-11, Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng đạt được những tiến bộ kinh tế lớn, bằng cách kết hợp lực lượng lao động trẻ với thu nhập cao. Điều này có lợi cho cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn các nước láng giềng. Theo các chuyên gia, giống như Đức trong những năm 50-60 của thế kỷ trước, Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành động lực cho sự phục hồi và phát triển của các nước vùng Ban-tích, khu vực Cáp-ca-dơ và thế giới A-rập. Không giống một số nước láng giềng, Thổ Nhĩ Kỳ đang phục hồi tốt từ cuộc suy thoái toàn cầu, với mức tăng trưởng kinh tế cao, cùng với tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát thấp. Theo dự đoán của Stratfor, trong thập kỷ tới, Thổ Nhĩ Kỳ có thể góp phần chuyển đổi kinh tế khu vực và ôn hòa hóa những phần tử cực đoan từng đe dọa gây bất ổn ở Trung Đông. Mặc dù, quốc gia này có thể sẽ vấp phải những căng thẳng nội bộ, giống như các cường quốc đang nổi khác, song Thổ Nhĩ Kỳ không đơn lẻ trong lĩnh vực này. Tất cả các thành viên của N-11 đều có nguy cơ gặp rủi ro nhiều hơn các nền kinh tế phát triển. Các rủi ro địa chính trị đang đe dọa các thị trường đang nổi, từ việc I-ran bị tiến công, sự thù địch nổ ra tại Pa-ki-xtan đến nguy cơ giá lương thực tăng cao và lạm phát dẫn đến các cuộc nổi dậy kiểu Ai Cập. Những rủi ro này thể hiện rõ nhất ở khu vực cận Xa-ha-ra châu Phi, nơi kinh tế dễ bị tổn thương do bất ổn chính trị.
Một số nhà phân tích nhận định, trong số các thành viên N-11, Hàn Quốc dường như ổn định nhất, bất chấp tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nhưng Hàn Quốc cũng nằm trong số các nền kinh tế đang nổi phát triển nhất, nơi mức thu nhập tăng nhanh chóng khiến Hàn Quốc ngày càng có nhiều người tiêu dùng 'rủng rỉnh tiền nong'. Là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), thu nhập GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc vào khoảng 20.000 USD, gấp hai lần của Thổ Nhĩ Kỳ và Mê-hi-cô, gấp mười lần của Phi-li-pin hay Ai Cập, gấp Pa-ki-xtan 20 lần và 30 lần so với Băng-la-đét. Ngoài Hàn Quốc, Goldman Sachs dự đoán, 40 năm nữa Mê-hi-cô sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, đứng trên cả Nga, Nhật Bản hay Đức. Nhưng sự trỗi dậy của N-11 sẽ không chỉ dựa trên sự thu hút vốn đầu tư của các công ty phương Tây, mà còn 'ươm mầm' cho sự ra đời của những tập đoàn hàng đầu mới.
Theo một báo cáo năm 2007 của Goldman Sachs, N-11 là một nhóm các thị trường lớn có tiềm năng tăng trưởng nhanh chóng và đưa đến cơ hội cho các nhà đầu tư trong hai thập kỷ tới. Năm thành viên BRIC có thể sớm vượt Ca-na-đa về GDP, nhưng Goldman Sachs dự đoán Mê-hi-cô, In-đô-nê-xi-a, Ni-giê-ri-a, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam cũng có thể làm được điều này vào năm 2050. Trong đó, Việt Nam dự kiến đạt mức tăng GDP/đầu người cao nhất là 9,7% trong giai đoạn 2009-2020.
Theo Nhandan
Ý kiến ()