Mỹ tìm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực viễn thông ở Thái-lan
Theo Supot Tiarawut, Thư ký và Giám đốc Hiệp hội Viễn thông Thái-lan (TCT) cho biết, một quan chức của Bộ Thương mại Hoa Kỳ và nhóm của ông đã yêu cầu TCT cung cấp thông tin về sự phát triển của ngành viễn thông và sự chuẩn bị 5G ở nước này. Quan chức này quan tâm đến việc khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ giải pháp công nghệ có trụ sở tại Hoa Kỳ mở rộng đầu tư vào Thái-lan.
TCT nói với đại diện Hoa Kỳ rằng, Thái-lan đang trong giai đoạn thử nghiệm 5G ở hai nội dung, một nội dung thuộc Bộ Kinh tế Kỹ thuật số và Xã hội (DE) ở Hành lang Kinh tế phía Đông và nội dung khác tại Trung tâm thử nghiệm của Trường đại học Chulalongkorn, do cơ quan quản lý viễn thông tổ chức.
Ông Supot cho biết, TCT hoan nghênh sự hợp tác của Bộ Thương mại Hoa Kỳ với hiệp hội bằng cách gửi các diễn giả đến các hội thảo học thuật của TCT về công nghệ viễn thông trong tương lai.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã nhận thức được “chính sách trung lập” của Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Thái-lan (NBTC) về việc chấp nhận đầu tư và công nghệ từ tất cả các nhà cung cấp viễn thông toàn cầu, ngay cả khi xảy ra tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Một nguồn tin trong ngành viễn thông cho biết, động thái mới nhất của Bộ Thương mại Hoa Kỳ được coi là nỗ lực tăng cường quan hệ kinh doanh cho các công ty công nghệ Mỹ có trụ sở tại Thái-lan khi thành lập một trung tâm kinh doanh di động khu vực sau khi áp dụng công nghệ 5G.
Điều này đến vào thời điểm căng thẳng thương mại điện tử giữa Mỹ và Trung Quốc khi mà chính phủ Hoa Kỳ cấm các công ty nước này bán vật tư cho hãng Huawei của Trung Quốc, khiến Google thu hồi giấy phép hệ điều hành Android của Huawei trên tất cả các điện thoại thông minh của hãng điện thoại Trung Quốc.
Tuy vậy, bất chấp những nỗ lực của Hoa Kỳ ngăn cản các đồng minh sử dụng công nghệ Huawei trong cơ sở hạ tầng viễn thông của họ vì lo ngại về an ninh, Thái-lan và nhiều quốc gia khác đã bỏ qua yêu cầu này và hoàn toàn chấp nhận đầu tư của công ty Trung Quốc.
Nguồn tin tương tự cho biết, các công ty viễn thông Mỹ chủ yếu hoạt động thông qua các nền tảng, ứng dụng và giải pháp kỹ thuật số, chứ không phải cơ sở hạ tầng mạng viễn thông.
Trong quá khứ, công ty thiết bị viễn thông đa quốc gia phát triển nhất của Hoa Kỳ là Lucent Technologies đã sáp nhập với Alcatel SA của Pháp vào năm 2006, tạo thành Alcatel-Lucent. Alcatel-Lucent sau đó lại được hãng Nokia mua lại vào tháng 1-2016. Điều này khiến cho không có công ty thuần túy nào có trụ sở tại Hoa Kỳ vận hành một mạng viễn thông trên thị trường toàn cầu, với các đối thủ chính của Huawei trong phát triển 5G là Ericsson và Nokia.
Các công ty Mỹ như Qualcomm, Motorola và Lucent từng là những công ty thống trị trong việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông của Thái-lan, nhưng áp lực về giá (và một số quy định chặt chẽ trong nước) đã đẩy các công ty này ra khỏi thị trường, mang lại lợi thế cho Huawei và Thụy Điển.
Các công ty Mỹ vẫn có cổ phần trong tương lai 5G của Thái-lan và Đông-Nam Á, vì những gã khổng lồ công nghệ như Google, Amazon và Apple vẫn là những người đi đầu trong đổi mới kỹ thuật số và sẽ phát triển các ứng dụng và thiết bị, cũng như cung cấp dịch vụ đám mây trên mạng 5G.
Theo Nhandan
Ý kiến ()