Mỹ và Taliban thảo luận tại Doha (Qatar): Nỗ lực ổn định tình hình Afghanistan
Cuối tuần trước, đại diện của Mỹ và Taliban đã gặp nhau tại thủ đô Doha của Qatar để thảo luận một số vấn đề về nhân đạo và việc thực hiện thỏa thuận đạt được năm 2020, trong nỗ lực ổn định tình hình tại Afghanistan. Đây cũng là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Mỹ rút quân, chấm dứt sự hiện diện quân sự kéo dài 20 năm tại quốc gia Tây Nam Á này.
Hãng Aljazeera dẫn lời Quyền Ngoại trưởng của chính phủ lâm thời mới thành lập tại Afghanistan, ông Amir Khan Muttaqi cho biết, hai bên đã thảo luận về một loạt vấn đề, trong đó có việc “mở ra một trang mới” trong quan hệ. Theo ông A.Muttaqi, trọng tâm của phái đoàn Taliban là viện trợ nhân đạo, cũng như việc thực hiện thỏa thuận mà Taliban đã ký với Washington hồi năm ngoái. Thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban năm 2020, do chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đàm phán, yêu cầu Taliban cắt đứt quan hệ với các nhóm “khủng bố” và bảo đảm rằng Afghanistan sẽ không tiếp tục nuôi dưỡng những kẻ khủng bố có thể tấn công Mỹ và các đồng minh.
Tuy nhiên, Phát ngôn viên của Taliban Suhail Shaheen nói với Hãng tin AP rằng Taliban sẽ không hợp tác với Washington trong việc ngăn chặn chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang ngày càng hoạt động mạnh mẽ ở Afghanistan, bởi lực lượng này có thể đối phó một cách độc lập. Kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan, các tay súng của IS đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào nhóm này, cũng như các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số khác. IS cũng đã nhận trách nhiệm về một số vụ tấn công gần đây, trong đó có vụ đánh bom liều chết hôm 8-10 vừa qua khiến ít nhất 46 tín đồ Hồi giáo dòng Shiite thiệt mạng và hàng chục người bị thương khi họ cầu nguyện trong một nhà thờ ở thành phố Kunduz, miền Bắc Afghanistan.
Các cuộc đàm phán tại Doha cũng diễn ra sau hai ngày thảo luận giữa các quan chức Pakistan và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tại Islamabad, tập trung vào vấn đề Afghanistan. Các quan chức Pakistan kêu gọi Mỹ tham gia với nhà cầm quyền mới của Afghanistan và giải phóng hàng tỷ USD trong quỹ quốc tế để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế. Theo Reuters, nhiều người Afghanistan đã bắt đầu bán tài sản của họ để có tiền mua lương thực, thực phẩm, vốn ngày càng khan hiếm. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, việc Mỹ rút quân cùng sự vắng bóng của các nhà tài trợ quốc tế đã làm giảm 75% các khoản viện trợ cho chi tiêu công tại Afghanistan. Mặc dù đã có sự cải thiện để các tổ chức nhân đạo có thể tiếp cận một số khu vực mà họ chưa từng đến trong 1 thập kỷ, song nhiều vấn đề vẫn còn tồn tại và phía Mỹ mong muốn nhìn thấy sự cải thiện mạnh mẽ hơn nữa. Pakistan cũng gửi một thông điệp cho Taliban, kêu gọi họ nên chú ý hơn đến nhân quyền cũng như các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các cuộc đàm phán hôm 8-10 không phải để công nhận hay hợp thức hóa Taliban trong vai trò lãnh đạo Afghanistan, mà là sự tiếp nối các cuộc đàm phán thực chất về vấn đề lợi ích quốc gia của Mỹ. Ưu tiên hàng đầu của Washington là việc tiếp tục đưa một số người Afghanistan, công dân Mỹ và các công dân nước ngoài khác rời đi an toàn, đồng thời thúc giục Taliban tôn trọng quyền của tất cả người dân. Mỹ cũng nhiều lần khẳng định họ sẽ đánh giá chính phủ lâm thời mới thành lập của Taliban tại Afghanistan dựa trên những việc làm cụ thể.
Hãng Aljazeera nhận định, vẫn cần thận trọng trước khi đưa ra kỳ vọng về một bước đột phá tại các cuộc đàm phán, bởi vẫn còn khá nhiều “hố sâu” giữa những mong muốn của Mỹ và chính phủ mới thành lập ở Afghanistan. Lộ trình tương lai của Afghanistan còn để ngỏ, phụ thuộc vào hành động thực tế của lực lượng Taliban, song ổn định tình hình vẫn là vấn đề cần ưu tiên để làm cơ sở cho việc triển khai các biện pháp hỗ trợ nhân đạo.
Theo Hanoimoi
Ý kiến ()