Mỹ và EU công bố sáng kiến giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga
Ngày 25/3, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) công bố thỏa thuận cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Theo sáng kiến do Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) công bố, hai bên sẽ thành lập một lực lượng đặc trách về an ninh năng lượng do đại diện của Nhà trắng và đại diện của Chủ tịch EC điều hành.
Lực lượng đặc trách sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh năng lượng cho Ukraine và EU; đồng thời hỗ trợ EU đạt mục tiêu chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Theo đó, trong năm nay, Mỹ sẽ cung cấp thêm cho EU 15 tỷ mét khối LNG; hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Washington cung cấp thêm cho EU 50 tỷ mét khối LNG/năm.
Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Canada ngày 24/3 cho biết, Canada có thể tăng sản xuất và xuất khẩu thêm 300.000 thùng dầu và khí đốt tự nhiên mỗi ngày, đóng góp vào nỗ lực toàn cầu mở rộng nguồn cung năng lượng. Quan chức Canada cho biết, nước này có thể tăng tốc sản xuất và nâng công suất của đường ống dẫn để tăng xuất khẩu dầu khí vào cuối năm nay. Các cuộc thảo luận giữa các chính phủ và các công ty dầu khí được tăng cường gần đây, trong bối cảnh căng thẳng liên quan xung đột tại Ukraine tác động tới nguồn cung năng lượng từ Nga và Moskva phải đối mặt các lệnh trừng phạt.
Viện Hợp tác nông nghiệp liên Mỹ (IICA) cho rằng, châu Mỹ có thể đóng góp quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng toàn cầu. Trong báo cáo vừa công bố có tựa đề “Tầm quan trọng địa chính trị của ngành nông nghiệp trong an ninh năng lượng”, IICA chỉ ra rằng, châu Mỹ hiện sản xuất tới 71% tổng sản lượng toàn cầu về nhiên liệu sinh học lỏng, vốn có tầm quan trọng chiến lược để thay thế một phần tiêu thụ dầu và khí tự nhiên.
Châu Mỹ đang nắm vai trò chủ chốt trong việc sản xuất cồn sinh học, khi cung cấp tới 88% tổng lượng cồn sinh học và 36% lượng diesel sinh học cho toàn thế giới. Tài liệu của IICA cho thấy, khu vực này có thể đóng góp tăng gấp đôi sản lượng cồn sinh học trên thế giới và tăng 80% sản lượng diesel sinh học. IICA ước tính, nhiên liệu sinh học lỏng có thể bù đắp tới 53% nhu cầu dầu mỏ.
Trong khi đó, liên quan quy định mới của Nga, Công ty năng lượng quốc gia PGNiG của Ba Lan ngày 24/3 tuyên bố sẽ không thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble, viện dẫn hợp đồng mua bán giữa hai bên đã thống nhất phương thức thanh toán. Italia tuyên bố yêu cầu của Nga về việc nhận thanh toán tiền khí đốt bằng đồng ruble là vi phạm hợp đồng. Ðức cũng cho rằng quyết định của Nga vi phạm hợp đồng và Berlin sẽ thảo luận với các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) về phản ứng với Nga.
Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, EU đang đánh giá các kịch bản, gồm cả khả năng ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga vào mùa đông tới. Ðây là một phần trong kế hoạch dự phòng cho tình huống gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga. Mục tiêu của EC là giúp các nước thành viên EU chủ động điều chỉnh kế hoạch dự phòng nguồn cung khí đốt.
Ý kiến ()