Mỹ từ bỏ ý định trở lại mặt trăng
Do những khó khăn về tài chính, Tổng thống Mỹ Barack Obama buộc phải thu hẹp tham vọng chinh phục vũ trụ của Mỹ, trong đó có việc hủy kế hoạch trở lại mặt trăng và khuyến khích tư nhân tham gia các chương trình vũ trụ.
Tàu vận tải vũ trụ Dragonlab do SpaceX – một công ty của Mỹ – chế tạo đang bay trên quỹ đạo trái đất. Ảnh: AP. |
Tổng thống Obama trình bày kế hoạch ngân sách năm 2011 trước hạ viện hôm nay. Theo AP, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ công bố hàng loạt chính sách mới đối với lĩnh vực thám hiểm vũ trụ, trong đó có việc khuyến khích các công ty tư nhân chế tạo, phóng, vận hành các phi thuyền và tên lửa đẩy.
Washington cho rằng chính phủ đã đưa các nhà du hành vào không gian suốt 49 năm qua và giờ đây các công ty tư nhân có thể đảm nhiệm công việc này. Ngoài ra việc tư nhân tham gia các chương trình nghiên cứu vũ trụ sẽ giúp Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tập trung tiền, nhân lực và thời gian vào các công việc khác – như thám hiểm vùng không gian bên ngoài quỹ đạo trái đất, chế tạo những vệ tinh hiện đại hơn hay tăng số lương chương trình nghiên cứu.
Nhà Trắng đối mặt với áp lực giảm ngân sách dành cho các chương trình vũ trụ kể từ khi Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Tuy nhiên, BBCcho biết, NASA sẽ được cấp thêm 6 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Cơ quan này sẽ sử dụng một phần ngân sách để khuyến khích các công ty tư nhân chế tạo bệ phóng tên lửa thế hệ mới nhằm đưa người vào không gian.
Tuy nhiên, nhiều người – trong đó có cả các cựu quan chức của NASA – tỏ ra lo ngại về nguy cơ rủi ro khi tư nhân tham gia các chương trình thám hiểm vũ trụ. Bên cạnh đó các nhà lãnh đạo trong quốc hội cũng sợ rằng những chủ trương mới sẽ khiến nhiều người mất việc. Những người chỉ trích chủ trương tư nhân hóa tin nghiên cứu vũ trụ vẫn là lĩnh vực quá khó và đầy rủi ro đối với các công ty tư nhân. Họ lo ngại rằng mức độ kiểm soát của chính phủ đối với nghiên cứu vũ trụ sẽ giảm.
Những người ủng hộ tư nhân hóa nói cách đây gần 20 năm, quân đội Mỹ tự sản xuất phần lớn máy bay. Nhưng ngày nay các công ty tư nhân đã tham gia vào quá trình chế tạo và vận hành phi cơ. Phe ủng hộ cũng tán thành việc thuê công ty tư nhân đưa người lên Trạm Không gian quốc tế (ISS) từ nay tới năm 2020. Kế hoạch này giống như việc NASA thuê Nga đưa phi hành gia lên ISS bằng tàu Soyuz sau tai nạn của tàu Columbia vào năm 2003.
Sau vụ nổ tàu Columbia khiến 7 phi hành gia thiệt mạng, cựu tổng thống Mỹ George Bush yêu cầu NASA thành lập Chương trình Constellation. Mục tiêu của chương trình là chế tạo thế hệ tàu vũ trụ mới để thay thế các tàu con thoi từ tháng 9 năm nay, đưa người lên mặt trăng và sao Hỏa. NASA đã chi hơn 9 tỷ USD vào chương trình.
Michael Griffin, cựu giám đốc NASA, tỏ ra bi quan về quyết định từ bỏ Chương trình Constellation. Ông cảnh báo rằng Mỹ “sẽ từ bỏ vị trí dẫn đầu thế giới trong thám hiểm vũ trụ” nếu ngừng chương trình này.
Ý kiến ()