Mỹ vẫn gặp những khó khăn chồng chất ở Áp-ga-ni-xtan
Vào hồi 12 giờ trưa 16-12, theo giờ Oa-sinh-tơn (0 giờ ngày 17-12, theo giờ Hà Nội), tại Nhà trắng, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma công bố bản báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chiến lược của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan (chiến lược AfPak) một năm qua, khẳng định Mỹ đã đạt kết quả nhất định trong cuộc chiến bước sang năm thứ mười tại Nam Á này, nhưng thách thức phía trước còn rất lớn.Trong việc thực hiện mục tiêu cốt lõi của chiến lược này là đập tan mạng lưới khủng bố An Kê-đa tại Nam Á, Tổng thống Ô-ba-ma nhấn mạnh, Mỹ đã tạo áp lực lớn chưa từng có đối với ban lãnh đạo tổ chức này ẩn náu tại khu vực biên giới Áp-ga-ni-xtan - Pa-ki-xtan. Nhờ việc bổ sung 30 nghìn binh sĩ tới Áp-ga-ni-xtan, Mỹ đã chặn đà nổi dậy của lực lượng Ta-li-ban và củng cố lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan. Người đứng đầu Nhà trắng khẳng định, với những tiến bộ đó, chiến lược của Mỹ đang đi đúng hướng và bảo đảm mục tiêu ông cam kết cuối năm ngoái là bắt đầu quá trình chuyển giao trách...
Vào hồi 12 giờ trưa 16-12, theo giờ Oa-sinh-tơn (0 giờ ngày 17-12, theo giờ Hà Nội), tại Nhà trắng, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma công bố bản báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chiến lược của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan (chiến lược AfPak) một năm qua, khẳng định Mỹ đã đạt kết quả nhất định trong cuộc chiến bước sang năm thứ mười tại Nam Á này, nhưng thách thức phía trước còn rất lớn.
Trong việc thực hiện mục tiêu cốt lõi của chiến lược này là đập tan mạng lưới khủng bố An Kê-đa tại Nam Á, Tổng thống Ô-ba-ma nhấn mạnh, Mỹ đã tạo áp lực lớn chưa từng có đối với ban lãnh đạo tổ chức này ẩn náu tại khu vực biên giới Áp-ga-ni-xtan – Pa-ki-xtan. Nhờ việc bổ sung 30 nghìn binh sĩ tới Áp-ga-ni-xtan, Mỹ đã chặn đà nổi dậy của lực lượng Ta-li-ban và củng cố lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan. Người đứng đầu Nhà trắng khẳng định, với những tiến bộ đó, chiến lược của Mỹ đang đi đúng hướng và bảo đảm mục tiêu ông cam kết cuối năm ngoái là bắt đầu quá trình chuyển giao trách nhiệm an ninh cho quân đội Áp-ga-ni-xtan và giảm quân Mỹ từ tháng 7-2011, tiến tới chuyển giao hoàn toàn và kết thúc sứ mệnh chiến đấu của quân Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan trước cuối năm 2014.
Tổng thống Ô-ba-ma đứng trước sức ép ngày càng lớn từ trong nước, đặc biệt từ nội bộ đảng Dân chủ (DC), phải chứng tỏ rằng quyết định bổ sung 30 nghìn binh sĩ và leo thang chiến tranh tại Áp-ga-ni-xtan đang mang lại hiệu quả và phải giữ lời hứa bắt đầu rút quân Mỹ từ giữa năm tới. Nhiều nghị sĩ đảng DC phản đối chiến tranh cho rằng, Tổng thống Ô-ba-ma đã quá nhượng bộ những người ủng hộ chiến tranh trong chính quyền và quân đội. Các nghị sĩ này bất đồng với Tổng thống trong một loạt vấn đề về luật, chính sách công, thất bại của đảng DC trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, gần đây nhất là thoả thuận về thuế với đảng Cộng hoà (CH). Ông Ô-ba-ma sẽ được các nghị sĩ đảng CH ủng hộ tiếp tục cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan. Nhưng sự bất bình ngày càng tăng của một số nghị sĩ đảng DC, từng là chỗ dựa cho thắng lợi của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008, có thể sẽ gây những khó khăn cho ông Ô-ba-ma trong thực hiện chiến lược của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan.
Mặc dù khẳng định lại cam kết chiến lược đưa ra cuối năm ngoái, người đứng đầu Nhà trắng cũng phải thừa nhận, những kết quả đạt được tại Áp-ga-ni-xtan còn 'mong manh và có thể bị đảo ngược' và 'những ngày khó khăn vẫn ở phía trước'. 2010 trở thành năm bạo lực tồi tệ nhất ở Áp-ga-ni-xtan kể từ năm 2001. Lực lượng nổi dậy bị đẩy khỏi một số căn cứ truyền thống ở miền nam và miền đông, nhưng lại thâm nhập vào những vùng vốn bình yên hơn ở miền bắc và miền tây. Thương vong của các lực lượng nước ngoài và dân thường Áp-ga-ni-xtan tăng kỷ lục bất chấp sự có mặt của khoảng 150 nghìn binh sĩ nước ngoài, trong đó có 100 nghìn binh sĩ Mỹ. Tính từ đầu năm đến nay, gần 700 binh sĩ nước ngoài chết tại Áp-ga-ni-xtan, trong đó có 480 binh sĩ Mỹ (con số này năm ngoái là 317, năm 2008 là 155).
Tổng thống Ô-ba-ma cũng nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải có tiến bộ về chính trị và kinh tế tại Áp-ga-ni-xtan, trước hết là nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của Chính phủ Áp-ga-ni-xtan trong việc cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân. Mỹ muốn rút quân khỏi chiến trường Áp-ga-ni-xtan nhưng cũng muốn Áp-ga-ni-xtan có một chính phủ ổn định, có thể bảo đảm loại bỏ các nhóm khủng bố chống Mỹ. Đã ba tháng sau bầu cử, nhưng Hạ viện Áp-ga-ni-xtan vẫn chưa thể họp phiên đầu tiên vì có quá nhiều khiếu nại về gian lận bầu cử. Trong báo cáo công bố một ngày trước bản đánh giá của Nhà trắng, Uỷ ban chữ thập đỏ quốc tế cho biết, 2010 là năm khó khăn nhất với tổ chức này khi thực hiện sứ mệnh nhân đạo tại Áp-ga-ni-xtan trong 30 năm qua, dự kiến năm tới vẫn tiếp tục gay go. Trước những khó khăn chồng chất tại Áp-ga-ni-xtan, ông Ô-ba-ma đã phải thu hẹp mục tiêu chiến lược từ 'chống nổi dậy' còn 'chống khủng bố', thậm chí đã tuyên bố ủng hộ chính quyền Áp-ga-ni-xtan tiến hành thương lượng với Ta-li-ban, vì mục tiêu hòa bình và hòa giải dân tộc.
Trong khi đó, các nỗ lực truy quét lực lượng Ta-li-ban và các nhóm nổi dậy tại Pa-ki-xtan vẫn chưa đem lại hiệu quả, tiếp tục đặt ra thách thức đối với chiến lược AfPak. Tổng thống Ô-ba-ma nhấn mạnh sẽ tiếp tục thúc ép lãnh đạo Pa-ki-xtan tăng cường triệt phá các nhóm khủng bố ở khu vực biên giới giáp Áp-ga-ni-xtan. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ M.Mu-len đang ở Áp-ga-ni-xtan, sau khi thăm Pa-ki-xtan, cũng tỏ rõ thất vọng với chính quyền I-xla-ma-bát trong việc ngăn chặn các nhóm phiến quân ở Pa-ki-xtan thực hiện các vụ tiến công liên quân do Mỹ và NATO đứng đầu ở Áp-ga-ni-xtan.
Có thể, vào thời điểm hiện nay công chúng Mỹ còn đau đầu với nỗi lo khủng hoảng kinh tế nên ít chú ý tới Áp-ga-ni-xtan. Nhưng tình hình này có thể thay đổi nếu binh sĩ Mỹ tiếp tục đổ máu nhiều hơn tại chiến trường Nam Á và kinh tế Mỹ tiếp tục gặp khó khăn, buộc QH Mỹ phải chặt chẽ hơn trong việc thông qua hằng năm hơn 100 tỷ USD cho cuộc chiến dai dẳng ở Áp-ga-ni-xtan. Khi đó sức ép sẽ ngày càng lớn buộc ông Ô-ba-ma phải thu hẹp sứ mệnh chiến đấu tại Áp-ga-ni-xtan và đẩy nhanh tốc độ rút quân. Theo giới phân tích, hiệu quả chiến lược của chính quyền Tổng thống Ô-ba-ma sẽ được kiểm nghiệm từ thực tế chiến trường Áp-ga-ni-xtan trong những tháng đầu năm 2011, thời điểm lực lượng Ta-li-ban cảnh báo sẽ gia tăng các hoạt động chống Mỹ và liên quân và cũng là lúc Lầu năm góc tiến hành các bước chuẩn bị cho kế hoạch giảm dần lực lượng chiến đấu tại Áp-ga-ni-xtan.
Theo Nhandan
Ý kiến ()